Zing trích dịch bài đăng từ South China Morning Post, đề cập đến xu hướng tiêu dùng của giới nhà giàu Mỹ và Trung Quốc.
Theo báo cáo của công ty tư vấn Agility Research & Strategy, bất chấp đại dịch Covid-19 đang hoành hành khắp các châu lục, những người tiêu dùng giàu có ở Trung Quốc và Mỹ vẫn lạc quan về tình hình kinh tế của họ.
Khoảng 82% người giàu ở Trung Quốc tham gia khảo sát tin rằng trong 12 tháng tới, phúc lợi tài chính của họ vẫn ổn định như trước hoặc thậm chí sẽ tăng trưởng. Trong khi đó, 78% người giàu ở Mỹ có chung nhận định.
Tuy nhiên, khoảng cách giới nhà giàu giữa hai quốc gia trở nên rõ ràng hơn khi nhìn vào tỷ lệ những người tự tin cho rằng khối tài sản của họ sẽ tăng lên: Tới 55% người Trung Quốc đồng tình nhưng chỉ có 35% người Mỹ.
Ngay cả thói quen mua sắm của họ cũng thể hiện sự chênh lệch. Trong khi 79% người Trung Quốc cho biết họ duy trì hoặc tăng chi tiêu xa xỉ trong 12 tháng tới, chỉ có 60% người Mỹ làm vậy.
“Đại dịch Covid-19 kéo dài hơn ở Mỹ, dẫn đến những lo ngại về tài chính và sức khỏe trong xã hội”, Amrita Banta, Giám đốc điều hành của Agility Research & Strategy, giải thích.
Tuy nhiên, bất chấp tinh thần lạc quan về triển vọng sự nghiệp cá nhân, cả hai nhóm tiêu dùng đều bày tỏ sự lo ngại về nền kinh tế của đất nước họ.
Trong đó, căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc gây ra nhiều ảnh hưởng, theo nhận định của 93% người Trung Quốc tham gia khảo sát.
Sự khác biệt trong chi tiêu
Giới nhà giàu ở hai quốc gia cũng có điểm chung. Họ đều cắt giảm chi tiêu cho những hạng mục như spa, du lịch trên biển và một số hoạt động giải trí. Tuy nhiên, thói quen mua sắm lại có phần đối nghịch.
“Người Mỹ bỏ tiền nhiều hơn cho các dịch vụ trải nghiệm như ăn uống, rượu và du lịch. Trong khi đó, người Trung Quốc thích chi tiêu cho làm đẹp và mua những món hàng xa xỉ như trang sức, quần áo, phụ kiện”, Banta nói.
Ngoài ra, sở thích giới nhà giàu Trung Quốc là chơi golf, bơi lội và yoga. Còn những người Mỹ giàu có lại chọn nấu ăn, đọc sách và làm vườn.
Nhìn chung, cả hai nhóm tiêu dùng này đều đang hướng đến một lối sống lành mạnh hơn sau ảnh hưởng bởi Covid-19.
“Lối sống lành mạnh vốn là xu hướng có từ trước đại dịch. Thế nhưng, nó được đẩy mạnh trong thời gian khủng hoảng ở cả hai châu lục. Họ theo đuổi xu hướng chăm sóc sức khỏe bao gồm thực phẩm, tập thể dục, yoga và những chuyến du lịch nghỉ dưỡng, tái tạo năng lượng”, Banta chia sẻ.
Lối sống lành mạnh trở thành mối ưu tiên hàng đầu đối với những người Mỹ tham gia khảo sát, và xếp thứ hai đối với người Trung Quốc, sau giáo dục trẻ em.
Nữ giám đốc cũng cho biết một số thương hiệu thời trang liên quan đến sức khỏe và hoạt động thể chất như Lululemon, Nike hay Adidas đang trở nên phổ biến hơn.
Bất chấp sự tăng trưởng vượt bậc của thương mại điện tử trong thời gian dịch bệnh, đối với hai nhóm tiêu dùng giàu có, trải nghiệm mua sản phẩm xa xỉ tại các cửa tiệm bán lẻ vẫn hấp dẫn hơn cả.
Ngoài ra, du lịch và mua sắm đối với giới nhà giàu Trung Quốc có mối liên hệ chặt chẽ với nhau.
Trong “tuần lễ vàng” vừa qua, mức chi tiêu của nhóm này cho du lịch trong nước và mặt hàng xa xỉ đã tăng mạnh. Còn trước đại dịch, họ thường xuyên chi tiêu cho đồ hàng hiệu khi du lịch nước ngoài.
“Ở hầu hết quốc gia, các mặt hàng có giá trị cao vẫn thường được mua trực tiếp bởi phần lớn khách hàng muốn trải nghiệm dịch vụ trong những cửa hàng bán lẻ.
Tuy nhiên, thương mại điện tử cũng có ích. Loại hình mua sắm này giúp khách hàng ở những thành phố cấp thấp hơn ở Trung Quốc - nơi không có chi nhánh bán lẻ của các thương hiệu xa xỉ - mua được món đồ ưng ý”, Banta cho biết.