Nữ thạc sĩ mang tảo xoắn từ Pháp về khởi nghiệp

Từ nửa lít tảo xoắn ban đầu mang về từ Pháp, chị Nguyễn Thị Bích Trâm đã phát triển thành khu nuôi trồng quy mô lớn. 

"Ôm" nửa lít tảo xoắn về nước

Trong văn phòng điều hành công ty tại thôn K’nai (xã Phú Hội, huyện Đức Trọng, Lâm Đồng), Nguyễn Thị Bích Trâm đắm mình vào nghiên cứu, phát triển sản phẩm tảo xoắn. Thỉnh thoảng, công việc của cô gián đoạn bởi các cuộc điện thoại đặt hàng hoặc khách lạ thăm dò sản phẩm.

Năm 2012, Nguyễn Thị Bích Trâm tốt nghiệp ngành Quản trị khách sạn, nhà hàng tại Đại học Yersin (Đà Lạt, Lâm Đồng). Năm 2013, Trâm được sang Pháp du học theo diện học bổng dành cho sinh viên xuất sắc. Vừa kiểm tra độ phát triển của tảo xoắn, Trâm vừa tâm sự: “Hồi đó tôi du học và luôn nuôi khát vọng đưa cái gì đó mới mẻ về quê hương. Lâm Đồng là nơi mình sinh ra và có Đà Lạt là thành phố du lịch nên ý nghĩ đó ngày càng thôi thúc mình tìm kiếm”.

Thế rồi, vào năm 2014, khi đến thành phố Montpellier (Pháp) thực tập, Trâm bắt gặp ông Hay, một người Pháp gốc Việt đang thực hiện mô hình trồng tảo xoắn để phát triển kinh tế. Khi biết tảo có nhiều công dụng, lợi ích cho sức khỏe con người và đặc biệt còn mới mẻ ở quê hương nên Trâm đã tập trung nghiên cứu, học hỏi.

Các hồ nuôi trồng tảo xoắn được xây dựng khoa học để phù hợp với điều kiện thời tiết tại Lâm Đồng. 

Điều may mắn rằng ông Hay cũng là người muốn đưa tảo xoắn về phát triển tại Việt Nam nên mọi công việc ngày càng trở nên thuận lợi. Đến năm 2015, sau khi tốt nghiệp thạc sĩ ngành Quản lý du lịch, Nguyễn Thị Bích Trâm về nước và mang theo kế hoạch phát triển tảo ở quê hương.

“Trên chuyến bay về quê năm đó, tôi mang theo nửa lít tảo xoắn về làm giống. Khi đặt chân đến quê hương, tôi bắt đầu làm hồ nuôi trồng rộng chừng 20m2 và may mắn rằng số tảo đó sinh trưởng nhanh. Trong thời gian 30 ngày, nửa lít tảo giống đã phát triển lên thành 1.000 lít và chỉ một khoảng thời gian ngắn sau đó đã nhân lên 2.000 lít rồi hàng chục ngàn lít”, cô gái 32 tuổi kể lại.

Với khát vọng phát triển sản phẩm đặc thù cho quê hương, Trâm miệt mài thực hiện mô hình và cứ thế mở rộng quy mô sản xuất. Đến nay, khu nuôi trồng thử nghiệm ngày nào đã trở thành khu sản xuất lên đến 300m2. Trong diện tích này, Trâm dành một nửa làm các hồ nước hình chữ nhật để nuôi trồng tảo xoắn, còn lại làm khu nghiên cứu, chế biến sản phẩm và phòng điều hành.

Với diện tích 150m2 khu nuôi trồng, mỗi tháng, Nguyễn Thị Bích Trâm thu hoạch 80-90kg tảo xoắn tươi.

Nữ thạc sĩ chia sẻ: “Tảo xoắn phù hợp với vùng nóng ấm, ít mưa, độ ẩm không quá cao. Khi đưa về Lâm Đồng, tôi phải xây dựng khu nhà nuôi trồng để đảm bảo kín mưa, ít gió và đặc biệt là duy trì được nhiệt độ, độ ẩm lý tưởng cho tảo”.

Để tảo xoắn phát triển tốt nhất, Nguyễn Thị Bích Trâm sử dụng nguồn nước từ giếng khoan và pha chế vào đó một lượng muối, NaHCO3 để tạo nước lợ nuôi tảo. Sau 4 - 5 ngày thả tảo vào bể, tảo sẽ phát triển đủ khối và có thể thu hoạch. Mỗi lần thu hoạch, chủ trang trại chỉ vớt ¼ tảo trong hồ và số còn lại sẽ nuôi tiếp để 4 - 5 ngày sau tiếp tục thu hoạch.

Trong điều kiện thời tiết đảm bảo, tảo xoắn sinh trưởng nhanh, mỗi ngày có thể nhân lên với tỷ lệ 10 - 15%, thậm chí có thể nhân lên 25%. Nước trong hồ và chất lượng của tảo luôn được theo dõi, kiểm tra tỉ mỉ bởi các thiết bị hiện đại. Trường hợp lượng khoáng chất trong nước sụt giảm, chủ trang trại phải pha thêm sắt, cali, phốt pho, can xi... theo tỉ lệ khoa học.

Tảo xoắn có màu xanh lục và vì kích thước nhỏ nên phải nhìn qua kính hiển vi mới thấy được sợi xoắn. 

