Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến đối với dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 116/2013/NĐ-CP ngày 04/10/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật phòng, chống rửa tiền.
Một nội dung của dự thảo là sửa đổi Khoản 2 Điều 2 Nghị định số 116, về các tổ chức, cá nhân khác liên quan đến phòng, chống rửa tiền, trong đó bao gồm tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.
Ngân hàng Nhà nước cho biết, theo quy định tại Nghị định số 80/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2012/NĐ-CP ngày 22 /11/ 2012 của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán không phải là đối tượng báo cáo theo quy định tại khoản 3,4, 5 Điều 4 Luật phòng, chống rửa tiền.
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 7 Thông tư số 39/2014/TT-NHNN ngày 11/12/2014 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn về dịch vụ trung gian thanh toán, các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán phải tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành về phòng, chống rửa tiền.
Theo khuyến nghị của Lực lượng đặc nhiệm tài chính (FATF): “Nếu các quốc gia thông qua những đợt đánh giá rủi ro của họ xác định có các loại hình tổ chức, các hoạt động, ngành nghề kinh doanh hoặc ngành nghề nào mà có rủi ro bị lạm dụng để rửa tiền, tài trợ khủng bố và loại hình đó không nằm trong định nghĩa về định chế tài chính hoặc định chế, ngành nghề phi tài chính chỉ định (DNFBPs), thì quốc gia đó cần phải cân nhắc áp dụng các yêu cầu phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố cho loại hình như vậy”.
Ngân hàng Nhà nước cho biết, Nghị định 116 chưa quy định đối tượng áp dụng đối với các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán và thông qua kết quả đánh giá rủi ro quốc gia cho thấy: Trong bối cảnh công nghệ thông tin ngày càng phát triển, các dịch vụ tài chính, tiền tệ ngân hàng có nhiều thay đổi so với các dịch vụ truyền thống trước đây, căn cứ vào quy định của pháp luật và qua đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền và tài trợ khủng bố của Việt Nam đã xác định các tổ chức chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán là nhóm đối tượng có nguy cơ cao bị lạm dụng để thực hiện hành vi rửa tiền, tài trợ khủng bố.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước có hướng quy định các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán phải áp dụng các biện pháp phòng, chống rửa tiền như đối với các đối tượng báo cáo là các tổ chức tài chính quy định tại Khoản 3, Điều 4 Luật Phòng, chống rửa tiền.
Tính đến ngày 26/8/2019, Việt Nam đã cấp phép cho 31 tổ chức hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán không phải là ngân hàng. Tổ chức được cấp phép gần nhất là Công ty cổ phần Công nghệ FINVIET vào ngày 23/8 vừa qua.