Ngay sau khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung bùng nổ, lượng đơn đặt hàng sản xuất tại các nhà máy ở Việt Nam tăng vọt. Lí do là bởi sau khi bị áp mức thuế nhập khẩu mới, việc sản xuất ở Trung Quốc sẽ khiến giá thành sản phẩm đội lên so với sản xuất ở Việt Nam.
Tờ New York Times của Mỹ đánh giá Việt Nam chính là quốc gia hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại này. Giờ đây, nhiều hãng công nghệ và di động rất có thể sẽ chuyển mình về Việt Nam để hưởng ưu đãi. Điều này đồng nghĩa với việc mảnh đất hình chữ S sẽ là miền đất hứa của di động toàn cầu.
Tuy nhiên, thời báo New York cũng nêu rõ, để có một tương lai tươi sáng, thì những nhà sản xuất ở Việt Nam phải làm được nhiều thứ tốt hơn, chứ không chỉ là chế tạo vỏ nhựa cho tai nghe. Minh chứng là dòng chữ được Apple in trên tai nghe tặng kèm theo máy iPhone: “Designed by Apple in California. Assembled in Vietnam”.
Thời báo New York lấy dẫn chứng: "Xưởng lắp ráp của công Vũ Hữu Thắng ở Bắc Ninh sản xuất các thiết bị phụ kiện cho Canon và Samsung. Tuy nhiên, ông Thắng thẳng thắn chia sẻ, công ty của mình khó lòng “địch” lại các đối thủ ở Trung Quốc. Mỗi tháng, ông phải nhập 70-100 tấn nguyên liệu nhựa từ Trung Quốc với giá đắt hơn 5-10% ở nội địa nước họ".
Bên cạnh đó, Trung Quốc và Mỹ đang nỗ lực giảm nhiệt cuộc chiến thương mại, ngồi vào bàn đàm phán để tháo gỡ những rào cản thuế khó khăn. Sự bất ổn của cuộc chiến thương mại này đồng nghĩa với việc cơ hội cho Việt Nam có thể ít đi. Người Việt khi đó chắc chắn phải biết nắm bắt, chắt chiu cơ hội vì có thể nó chỉ thoáng qua trong một khoảnh khắc rất ngắn.
New York Times cũng lấy dẫn chứng 10 năm trước, Samsung tiên phong mở nhà máy ở Việt Nam. Sau đó, nhiều tên tuổi lớn cũng bắt đầu hoặc tiếp tục mở rộng đầu tư vào đất nước này. Kết quả là 10 năm sau, có tới gần 50% smartphone Samsung được lắp ráp tại Việt Nam. Samsung thuê khoảng 100.000 nhân công người Việt và chiếm 1/3 tổng doanh số 200 tỷ USD.
Bài báo cho thấy, để có được những thế hệ iPhone mới “Designed by Apple in California. Assembled in Vietnam” thì còn rất nhiều khó khăn chồng chất mà chúng ta cần giải quyết, nhưng cơ hội không phải là không tồn tại. Việc của các nhà cung ứng Việt Nam hiện tại là không ngừng nỗ lực nâng cao năng lực sản xuất, tích lũy kinh nghiệm và nâng cao năng suất.