Black Friday và những cái bẫy

"Tôi không còn hào hứng với hàng giảm giá ngày Black Friday", đó là câu thở dài của Hoa (Thanh Xuân, Hà Nội) khi được hỏi về dự định mua sắm ngày Black Friday sắp tới.

3 năm về trước, khi cơn sốt "Ngày thứ 6 đen tối" nở rộ ở Việt Nam, cô gái trẻ này đã cùng bạn hào hứng chen lấn, xô đẩy trong khu trung tâm thương mại hàng giờ đồng hồ chỉ vì thấy thông tin cửa hàng yêu thích giảm giá lên đến 80%.

"Nhưng rốt cuộc sản phẩm giảm giá 80% là loại hàng mà cho tôi cũng không muốn dùng, còn sản phẩm đẹp, chất lượng thì chỉ giảm đúng 10%", chị kể. Vì tiếc công sức, thời gian bỏ ra, chị Hoa đã mua 2 chiếc áo với giá hơn một triệu đồng nhưng sau đó chỉ mặc chúng đúng một lần.

Những con số giảm giá quá đà

Thực tế, không chỉ riêng chị Hoa mà rất nhiều người tiêu dùng khác cũng cảm thấy bực mình với những poster quảng cáo: Sale sập sàn, sale 80-90%.

"Thấy biển quảng cáo giảm sốc lên đến 80% nên tôi cũng tò mò nhưng khi ghé vào xem thì nhận ra tất cả đều là hàng tồn kho, hết size, một số mẫu còn quá lỗi thời và không thể sử dụng được", anh Tài (Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ.

Theo ghi nhận, để thu hút sự chú ý của người tiêu dùng, nhiều chủ cửa hàng đã sử dụng những con số khuyến mãi "khủng" và những biển quảng cáo sale sập sàn, sale lớn nhất năm.

Các biển quảng cáo sale Black Friday đã xuất hiện dày đặc trên các trang thương mại điện tử, các cửa hàng tại Việt Nam. Ảnh: Thanh Thương.

Không chỉ vậy, thay vì so sánh với giá cũ ngay trước lúc giảm, các chủ gian hàng trên các trang thương mại điện tử lại so sánh giá giảm với mức niêm yết ban đầu, vốn cao hơn rất nhiều so với giá thực tế khiến nhiều khách hàng mắc bẫy về số phần trăm giảm giá.

Chẳng hạn, trong dịp khuyến mãi Black Friday năm nay, trên một trang thương mại điện tử, chiếc điện thoại Samsung Galaxy Note 20 256GB được cửa hàng quảng cáo giảm 36% tức 8,5 triệu đồng. Thực tế mức giảm này là so với giá niêm yết của hãng, không phải so với giá bán thực tế trên thị trường. So với ngày trước đó, mức giá sau giảm vẫn giữ nguyên.

Tương tự, chị Hà (Đống Đa, Hà Nội) thấy lọ sữa rửa mặt gạo nâu Hàn Quốc 100ml được giới thiệu giảm giá lên đến 49% từ 65.000 đồng xuống còn 33.400 đồng chị đã nhanh tay đặt mua. Nhưng tìm hiểu sản phẩm này trên thị trường giá bán thường ngày cũng chỉ dao động 30.000-50.000 đồng.

"Black Friday là cơ hội để xả hàng tồn, tăng doanh thu"

Không chỉ đưa ra những con số giảm giá "quá đà" thu hút sự chú ý và kích thích tâm lý thích mua hàng giá rẻ của người tiêu dùng, nhiều chủ hàng còn dùng chiêu trò đẩy giá cao hơn trước ngày sale, sau đó giảm xuống trước các đợt khuyến mại.

Theo đó, tại một gian hàng trên sàn thương mại điện tử, sản phẩm lăn khử mùi được chào bán với mức giá 45.000 đồng. Sản phẩm được quảng cáo đã giảm lên đến 82% so với mức giá ban đầu là 250.000 đồng. Đáng nói là, trước đó nhiều ngày sản phẩm đã có giá 45.000 đồng và tới dịp giảm giá Black Friday lại được cửa hàng nâng lên 250.000 đồng.

