Giới trẻ Trung Quốc nợ chồng chất vì dịch vụ vay trực tuyến

Các dịch vụ tài chính trực tuyến bùng nổ tại Trung Quốc đã đẩy nhiều người tiêu dùng trẻ tuổi, thu nhập thấp vào cảnh nợ nần chồng chất.

Wang (25 tuổi), không có đủ tiền để chi trả cho tất cả các khoản mua sắm song anh không thể kiềm chế thói quen nghiện mua đồ của mình. Điện thoại thông minh, quần áo đẹp là những món đồ anh không thể bỏ qua khi lướt mạng hằng ngày trong khi dịch vụ vay trực tuyến lại vô cùng dễ dàng.

Wang, người có thu nhập hàng tháng là 8.000 nhân dân tệ (1.191 USD) cho biết: "Vay từ các nền tảng trực tuyến dễ dàng hơn rất nhiều so với người quen".

Vào thời điểm nhận ra rằng mình không có đủ khả năng chi trả cho cuộc sống, Wang đã vay 150.000 nhân dân tệ, chủ yếu để ăn tối và trang trải cho các chi phí của cô bạn gái lúc bấy giờ.

Năm ngoái, giới chức Bắc Kinh đã siết chặt hoạt động cho vay tín dụng không được kiểm soát của nhiều tổ chức tài chính, ví dụ như Ant Group của tỷ phú Jack Ma. Những sinh viên không còn khả năng tiếp cận ngành công nghiệp cho vay trực tuyến từng rất phổ biến tại Trung Quốc nữa.

Các nền tảng cho vay này bị buộc ngừng cung cấp các khoản vay trực tuyến cho sinh viên, đồng thời rút bớt tín dụng hiện có.

Động thái này vừa là một phần của nỗ lực hạn chế toàn ngành fintech, vừa để ngăn chặn các bên cho vay nhắm đến đối tượng sinh viên trẻ tuổi. Nhưng thói quen “mua ngay, trả sau” đã ăn sâu vào thế hệ trẻ.

"Các dịch vụ cho vay trực tuyến về cơ bản đã tiếp quản mọi ứng dụng bạn có thể truy cập trên điện thoại của mình, vì vậy bạn sẽ nghĩ đến chúng bất cứ khi nào bạn trả tiền", Wu Ying, một kỹ thuật viên y tế tại Quảng Châu ( Trung Quốc) cho biết.

Wu Ying lần đầu tiên vay nợ để trang trải cho các giao dịch mua hàng trực tuyến của mình. Khi các hóa đơn ngày càng chồng chất, cô đã phải vay tiền từ nhiều dịch vụ tín dụng khác nhau cho đến khi các món nợ được trải đều trên 9 nền tảng bao gồm Alipay của Ant Group, Meituan, Douyin của ByteDance và Qihoo 360.

Khi lập trường cứng rắn của Bắc Kinh về vay trực tuyến đã thuyết phục nhiều công ty Công nghệ lớn thu hẹp quy mô hoạt động thì các dịch vụ nhỏ hơn đã gia tăng.

Hệ thống ngân hàng kém phát triển của Trung Quốc đã tạo điều kiện cho sự tồn tại của một thị trường cho vay tư nhân rộng lớn. Trong khi thế hệ cũ có thể chọn vay từ người thân trong gia đình, thì "Thế hệ Z" (sinh từ giữa thập niên 1990 đến đầu thập niên 2000) hiểu biết về kỹ thuật số đã quen với việc tìm kiếm trợ giúp trực tuyến.

"Quá dễ dàng để vay từ các nền tảng internet.Nó giống như trả tiền từ tài khoản của chính bạn", một con nợ họ Xia, sống ở tỉnh Hồ Bắc, cho biết.

Một trong những ứng dụng vay trực tuyến mà Xia sử dụng để trang trải khoản nợ của mình là Youqianhua, nghĩa đen là "Tôi có tiền để tiêu". Theo trang web của ứng dụng, dịch vụ này thuộc công ty fintech khổng lồ của Baidu, hứa hẹn sẽ phê duyệt đơn đăng ký vay trong thời gian ngắn nhất là 30 giây.

Điều này dễ dàng hơn nhiều so với vay ngân hàng, vốn thường phải có tài sản thế chấp và giấy tờ. Hầu hết các dịch vụ vay trực tuyến chỉ cần yêu cầu số ID và các thông tin cá nhân cơ bản khác.

Theo nghiên cứu của McKinsey & Co., so với những người đồng trang lứa ở nước ngoài và các thế hệ trước đây, người trẻ Trung Quốc có xu hướng chi tiêu nhiều hơn, thậm chí vượt quá khả năng chi trả của mình.

