Phố Wall - mặt trận mới trong cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung

Tổng thống Donald Trump đã rất thẳng thắn và rõ ràng khi cho biết Mỹ hiện coi Trung Quốc là đối thủ chiến lược hơn là đối tác. Và trong hơn 1 năm kể từ khi Tổng thống Trump nổ phát súng đầu tiên khai mào cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, một mặt trận mới đã bắt đầu hình thành trên thị trường vốn.

Bất chấp chiến tranh thương mại, 34 công ty có trụ sở tại Trung Quốc đã huy động được 9,2 tỷ USD tại Mỹ vào năm ngoái, cao gấp đôi so với cách đây 2 năm, 4 trong số đó - gồm nhà cung cấp dịch vụ giải trí trực tuyến iQiyi, web mua sắm giảm giá Pinduoduo, hãng xe điện Nio và dịch vụ phát nhạc trực tuyển Tencent Music, mỗi công ty đã huy động được hơn 1 tỷ USD từ các đợt IPO tại Mỹ.

Khi tổng vốn hóa thị trường của các công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ đã lên tới 1,2 nghìn tỷ USD thì nỗi lo ngày một tăng lên, các nhà đầu tư Mỹ đang phải gánh chịu những rủi ro mà họ không hiểu rõ. Trong một tuyên bố chung hồi tháng 12, Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) và PCAOB đã chỉ ra các công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ là thách thức quan trọng nhất mà các nhà đầu tư Mỹ phải đối mặt.

Các nhà lập pháp Mỹ dĩ nhiên không thể khoanh tay đứng nhìn. Tháng trước, Thượng nghị sĩ Marco Rubio đã đưa ra quan điểm chính thức của mình, theo đó ông yêu cầu cần có các chính sách luật pháp nhằm tăng cường giám sát các công ty Trung Quốc niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Mỹ, thậm chí là hủy bỏ niêm yết đối với những doanh nghiệp không tuân thủ theo các yêu cầu của phía Mỹ.

Vài ngày sau đó, ông Rubio đã có những động thái mạnh tay hơn khi truy vấn bộ phận biên dịch chỉ số MSCI về việc bổ sung các cổ phiếu của các công ty Trung Quốc vào các chỉ số toàn cầu của mình. Theo ông Rubio, việc này sẽ loại bỏ các nguy cơ bị lừa đảo đối với các nhà đầu tư Mỹ.

Bằng cách niêm yết cổ phiếu tại các sàn giao dịch nước ngoài, giới tài phiệt Trung Quốc đã đưa hàng tỷ USD tài sản vượt ra tầm kiểm soát vốn của Nhà nước

Trong một bức thư gửi tới MSCI kêu gọi cân nhắc lại quyết định này, Rubio viết: "Chúng tôi không còn có thể cho phép chính phủ Trung Quốc gặt hái những thành quả của thị trường vốn Mỹ và quốc tế, trong khi các công ty của họ không minh bạch về tài chính và đặt các nhà đầu tư Mỹ vào thế rủi ro."

Nếu thực sự được thông qua, dự luật này của Thượng Nghị sĩ Rubio sẽ đại diện cho một mặt trận mới trong cuộc chiến kinh tế giữa Mỹ với Trung Quốc và có thể điều này sẽ tạo ra những tác động mạnh mẽ đến dòng vốn đầu tư toàn cầu.

Một đạo luật như vậy sẽ đè nặng lên các cổ phiếu liên quan đến Trung Quốc trên thị trường chứng khoán toàn cầu, thậm chí có thể tạo ra những hậu quả chính trị tại Trung Quốc đối với ông Tập Cận Bình.

Các công ty Trung Quốc vốn đã thâm nhập thị trường chứng khoán Mỹ kể từ đầu những năm 1990. Được niêm yết tại các sàn chứng khoán New York từ lâu đã được coi là sự xác nhận rằng một công ty nào đó có nằm trong danh sách trong những công ty tốt nhất và sáng giá nhất của Trung Quốc hay không.