Tại các cửa hàng truyền thống, tình trạng nâng giá bán trước ngày sale rồi lại giảm xuống cũng diễn ra khá phổ biến. "Chiếc áo khoác mình thích ngày thường giá 800.000 đồng, nay Black Friday thấy tin nhắn giảm 50% liền chạy qua mua thì giá tăng lên 1,8 triệu đồng, giảm 50% còn 900.000 đồng", bạn N.D chia sẻ trong dịp săn đồ ngày Black Friday năm ngoái.

Đặc biệt, Black Friday còn là dịp để các chủ cửa hàng tranh thủ xả hàng tồn, hàng lỗi kém chất lượng nhằm thu hồi vốn.

Từng là nhân viên của một cửa hàng thời trang trên đường Cầu Giấy (Hà Nội), chị N.L cho biết thực chất các dịp khuyến mãi như: Black Friday, Ngày độc thân,... là cơ hội vàng cho các cửa hàng vừa xả hàng tồn vừa tăng doanh thu với hàng mới. "Tâm lý người tiêu dùng cứ có chữ 'giảm giá sốc' hay 'giảm giá 80%' là sẽ vào cửa hàng xem. Nếu họ không mua hàng sale thì cũng xem thêm các sản phẩm mới, thấy ưng sẽ mua tiếp", chị N.L chia sẻ.

Theo chị, mỗi lần đến các đợt giảm giá lớn các cửa hàng đều phải tính toán kỹ từ cách bố trí sản phẩm giảm giá, số lượng là bao nhiêu đến số phần trăm giảm giá… Để tránh mua phải hàng tồn, chị N.L khuyên khách hàng nên xem xét từng đường kim, mũi chỉ trên các sản phẩm trước khi thanh toán. Vì hàng mua ngày Black Friday chỉ được xem, không được thử và miễn đổi trả.

Làm gì để tránh mắc bẫy giảm giá ngày Black Friday?

Theo nhiều người tiêu dùng họ đã không còn hào hứng với mức giảm giá 50-80% trong những dịp Black Friday. Tâm sự trong một hội nhóm trên mạng xã hội, tài khoản Nguyen Kim chia sẻ chị từng mua một lọ mỹ phẩm giảm giá trong ngày Black Friday, tuy nhiên, về nhà mới nhận ra sản phẩm chỉ còn 3 tháng nữa là hết hạn sử dụng. "Làm vậy sẽ khiến khách hàng mất lòng tin và ngày thứ 6 đen tối sẽ không còn ý nghĩa gì nữa", chị nói.

Thực tế, không có nhu cầu mua sắm, nhưng với tâm lý ngày hội giảm giá “ai cũng mua, chẳng lẽ mình không mua” đã khiến nhiều người lao vào các cuộc săn sale.

Bí quyết mua hàng thông minh ngày Black Friday chính là người tiêu dùng phải nắm rõ những món đồ cần mua trong danh sách. Ảnh: Việt Hùng.

Theo một số người chuyên "săn" hàng giảm giá, trong các đợt sale, bên cạnh nhiều sản phẩm sale ảo cũng có một số giá tốt hơn thường ngày. Người dùng không nên chú trọng vào số phần trăm giảm giá mà nên tìm hiểu, khảo sát giá tại nhiều nơi, thời điểm khác nhau.

Đối với Hồng Nhung (Cầu Giấy, Hà Nội), dịp Black Friday mỗi năm là lúc cô lên kế hoạch tìm mua những sản phẩm phù hợp và cần thiết với mức giá tiết kiệm. Theo Nhung, việc lên danh sách những món đồ cần mua rất quan trọng trước khi vào mùa sale. Những chương trình giảm giá sẽ dễ khiến bạn phân vân và rơi vào tình trạng mua nhầm các sản phẩm không cần thiết.

"Điều quan trọng là bạn phải có một cái đầu lạnh thay vì thấy giảm giá là muốn mua. Đừng nghĩ rằng mình sẽ tiết kiệm tiền nhờ mua hàng giảm giá mà hãy suy nghĩ, cân nhắc xem sản phẩm đó có thực sự cần thiết hay không? Và sản phẩm có phù hợp với túi tiền của mình hay không?", Nhung nói.

Ngoài ra, một số người tiêu dùng còn có thói quen sử dụng ứng dụng so sánh giá để biết được giá thực của sản phẩm này cũng như lịch sử mức khuyến mãi của sản phẩm.

 


Nguồn: Báo Zing