Vì vậy, đối tượng trẻ tuổi trở thành mục tiêu nhắm đến của các công ty cho vay tín dụng và là động cơ tăng trưởng tiêu dùng nội địa trong thời đại mới. Ngành tín dụng trực tuyến bùng nổ từ đó. Tín dụng đơn giản được quảng bá khắp mọi nơi, từ các trang mạng xã hội đến những nền tảng thương mại điện tử.

Bao Linghao, nhà phân tích cấp cao tại công ty nghiên cứu Trivium China, cho biết: “Các ứng dụng cho vay trực tuyến có thể kiếm tiền bằng các khoản cho vay vi mô vì các ngân hàng trong nước dường như thiếu sự sẵn sàng và nỗ lực để theo đuổi lĩnh vực này".

Đối với nhiều nhà cung cấp dịch vụ internet, việc quảng bá các ứng dụng vay trực tuyến cũng có thể tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh chính của họ. Các nền tảng như đại lý du lịch trực tuyến Trip.com, ứng dụng video ngắn Kuaishou và nền tảng thương mại điện tử Pinduoduo đều cung cấp quyền truy cập vào các dịch vụ vay trực tuyến.

Theo dữ liệu từ Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC), dư nợ cho vay tiêu dùng tại các tổ chức tài chính được cấp phép ở mức 9 nghìn tỷ nhân dân tệ vào cuối tháng 5, chiếm chưa đến 5% tổng dư nợ 200 nghìn tỷ nhân dân tệ của cả nước.

Theo ước tính của công ty nghiên cứu iResearch, các khoản vay tiêu dùng được cung cấp bởi các nền tảng trực tuyến của Trung Quốc có thể lên tới 2 nghìn tỉ nhân dân tệ vào cuối năm ngoái. Chính phủ không công bố số liệu thống kê về các khoản vay nhỏ từ các nền tảng trực tuyến.

Tang Yinan, một nhà nghiên cứu tại Viện Trung Quốc của Đại học Phúc Đán (Trung Quốc), cho biết các ứng dụng vay trực tuyến khiến người tiêu dùng dễ bị tổn thương, vì họ có thể dễ dàng ký vào khoản nợ có lãi suất cao và các điều kiện không công bằng, chẳng hạn như các khoản phí bổ sung.

Một nhân viên bán xe hơi tại Giang Tô (Trung Quốc) cho biết anh đã ký hai hợp đồng khi vay trực tuyến thông qua nền tảng blog giống Twitter Weibo. Một khoản vay có lãi suất 8%, trong khi khoản vay còn lại đòi phí dịch vụ 14% với Weibo đóng vai trò là người bảo lãnh.

Tổng chi phí của hai khoản vay, cùng với các khoản phụ phí khác, lên tới 22,4%, ngoài khoản tiền vay gốc là 10.000 nhân dân tệ.

Vào ngày đầu tiên khi khoản nợ quá hạn, người đàn ông này cho biết những người thu nợ đã nhanh chóng gửi cho anh những tin nhắn đe dọa.

"Tôi thực sự lo lắng và hối hận, nhưng tôi là người đã đi sai đường. Tôi đã nhận vô số lời đe dọa và cuộc gọi đòi nợ từ các số lạ trên khắp Trung Quốc", người này chia sẻ.

Những người đòi nợ sau đó đã xác định danh tính của anh trên mạng xã hội. Cuối cùng, anh đã trả được các khoản vay của mình với sự giúp đỡ của gia đình và thề sẽ không bao giờ lặp lại sai lầm của mình.

Dịch vụ vay trực tuyến tăng trưởng mạnh ở Trung Quốc một phần nhờ vào sự phát triển của điện thoại thông minh. Với một vài thao tác dễ dàng màn hình, giờ đây mọi người có thể vay tiền dễ dàng hơn bao giờ hết. Theo iResearch, tỷ lệ vay trực tuyến đã tăng nhanh chóng từ 0,4% năm 2014 lên 69,2% vào năm 2021.

Bắc Kinh đã tuyên bố rõ ràng rằng tất cả các hoạt động tài chính phải được đặt dưới sự giám sát, nhưng nó chứng tỏ đây là một cuộc chiến đang diễn ra.

"Các quy định tài chính thường tụt hậu so với sự đổi mới công nghệ trong lĩnh vực tài chính", Yan Hongting, giảng viên tại Trường Luật và Chính trị tại Đại học Khoa học Kỹ thuật Chiết Giang (Trung Quốc), cho biết.

Ông Yan nói: "Để đáp ứng với sự phát triển nhanh chóng của ngành tài chính, Trung Quốc nên đẩy nhanh việc xây dựng khung quy định công nghệ để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng tài chính, cũng như sự an toàn và ổn định của hệ thống tài chính của đất nước".

Nguồn: 1thegioi.vn