Hội chứng 'Người giàu khốn khổ' và câu chuyện Bill Gates không để hết tài sản lại cho con

Năm 2007, nhà báo Gary Rivlin đăng tải trên tờ New York Time hồ sơ tổng hợp về những người giàu nhất Thung lũng Silicon. Một trong số đó là doanh nhân Hal Steger sống cùng vợ trong ngôi nhà trị giá hàng triệu USD bên bờ biển Thái Bình Dương. Tổng tài sản ròng của gia đình này vào khoảng 3,5 triệu USD và giả sử với mức lợi nhuận thu về 5% cho các khoản đầu tư, gia đình Steger có thể sống nhàn hạ đến cuối đời với thu nhập cố định 175.000 USD/tháng.

Trớ trêu thay, Rivlin cho biết doanh nhân Steger luôn bắt đầu ngày làm việc từ 7h sáng. Vị triệu phú đã 51 tuổi này làm 12 tiếng mỗi ngày và 10 tiếng vào cuối tuần. Nghe có vẻ phi lý cho một doanh nhân thành đạt đã cao tuổi. Thậm chí bản thân Steger cũng nhận thức được vấn đề này.

"Tôi biết người ngoài nhìn vào sẽ hỏi tại sao tôi còn làm việc chăm chỉ như vậy khi đã giàu. Thế nhưng với tình cảnh của tôi hiện nay, một vài triệu USD chẳng có ý nghĩa là mấy", triệu phú Steger cho biết.

Câu nói này của Steger vốn ám chỉ đến lạm phát, đồng tiền mất giá hay nhiều yếu tố rủi ro khác nhưng với nhà báo Rivlin, bản thân Steger dường như không nhận ra ông đang lâm vào một tình cảnh thường thấy trong giới nhà giàu. Theo Rivlin, Thung lũng Silicon là mảnh đất của tầng lớp "lao động triệu phú" (Working Class Millionaires). Đây là những gã nhà giàu thành đạt nhờ làm việc chăm chỉ, thế nhưng họ vẫn chưa công nhận rằng mình giàu khi sống trong một cộng đồng toàn những kẻ giàu tương đương hay thậm chí nhiều tiền hơn mình.

Sau khi phỏng vấn nhiều giám đốc điều hành, những người thuộc tầng lớp giàu có, nhà báo Rivlin cho rằng nhiều triệu phú thường coi số tiền mình hiện có chẳng đáng bao nhiêu so với hàng trăm nghìn đại gia khác.

Triệu phú Gary Kremen, người sáng lập Match.com với khối tài sản ròng 10 triệu USD nhận thức được vấn đè này.

"Những người giàu như chúng tôi thường nhìn lên những người giàu hơn. Ở tầng lớp này, bạn vẫn sẽ chẳng là gì nếu chỉ có 10 triệu USD", nhà sáng lập Kremen thừa nhận.

Vậy nếu 10 triệu USD vẫn chẳng là gì thì bao nhiêu mới đủ?

Nhiều người có thể nguyền rủa những người giàu khi đã lắm tiền nhưng vẫn miệt mài làm việc. Thế nhưng sự thật là giới nhà giàu đang lâm vào một cái bẫy tâm lý khi làm việc quần quật và lọt vào 0,001% những người giàu nhất thế giới để rồi không nhận ra mình đã đạt được mục tiêu ban đầu.

Nếu vẫn tiếp tục sống "quần quật" và chỉ ngước nhìn lên như vậy, những người giàu sẽ chẳng bao giờ thấy mình thực sự giàu. Khi đã già và bệnh tật, những người giàu mới chợt nhận ra cuộc sống vô nghĩa khi cắm đầu kiếm tiền để rồi cuối cùng chẳng nhận được mấy sự cảm thông từ gia đình hay bạn bè.

Hội chứng "Người giàu khốn khổ"

Đối với phần đông, người giàu thường bị gắn mác lạnh lùng, kênh kiệu, khó ưa… Họ thường làm những gì mình muốn và chẳng để tâm mấy đến những người xung quanh. Họ sống cô độc trong thế giới và tầng lớp riêng mà quên đi mất số đông những người bình thường còn lại.

Tuy nhiên những đại gia khó ưa này không phải sinh ra đã vậy. Hội chứng "Người giàu khốn khổ" (Rich Asshole Syndrome) được hình thành khi các đại gia cảm thấy thất vọng vì không được thỏa mãn các nhu cầu dù sống trong điều kiện tốt hơn so với số đông.

Ngay từ bé, trẻ em đã được dạy về sự giàu có, về sức mạnh của tiền bạc khi gia đình khá giả mua được cho con họ nhiều đồ chơi hơn. Lớn lên, tiền bạc được dùng để đánh giá về sự thành công, về khả năng kết hôn cùng nhiều sự lựa chọn khác.

Thế nhưng, hầu như chẳng có ai nói cho những người giàu biết về cái giá của họ khi thay đổi cuộc sống nhờ kiếm nhiều tiền hơn. Người giàu mua ô tô để không phải chen chúc đi xe buýt, họ mua biệt thự để tránh bị làm phiền bởi những hàng xóm ồn ào. Người giàu ở khách sạn hạng sang thay vì những nhà nghỉ rẻ tiền.

Các đại gia sử dụng tiền để giải thoát bản thân khỏi những rủi ro, bất tiện trong cuộc sống. Tuy nhiên đi cùng với đó là những cái giá tiềm ẩn. Việc tách biệt khỏi số đông khiến người giàu sống thoải mái nhưng cũng khiến họ mất cơ hội làm quen với những người lạ, trải nghiệm những thứ bình thường hay giao tiếp như phần đông những người khác.

