Big Tech bạo chi cho 'cuộc đua' mới trong lĩnh vực AI
Bất chấp nền kinh tế suy yếu, các Big Tech (Amazon, Apple, Meta và Microsoft) vẫn đẩy mạnh việc đầu tư, với mục tiêu được cho là chuẩn bị cho sự phát triển đột phá của trí tuệ nhân tạo (AI).
AI là một trong những lĩnh vực tiêu tốn nhiều ngân sách nhất của Meta (Ảnh: FT)
Nhiều nhà đầu tư đã quen với những khoản chi đầu tư (capex) 'khủng' của các công ty công nghệ lớn nhất nước Mỹ (thường gọi là Big Tech).
Nhưng những thay đổi trong hoạt động kinh doanh của Big Tech đặt ra những câu hỏi nghiêm túc về việc liệu lợi nhuận kỳ vọng thu được từ các đợt đầu tư mới nhất có được như trước đây hay không.
Sau khi tăng 32% vào năm 2020, các khoản đầu tư của nhóm Alphabet (bao gồm: Amazon, Apple, Meta và Microsoft) đã tăng trở lại vào năm 2021, đạt 140 tỉ USD. Chỉ tiêu này tiếp tục tăng thêm 20% trong 9 tháng đầu năm 2022.
Những đợt chi tiêu lớn như trên của nhóm công ty công nghệ hàng đầu vẫn thường được ghi nhận. Một trong những nguyên nhân là do nhu cầu chuẩn bị nguồn lực cho giai đoạn phát triển mới.
Các trung tâm dữ liệu mới, văn phòng có quy mô lớn hơn hoặc (trong trường hợp là Amazon), các kho hàng và xe tải giao hàng đều cần phải được đưa vào hoạt động trước thời hạn.
Tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ đáng ngạc nhiên mà các công ty công nghệ lớn duy trì trong những năm gần đây - đặc biệt là trong đại dịch - đã phần nào chứng minh cho sự tự tin của họ.
Tuy nhiên, không phải lúc nào các Big Tech cũng chọn đúng thời điểm.
Khi các Big Tech 'bạo chi'
Amazon bắt đầu đẩy mạnh chi tiêu không lâu trước khi Andy Jassy nhậm chức giám đốc điều hành (CEO) của tập đoàn này vào giữa năm 2021.
Giải ngân vốn của Amazon đạt 61 tỉ USD năm ngoái là một bước nhảy vọt lớn so với mức 17 tỉ USD chỉ hai năm trước đó.
Khi tốc độ tăng trưởng chậm lại vào đầu năm nay, Amazon phần nào nhận ra họ đã 'đạp ga' quá nhiều.
Khi nền kinh tế suy thoái, rủi ro càng gia tăng - đặc biệt là khi một số góc của nền kinh tế kỹ thuật số đang có dấu hiệu chững lại.
Các báo cáo và dự báo thu nhập mới nhất của Big Tech chỉ ra rằng thương mại điện tử và quảng cáo kỹ thuật số đã bất ngờ giảm tốc khi nhu cầu của người tiêu dùng chậm lại.
Giờ đây, khi ngày càng chiếm vai trò lớn hơn trong nền kinh tế, không còn quá dễ dàng để các công ty công nghệ đứng ngoài các diễn biến của nền kinh tế vĩ mô.
Trong khi đó, ngay cả khi nhu cầu đối với một số dịch vụ không giảm, nền kinh tế suy yếu đang khiến khách hàng ít sẵn sàng trả giá cao hơn.
Điều này dẫn đến sự tăng trưởng chậm hơn dự kiến trong các mảng kinh doanh điện toán đám mây của Amazon và Microsoft trong quý gần nhất.
Cả hai công ty đều cho biết khách hàng đã “tối ưu hóa” chi tiêu trên đám mây. Đồng nghĩa, khách hàng đang chuyển sang các gói lưu trữ dữ liệu rẻ hơn hoặc chạy khối lượng công việc của họ trên các chip rẻ hơn.
Tuy nhiên, nhu cầu bổ sung thêm sức mạnh tính toán đang tăng lên theo cấp số nhân.
Cuộc đua AI của các Big Tech
Sự trỗi dậy của điện toán đám mây và gần đây là sự thúc đẩy nâng cao năng lực trí tuệ nhân tạo (AI), đã mang lại một bước thay đổi trong chi tiêu vốn của Big Tech.
Meta, công ty đã gây thất vọng cho Phố Wall vào tuần trước với kế hoạch tăng cường chi tiêu cho Metaverse, cũng nói rằng nhu cầu của AI đang tạo ra một bước nhảy vọt trong chi tiêu vốn.
Từ 16% vào năm 2021, vốn đầu tư của Meta dự kiến sẽ đạt 28% doanh thu trong năm nay, trước khi chạm mức 30% vào năm 2023. Những thay đổi trên quy mô này đã làm dấy lên lo ngại ở Phố Wall rằng nhu cầu vốn cho hoạt động kinh doanh của Big Tech đang thay đổi.
Tỷ lệ chi tiêu trong doanh thu của Amazon đã tăng từ khoảng 5% trong giai đoạn 2016-2019 lên hơn 12% trong cả năm 2021 và 9tháng đầu năm 2022. Công nghệ mới, chủ yếu để hỗ trợ việc mở rộng các Dịch vụ Web của Amazon, đã gây ra phần lớn điều này.
Việc đẩy mạnh mảng điện toán đám mây và quảng cáo (một lĩnh vực kinh doanh khác được thúc đẩy bởi công nghệ) đã thúc đẩy tỷ suất lợi nhuận của Amazon.
Tuy nhiên, lợi nhuận có thể từ phần lớn chi tiêu của Big Tech ngày càng khó dự đoán. Những nỗ lực gần đây của khách hàng nhằm giảm các hóa đơn trên đám mây của họ cho thấy rằng các công ty công nghệ có thể sẽ phải đối mặt với áp lực về giá cả khi đám mây trở thành một phần lớn hơn trong tổng thể công nghệ thông tin.
Chưa rõ liệu những cải tiến mà AI sẽ mang lại cho các dịch vụ hiện tại - hoặc các dịch vụ hoàn toàn mới mà nó sẽ tạo ra - có tạo ra đủ doanh thu mới để bù đắp chi phí hay không.
Meta cho biết AI sẽ giúp nó phân tích tất cả nội dung truyền qua mạng của mình để có thể đưa những hình ảnh hoặc video phù hợp nhất đến trước mặt mỗi người dùng, đồng thời nhắm mục tiêu quảng cáo của nó chính xác hơn. Hiệu quả của việc này chưa được chứng minh.
Trong một số trường hợp, AI thậm chí còn trở thành sản phẩm. Các hệ thống AI sáng tạo tạo ra văn bản hoặc hình ảnh theo lệnh đã thúc đẩy cuộc chạy đua mới nhất trong thế giới AI nhằm tạo ra các mô hình ngày càng phức tạp hơn - và đắt tiền hơn.
Thật khó để nói cuộc chạy đua vũ trang này sẽ trở nên tốn kém như thế nào, hoặc có tạo thêm lợi nhuận gì. Nhưng ngay cả khi nó rơi vào tình trạng suy thoái, Big Tech sẽ không từ bỏ việc chi tiêu./.
Nguồn: viettimes.vn