Tuy nhiên, danh sách các công ty này lại không phải là điều đảm bảo họ quản trị doanh nghiệp tốt. Các cơ quan quản lý của Mỹ chưa bao giờ có thể kiểm tra các tài liệu kiểm toán từ các công ty Trung Quốc vì Bắc Kinh cho rằng việc kiểm tra này sẽ vi phạm quyền riêng tư của các công ty cũng như và tạo ra các rủi ro đối với các bí mật nhà nước.

Sự leo thang trong vấn đề thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc, thực ra chỉ là một phần nhỏ, và cũng chỉ là giai đoạn đầu của một cuộc chiến toàn diện về kinh tế. Gần đây, Washington đã công nhận rằng những lợi thế của Mỹ trong cuộc chiến với Trung Quốc nằm ở sự kiểm soát đối với đồng tiền dự trữ toàn cầu và thị trường vốn lớn nhất thế giới.

Trong giới chính trị Mỹ, không phải chỉ có mình Thượng nghị sĩ Rubio có những quan điểm cứng rắng đối với các công ty của Trung Quốc có niêm yết trên sàn chứng khoán của Mỹ, mà rất nhiều các chính trị gia khác cũng cùng chung quan điểm.

Các nhà lập pháp cũng cố gắng đình chỉ một cơ chế tài chính khác - vốn cho phép thị trường Mỹ có nhiều sự kết nối hơn với Trung Quốc, hay yêu cầu Tổng thống Trump hạn chế đầu tư các quỹ của chính phủ Mỹ và các công ty Trung Quốc, hay chí ít là cũng đưa ra một danh sách đen các công ty, đặc biệt là doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc nhằm cảnh báo các nhà đầu tư Mỹ.

Điều này không phải là không thể, thông qua Bộ Tài chính Văn phòng kiểm soát tài sản nước ngoài, Washington hoàn toàn có quyền và năng lực để thực hiện việc này. Trong quá khứ, Washington đã sử dụng quyền lực này để buộc các nhà quản lý quỹ của Mỹ thoái vốn khỏi Rusal - nhà sản xuất nhôm Nga nằm trong danh sách niêm yết tại sàn ở Hồng Kông.

Vào thời điểm đó, lãnh đạo của doanh nghiệp này được cho là có quan hệ gần gũi với Tổng thống Vladimir Putin. Thậm chí nhà cung cấp dữ liệu của Bloomberg của Mỹ đã không công bố giá cổ phiếu của Rusal trong nhiều tháng vì sợ vi phạm lệnh trừng phạt.

Phố Wall trở thành cuộc đấu đá giữa hai hệ thống tài chính Mỹ - Trung

Nếu Mỹ đưa ra danh sách đen các công ty Trung Quốc theo tiêu chí đánh giá như công ty Rusal của Nga, thì hàng tỷ đô la cổ phiếu sẽ bị bán phá giá. Một mình công ty đầu tư Black Rock của Mỹ đã nắm giữ khoảng 3,3 tỷ USD tiền đầu tư vào các quỹ giao dịch có niêm yết tại sàn Hồng Kông.

Các quỹ này được cho là gắn liền với cổ phiếu nội địa Trung Quốc bên cạnh các quỹ tương hỗ khác. Và Bắc Kinh không thể có những động thái trả đũa tương xứng, bởi với số tiền mà Trung Quốc đầu tư vào chứng khoán ở nước ngoài là không nhiều, do sự kiểm soát vốn của nước này.

Ngay cả khi Trung Quốc phản ứng bằng cách bán phá giá cổ phiếu của các công ty Mỹ hay các trái phiếu khác, họ sẽ “gậy ông đập lưng ông” do thị trường trái phiếu Mỹ đủ thanh khoản để xử lý vấn đề, ngay cả việc Trung Quốc có bán mạnh đi chăng nữa.

Đề xuất của Thượng nghị sĩ Rubio nói riêng, và sự vào cuộc mạnh mẽ của các chính trị gia Mỹ nói chung đã đánh dấu sự leo thang kịch tính nhất trong cuộc chiến thương mại toàn diện của Mỹ nhằm vào Trung Quốc, và Phố Wall là một "mặt trận" mới nhất.

An Chi

Nguồn: Báo DĐDN