Những nhà nghiên cứu đã nhiều lần kết luận rằng cảm giác kết nối trong một cộng đồng là yếu tố quan trọng làm nên hạnh phúc. Số liệu của Tổng cục điều tra dân số Mỹ cho thấy thập niên 1920, chỉ có khoảng 5% người dân sống một mình thì nay hơn ¼ tổng dân số Mỹ lủi thủi 1 mình, đây là tỷ lệ cao kỷ lục chưa từng có.

Ngoài ra, tỷ lệ sử dụng thuốc chống trầm cảm đã tăng hơn 400% trong 20 năm qua. Hiện tượng nghiện thuốc giảm đau thì ngày càng tăng. Số người giàu trên thế giới ngày một nhiều khi kinh tế đi lên nhưng sự hạnh phúc của người dân, thậm chí là cả những đại gia lại chẳng mấy thay đổi nếu không muốn nói là tệ hơn.

Nghiên cứu của trường đại học Toronto cho thấy người giàu thường kém hào phóng hơn người nghèo, nhưng nguyên nhân không đơn thuần là do người giàu keo kiệt. Thay vào đó, sự tách biệt khoảng cách giữa 2 tầng lớp đã làm giảm sút khả năng đồng cảm, thương hại của người giàu với người nghèo hơn.

Thậm chí, nghiên cứu của đại học Toronto còn cho thấy người giàu có xu hướng ít hào phóng hơn khi sự bất bình đẳng quá cao hoặc quá thường xuyên trong xã hội chứ không phải do bản tính ích kỷ. Nếu người cần được giúp đỡ không quá khác biệt, người giàu có thể sẵn sàng đưa tay giúp đỡ, thế nhưng nếu sự khác biệt về văn hóa, kinh tế hay tầng lớp quá xa hoặc sự bất bình đẳng diễn ra thường xuyên trong xã hội, người giàu có lẽ sẽ chẳng mấy quan tâm.

Người giàu thích phạm tội?

Các nhà thần kinh học Jorge Moll, Jordan Grafman và Frank Krueger của Viện Rối loạn Thần kinh và Đột quỵ Quốc gia (NINDS) đã sử dụng máy fMRI để chứng minh lòng vị tha của con người liên quan đến bản năng, đến cấu trúc tiến hóa não bộ người hơn là văn hóa xã hội.

Theo đó, não bộ người được lập trình từ bé để có được cảm giác an toàn khi thể hiện lòng tốt hoặc chăm sóc cho những người cần giúp đỡ. Tuy nhiên, việc giúp đỡ người khác sẽ bị thay đổi do cách giáo dục và sự học hỏi trong quá trình trưởng thành, qua đó khiến những đứa trẻ nhà giàu có ít bản năng giúp đỡ những người khác hơn.

Đồng quan điểm, nhà tâm lý học Dahcer Kelter và Paul Piff đã theo dõi các ngã tư và cho kết quả rằng những chiếc xe đắt tiền tạt đầu xe khác nhiều gấp 4 lần so với những chiếc xe bình dân. Khi theo dõi đèn dừng cho người đi bộ qua đường, hầu hết những chiếc xe bình dân đều dừng đèn đỏ tôn trọng luật pháp nhưng chỉ có 46,2% những chiếc xe đắt tiền làm điều này dù họ đã nhìn thấy có người chuẩn bị băng qua đường.

Nhiều nghiên cứu khác cũng cho thấy người giàu nhiều khả năng gian lận trong công việc hay trò chơi hơn những người bình thường. Họ cũng có nhiều khả năng nói dối trong các cuộc đàm phán, bào chữa hành vi phi đạo đức ở nơi làm việc hay nói dối khách hàng để kiếm thêm thu nhập.

Khảo sát của Viện tâm thần New York cho thấy người giàu có nhiều khả năng không thanh toán hàng hóa khi ra khỏi cửa hàng hơn là người nghèo. Nghe thật trớ trêu nhưng chúng phản ánh một quy luật tại các nước Phương Tây: Nếu bạn biết mình đủ khả năng thuê luật sư giỏi hoặc đóng tiền tại ngoại, việc vượt đèn đỏ hay không thanh toán một thanh kẹo Snickers có vẻ không quá rủi ro.

Tuy nhiên câu chuyện không dừng lại ở việc ăn trộm một thanh kẹo. Tổ chức nghiên cứu độc lập "Independent Sector" đã từng công bố kết quả cho thấy những người có thu nhập dưới 25.000 USD/năm thường quyên góp hoặc cho đi hơn 4% thu nhập của mình. Tuy nhiên, những người thu nhập hơn 150.000 USD/năm lại chỉ đóng góp khoảng 2,7% bất chấp theo luật định, người giàu có thể hưởng các lợi ích về thuế khi làm từ thiện hơn người nghèo.

Tất nhiên, "Hội chứng người giàu khốn khổ" cũng có những ngoại lệ khi nhiều tỷ phú đủ thông minh để nhận ra những cạm bẫy của đồng tiền. Dẫu vậy những người giàu này rất hiếm và đa số có gốc gác bình dân.

Có lẽ sự thấu hiểu về tác hại của đồng tiền đã giải thích cho việc nhiều tỷ phú từ chối để lại gia sản cho con cháu. Những người giàu như Bill Gates, Warren Buffett đã cam hết cho đi hầu hết tài sản của họ khi qua đời.

Hiện nay, rất nhiều người cho rằng chiến thắng trong trò chơi tiền bạc sẽ đem lại hạnh phúc và sự hài lòng. Thế nhưng lịch sử khoảng 300.000 năm của loài người lại cho thấy tài sản hay tiền bạc không bao giờ là đủ và đôi khi hạnh phúc chỉ là sự sẻ chia, thông cảm hoặc đơn giản là biết điểm dừng.


Nguồn: Báo Tổ Quốc