Bích Trâm thổ lộ, những ngày đầu bắt đầu thực hiện mô hình, cô gặp nhiều khó khăn. Có những lứa tảo bị ảnh hưởng bởi thời tiết, nguồn nước nên chậm phát triển, thậm chí sủi bọt rồi chết. Những lúc như vậy, Trâm lại phải kết nối liên lạc với người ở Pháp để cùng bàn giải pháp khắc phục, xử lý.

Tảo xoắn có tên khoa học là Spirulina platensis, là một loại loại tảo dạng sợi xoắn màu xanh lục, chỉ có thể quan sát thấy hình xoắn sợi do nhiều tế bào đơn cấu tạo thành dưới kính hiển vi. Những nghiên cứu mới nhất cho biết chúng thuộc chi Arthrospira. Tên khoa học hiện nay của loài này là Arthrospira platensis, thuộc bộ Oscilatoriales.

Loại tảo này được phát hiện vào năm 1960 tại Trung Phi bởi nữ tiến sĩ Clement người Pháp. Bà đến Trung Phi và phát hiện người dân dù sống trong đói kém, khan hiếm thực phẩm nhưng vẫn khỏe mạnh.

Lúc này, bà đi sâu vào nghiên cứu và phát hiện người địa phương vớt một thứ màu xanh trên các hồ nước rồi mang về làm bánh để sử dụng và nguyên liệu làm bánh đó chính là tảo Spirulina.

Đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng mô hình

Với diện tích 150m2 nuôi trồng, mỗi tháng Nguyễn Thị Bích Trâm thu hoạch 80 - 90kg tảo xoắn tươi, tương đương 16-18kg tảo khô. Lượng này sau đó được cô chế biến thành các sản phẩm khô để cung ứng ra thị trường. Nữ thạc sĩ 32 tuổi thổ lộ, hiện tại, chi phí sản xuất tảo ở vào khoảng 50% nên người thực hiện mô hình đạt lợi nhuận cao. Trung bình, 1kg thành phẩm tảo khô được bán với giá 3,1 - 3,2 triệu đồng, tảo khô nguyên liệu giao động từ 2,7 - 3 triệu đồng/kg.

“Tảo xoắn vừa là thực phẩm giàu dinh dưỡng vừa là dược phẩm nên người dùng đang quan tâm. Các sản phẩm tảo mình làm ra đều có thể sử dụng pha nước uống, làm bánh và đều có vị ngon, dịu, phù hợp với khẩu vị người tiêu dùng”, Trâm chia sẻ và cho biết thêm, hiện nay trên thị trường Việt Nam có sản phẩm tảo xoắn của Nhật Bản nhưng ở dạng viên nên người dùng không có nhiều lựa chọn.

Tảo nổi trên mặt nước ở hồ nuôi trồng của Nguyễn Thị Bích Trâm. Ảnh: Minh Hậu.

Mô hình tảo xoắn mới lạ ở Lâm Đồng và mang lại hiệu quả thiết thực nên vào tháng 7/2019, Bích Trâm được một doanh nhân ở Hải Phòng tìm đến đặt vấn đề hợp tác phát triển. Cũng từ đây, việc phát triển tảo xoắn của nữ thạc sĩ không còn đơn độc, nhỏ lẻ mà phát triển thành Công ty TNHH Tảo xoắn Spinténaas. Với 3 sản phẩm chủ đạo là tảo khô dạng bột, sợi và tảo tươi, Bích Trâm đang dần mở rộng được thị trường và bước đầu có những khách hàng lớn.

Bích Trâm cho hay: “Việc bán sản phẩm tảo xoắn đang ngày càng thuận lợi vì người Việt dần quan tâm. Hiện tại các sản phẩm tảo của công ty đang được tiêu thụ ở Đà Lạt, TP.HCM, Hải Phòng...”.

Tảo Spirulina được Tổ chức Y tế thế giới - WHO công nhận là thực phẩm bảo vệ sức khỏe tốt nhất của loài người trong thế kỉ 21. 

Hiện tại, để phát triển hơn nữa mô hình mới này, Nguyễn Thị Bích Trâm đang hợp tác với một doanh nghiệp và mở khu sản xuất quy mô 9ha tại tỉnh Ninh Thuận. Dự án đang được triển khai và dự kiến đi vào hoạt động trong năm 2021.

Mô hình mới lạ và mở ra tiềm năng phát triển kinh tế nên Nguyễn Thị Bích Trâm nhận được nhiều sự quan tâm của cơ quan chức năng. Đặc biệt, tảo xoắn của Trâm đã đạt được nhiều giải thưởng về mô hình khởi nghiệp trong nước.

Tảo xoắn có lượng protein rất cao với đầy đủ các acid amin không thay thế (cơ thể người và động vật không tự tổng hợp được) và rất phong phú các chất khoáng và hầu hết các vitamin.

Tảo Spirulina còn có tác dụng y học như khả năng ức chế ung thư, kích thích sự tăng nhanh các tế bào hồng cầu bạch cầu và nâng cao khả năng miễn dịch của cơ thể, ức chế độc tố gan hepatotoxin, nâng cao tính miễn dịch, ức chế virus, chống lão hóa, làm giảm nếp nhăn, làm giảm cholesterrol máu, hạn chế các tai biến về tim mạch…

Tảo xoắn được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công nhận là thực phẩm bảo vệ sức khỏe tốt nhất của loài người trong thế kỉ 21.


Nguồn: Báo Nông Nghiệp