Vào cuối tuần trước, PBOC thông báo sẽ bắt đầu cải cách cơ chế thiết lập lãi suất cho vay cơ bản (LPR) theo hướng thị trường. Theo đó, vào ngày 20 hàng tháng, PBOC sẽ công bố LPR cơ bản mới dành cho tín dụng ưu tiên (những khách hàng tốt nhất).
Mặc dù biện pháp này sẽ hỗ trợ giảm chi phí cho vay, các nhà phân tích cho rằng, vẫn cần thiết phải tác động trực tiếp đến các công cụ của chính sách tiền tệ.
Trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đang ở mức chậm nhất trong gần 30 năm qua và cuộc đối đầu thương mại với Mỹ ngày càng căng thẳng, Chính phủ Trung Quốc ưu tiên cho sự ổn định, chứ không còn chạy theo tốc độ tăng trưởng. Điều này có nghĩa, PBOC không muốn sử dụng các ưu đãi quy mô lớn để kích thích nền kinh tế.
Sun Guofeng, người đứng đầu Bộ phận Chính sách tiền tệ của PBOC cho biết, không có nhiều cơ hội giảm thêm tỷ lệ dự trữ bắt buộc cho các ngân hàng.
"Cuộc cải cách lãi suất như muốn nói với các thị trường rằng, PBOC không quan tâm đến việc vội vàng giảm ngay tỷ lệ dự trữ bắt buộc hay lãi suất", Peijian Liu, nhà phân tích kinh tế tại Natwest Markets Singapore, nói với Bloomberg. .
Sản xuất công nghiệp trong tháng 7 của Trung Quốc tiếp tục giảm, sau khi tốc độ tăng trưởng GDP trong quý II ở mức thấp nhất kể từ khi Chính phủ Trung Quốc bắt đầu công bố dữ liệu hàng quý vào năm 1992.
Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, cách tiếp cận hiện tại không đủ để ngăn chặn nền kinh tế suy yếu, do đó các công cụ chính sách tiền tệ khác nhau đang được điều chỉnh.
Hôm thứ Ba (20/8), PBOC đã thiết lập lãi suất cho vay cơ bản (LPR) trong thời hạn 1 năm ở mức 4,25%/năm, so với lãi suất trước đó là 4,31%/năm. LPR kỳ hạn 5 năm giảm xuống mức 4,85%/năm so với 4,9%/năm trước đây.
Chính phủ Trung Quốc đang tăng cường hỗ trợ cho nền kinh tế bằng các phương pháp khác nhau, trong khi chính sách tiền tệ lại có vẻ hạn chế. Do đó, chính phủ đang xem xét cho phép các tỉnh phát hành thêm trái phiếu để đầu tư cơ sở hạ tầng, tăng hạn ngạch so với mức hiện tại là 2.150 tỷ nhân dân tệ (tương đương 305 tỷ USD).