Chi núi tiền tổ chức World Cup 2022, Qatar hưởng lợi gì?

Chi ra hơn 200 tỷ USD để tổ chức World Cup 2022, chủ nhà Qatar có lẽ không mong đợi lợi nhuận trực tiếp về mặt kinh tế.

Có khoảng 5 tỷ người theo dõi World Cup 2022, trong đó hơn 1,2 triệu người đến Qatar thưởng thức ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh.

Tiền bán vé, tiền dịch vụ, tiền quảng cáo, tiền tài trợ... có rất nhiều khoản thu mà ban tổ chức của nước chủ nhà có thể mong đợi từ World Cup 2022. Tuy nhiên, trên thực tế, con số đó chẳng thấm vào đâu so với khoản chi phí khổng lồ mà Qatar bỏ ra để tổ chức sự kiện này.

Qatar chi hơn 200 tỷ USD để tổ chức World Cup 2022.

Các nước chủ nhà World Cup thường phải chi ra hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ USD cho việc chuẩn bị, phát triển cơ sở hạ tầng, xây dựng khách sạn... Trong trường hợp của Qatar, con số này là hơn 200 tỷ USD - một kỷ lục. Dẫu vậy, nước chủ nhà khó có thể bù lỗ bằng doanh thu trực tiếp. Theo CNBC, Qatar dự kiến thu về khoảng 4,7 tỷ USD từ World Cup 2022.

World Cup rõ ràng là một cỗ máy kiếm tiền. Bản quyền truyền hình của World Cup 2018 tại Nga đã được bán cho các đài truyền hình trên khắp thế giới với giá 4,6 tỷ USD. Doanh thu từ các hoạt động tiếp thị, thương mại lên tới hơn 1 tỷ USD, chưa tính tới tiền bán vé và các dịch vụ khác.

Thế nhưng, chủ nhà World Cup không được hưởng số tiền khổng lồ này. Thay vào đó, chúng chảy về túi của Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA). Cơ quan này tất nhiên cũng tài trợ một phần kinh phí tổ chức World Cup 2022 nhưng con số 1,7 tỷ USD (bao gồm 440 triệu USD tiền thưởng) rõ ràng chỉ là một hạt cát trong núi tiền mà Qatar chi ra.

Để tổ chức World Cup 2022, Qatar không chỉ đổ tiền vào các sân vận động và những hạng mục phục vụ giải đấu mà còn phải đầu tư cho cả hệ thống khách sạn, hạ tầng giao thông... Con số ước tính 1,2 triệu khách du lịch trong một tháng diễn ra World Cup không chỉ là cơ hội kiếm tiền cho Qatar mà cũng đặt ra những thách thức về khả năng đáp ứng. Chi phí cho việc này thường lớn hơn nhiều so với doanh thu có thể đạt được trong ngắn hạn.

Đối với nước chủ nhà, World Cup có giá trị về mặt quảng bá nhiều hơn là doanh thu.

Thêm vào đó, khách du lịch khi mua hàng hóa, đồ uống hoặc bất kỳ thứ gì khác từ các thương hiệu đối tác của FIFA trong mùa World Cup cũng không đem lại khoản thu thuế nhiều như tưởng tượng. Giảm thuế, miễn thuế cho các đối tác của FIFA là quy định bắt buộc trong quy trình đấu thầu đăng cai World Cup.

Việc tổ chức World Cup thu hút sự tiếp xúc lớn với nước chủ nhà về du lịch, ngoại thương, việc làm và tiềm năng phát triển mới. Nhưng điều đó có thể đến với một chi phí rất lớn. Đối với World Cup 2022 tại Qatar, diễn ra từ ngày 20 tháng 11 đến ngày 18 tháng 12, chính phủ đang chi khoảng 229 tỷ USD, khiến nó trở thành giải đấu đắt nhất từ trước đến nay.

Các khoản doanh thu chưa được rõ ràng, gánh nặng tài chính mà World Cup mang lại cho các nước chủ nhà là điều được nhìn thấy trước. Bội chi cho cơ sở hạ tầng khiến các quốc gia đăng cai World Cup đối mặt với nguy cơ nợ nần, trong khi các công trình lớn như sân vận động có thể mất giá trị sử dụng ngay sau sự kiện.

Tình trạng này được gọi là "hiệu ứng voi trắng" - trong đó con voi chính là phép ẩn dụ cho những sân vận động được xây chỉ để phục vụ World Cup. Sân vận động Mane Garrincha ở Brasilia (Brazil), với chi phí xây dựng gần 1 tỷ USD, hiện được dùng làm bến xe buýt.

Tuy nhiên, phải có lý do để Qatar và các quốc gia khác sẵn sàng chi ra một khoản tiền khổng lồ để giành quyền đăng cai World Cup. Lợi ích từ ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh không phải là vấn đề tiền bạc.

Qatar - đất nước có chỉ số GDP đầu người nằm trong top 10 thế giới và luôn được nhắc đến với sự giàu có - có lẽ không mong đợi kiếm lời về mặt tài chính từ World Cup. Trái lại, họ sẵn sàng chi ra một số tiền kỷ lục để tổ chức ngày hội bóng đá lớn nhát hành tinh. Có thể coi việc tổ chức World Cup là một cách để các nước chủ nhà - không riêng Qatar - dùng tiền đổi lại những lợi ích khác.

Đăng cai World Cup đồng nghĩa với mở cửa đón cả thế giới đến với đất nước chủ nhà. Giá trị quảng bá mới là ý nghĩa lớn nhất mà sự kiện này mang lại. Al Jazeera gọi đây là một loại "quyền lực mềm" của bóng đá mà các quốc gia phát triển luôn muốn tận dụng.

Về mặt tài chính, các khoản doanh thu ngắn hạn không thấm vào đâu so với chi phí bỏ ra. Tuy nhiên, trong dài hạn, nước chủ nhà có thể được hưởng lợi một cách gián tiếp tùy thuộc vào năng lực của nền kinh tế. Cơ sở hạ tầng phục vụ World Cup hoàn toàn có thể được tận dụng để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội nếu được quản lý một cách đúng đắn, thay vì để chúng trở thành những "con voi trắng".

Nguồn: vtc.vn