Đại dịch Covid-19 đang hoành hành ở nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam cũng không ngoại trừ. Trước đó, rất nhiều chuyến bay từ các nước đã hạ cánh xuống Việt Nam theo lịch trình du lịch như dự kiến. Tuy nhiên, trong số đó lại có người được xác định dương tính với Covid-19. Điều này đồng nghĩa với việc những hành khách khác trong chuyến bay đều phải tiến hành cách ly 14 ngày theo quy định của Bộ Y tế, nhằm bảo đảm an toàn cho cộng đồng.
Hiểu được thực tế này, cũng là điều cần làm trong tình hình hiện nay, nhiều du khách đã rất vui vẻ khi thực hiện cách ly tại các khu vực đã được chỉ định trước đó. Tại mỗi điểm cách ly tập trung, là những hình ảnh, kỷ niệm sâu sắc khiến không ít du khách người nước ngoài cảm thấy ấn tượng. Đặc biệt là đội ngũ những người đã chăm lo tận tình cho họ - những người sẵn sàng hết lòng, hết sức để thực hiện nhiệm vụ phòng chống dịch bảo vệ cộng đồng, đồng thời cũng hết sức nhân ái bao dung.
Ở khu vực cách ly luôn được xịt khử trùng hằng ngày. Các chiến sĩ, nhân viên y tế ai cũng mặc quần áo bảo hộ. 14 ngày ở đây, mọi người được phục vụ những bữa ăn ngon, là những suất cơm rau với thịt được chuẩn bị đầy đặn trong từng khay/hộp xốp; là chiếc bánh mì kẹp mà du khách nào cũng yêu thích kèm với chai nước suối hay các loại bún, phở... Hay mỗi ngày đều đặn được đo thân nhiệt, kiểm tra sức khỏe hai lần. Rõ ràng Việt Nam luôn ở trong tư thế sẵn sàng trước việc chống dịch.
Được xếp vào cùng phòng cách ly chung với hai bạn du khách người Anh, bạn Trần Minh Trang kể lại: "Chúng tôi sinh hoạt cùng nhau trong một căn phòng gồm tám người. Hai bạn người Anh rất hòa đồng, năng động. Họ không hề tỏ ra không thoải mái hay ngại khó khi ở đây. Các bạn ấy nói: Ở đây thật tốt! Chúng tôi được hỗ trợ những vật dụng cần thiết. Được phát những suất ăn ngon miệng. Sau này, khi dịch bệnh không còn, chúng tôi sẽ quay lại Việt Nam, bù đắp lại quãng thời gian phải ở cách ly thế này".
Sau thời gian cách ly, được chăm sóc tận tình, nhiều du khách nước ngoài đã có những ấn tượng tốt đẹp về Việt Nam. Tuy họ tiếc vì không hoàn thành chuyến du lịch như mong muốn, song họ lại bày tỏ niềm tin Việt Nam sẽ sớm vượt qua được đại dịch Covid-19.
Nơi ở sạch sẽ, thoáng mát. (Ảnh: NVCC)
Từ những trang nhật ký của du khách người Hàn Quốc đến lá thư viết tay của nữ du khách Ba Lan, khi sử dụng phần mềm để dịch sang tiếng Việt, là một “hành trình” trải nghiệm cuộc sống mới của họ khi đến Việt Nam. Họ chia sẻ về nơi ở, nếp sống sinh hoạt khi ở một môi trường hoàn toàn mới lạ. Chứa đựng bên trong những dòng viết cũng là lòng biết ơn sâu sắc của những vì khách quốc tế đến bao người ngày đêm không ngại khó, ngại khổ nhường chỗ ở của mình cho họ, sẵn sàng giúp đỡ khi họ cần.
Suất cơm đầy đặn, đủ dinh dưỡng. (Ảnh: NVCC)
Chia sẻ về 14 ngày phải cách ly ở khu vực Pháp Vân - Tứ Hiệp, du khách người Hàn Quốc nói: “Tôi đáp chuyến bay từ Sydney về Hà Nội và được thông báo sẽ phải cách ly 14 ngày vì từng quá cảnh ở Malaysia. Từ đó, trong tôi đặt ra biết bao câu hỏi: Điều kiện sống của chúng tôi tại nơi cách ly sẽ ra sao? Liệu có được ăn uống đầy đủ không? Có phải ở gần người nhiễm bệnh không?... Nhưng rồi, mọi chuyện cũng ổn. Tôi đã thấy bớt lo hơn khi kết quả xét nghiệm đều âm tính. Tôi biết ơn các cán bộ đã giúp đỡ, chăm sóc tôi rất tốt trong thời gian đó. Thật tuyệt vời!”.
Tạm gác lại chuyện cách ly giữa mùa dịch Covid-19. Hãy nhìn lại những điều mà Việt Nam đã tạo dựng nên nhằm mang lại sự yên tâm, thu hút khách du lịch quốc tế. Trước đây, những du khách khắp nơi trên thế giới từng đặt chân đến Việt Nam khi được hỏi: “Bạn có ấn tượng gì về Việt Nam?”. Họ đều trả lời “Con người Việt Nam rất thân thiện. Nhưng điều thú vị hơn là việc “mặc cả” khi mua đồ hay là những cử chỉ đẹp khi gặp người lớn tuổi cũng khiến nhiều du khách nước ngoài thấy thú vị.
Những điều này được dẫn chứng cụ thể từ Matthew Pike - nhà văn người Canada, anh đã có thời gian khá dài sống ở TP Hồ Chí Minh. Anh nói: “Người Việt Nam luôn thể hiện sự tôn trọng với người lớn tuổi, anh đánh giá cao điều đó. Mọi người thường không nói những lời thiếu chuẩn mực, chủ đề không phù hợp hay chửi thề khi đang trò chuyện với bề trên.
Hay một lần khiến Matthew ghi nhớ mãi trong thời gian ở Việt Nam, đó là việc “mặc cả” (trả giá), được anh ví như “một trận chiến của sự tinh tế và chiến lược”. “Khi bạn đến Việt Nam, bạn nên trả giá cho món đồ nào đó mà bạn muốn mua, dù là món ăn hay quần áo”, Matthew nói. Và có một mẹo nhỏ để “thương vụ” đó có hiệu quả, là hãy thử bỏ đi nếu người chủ không chấp thuận với mức giá bạn đưa ra, điều đó có thể sẽ giúp bạn thành công hoặc không.