Thị trường chứng khoán ngày 4/3 chìm sâu trong sắc đỏ. VN-Index chốt phiên giảm 18,43 điểm (tương đương 1,55%) xuống 1.168,52 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 673,449 triệu đơn vị, giá trị hơn 16.800 tỷ đồng.
Tuy vậy, theo nhóm chuyên gia thuộc Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) nhịp điều chỉnh này là cần thiết để giúp thị trường có thời gian tích lũy thêm xung lực, qua đó mới có thể kỳ vọng chỉ số sẽ chinh phục thành công vùng đỉnh 1200 điểm.
“VN-Index dự báo sẽ tiếp tục chịu áp lực điều chỉnh trong nửa đầu phiên kế tiếp và có thể sẽ có diễn biến hồi phục trở lại về cuối phiên”, BVSC nhận định và cho hay chỉ số có thể lùi về kiểm định vùng hỗ trợ 1.150 – 1.155 điểm. Đây là vùng cản được BVSC đánh giá giúp thị trường hồi phục trở lại. Tuy nhiên, nếu tiếp tục xuyên thủng vùng kháng cự này, chỉ số sẽ lùi về vùng hỗ trợ mạnh nằm tại 1.100 - 1.120 điểm trong ngắn hạn.
Dưới góc nhìn tích cực, các chuyên viên phân tích tại Công ty Chứng khoán Asean (Aseansc) cho rằng phiên giảm điểm ngày 4/3 chủ yếu mang tính chất kỹ thuật. Do đó, Aseansc dự báo trong phiên hôm nay, lực cầu tại vùng hỗ trợ 1.150 – 1.160 điểm có thể giúp thị trường hồi phục trong phiên sáng để VN-Index kiểm định lại kháng cự 1.170 – 1.180 điểm.
“Nếu không bảo vệ thành công hỗ trợ này, VN-Index sẽ kéo dài mức giảm xuống hỗ trợ MA20 đang nằm tại 1.130 – 1.140 điểm và giằng co với lực mua giá thấp tại đây”, Aseansc dự báo.
Trong khi đó, khối phân tích của Công ty Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội cho rằng trong ngắn hạn, thị trường có thể sẽ biến động mạnh trong phiên tiếp theo kể từ 5/3 và nếu điều chỉnh sẽ là cơ hội mua vào cho các nhà đầu tư.
Nhà đầu tư với tầm nhìn trung hạn có thể tiếp tục nắm giữ cổ phiếu với kỳ vọng sóng sẽ tiếp tục trong thời gian tới. Nhà đầu tư ngắn hạn có thể mua vào nếu có nhịp điều chỉnh về vùng hỗ trợ mạnh trong khoảng 1.130 – 1.140 điểm hoặc chờ đợi thị trường bứt phá khỏi ngưỡng 1.200 điểm sau một thời gian tích lũy gần đỉnh.
Theo các chuyên gia tại Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) sau 2 phiên thận trọng gần vùng đỉnh 1.200 điểm, VN-Index đã mất thăng bằng và điều chỉnh. Tuy nhiên, dòng tiền hỗ trợ có dấu hiệu dần tăng khi chỉ số này về vùng 1.160 điểm. Mặc dù vẫn chìm trong sắc đỏ nhưng tín hiệu hỗ trợ này có thể giúp thị trường có động thái hồi phục trong phiên giao dịch tiếp theo. Dù vậy, diễn biến vẫn theo hướng thận trọng và kiểm định lại cung – cầu.
“Tình trạng phân hóa đang âm thầm diễn ra. Nhà đầu tư nên tạm ngưng bán tháo và quan sát động thái của thị trường”, VDSC khuyến nghị.
Trong phiên giao dịch 4/3, mặc dù có lúc tăng gần 5 điểm, tuy nhiên áp lực bán mạnh tại nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn đã làm chỉ số VN-Index quay đầu giảm hơn 18 điểm. Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số VN-Index giảm 18.,43 điểm (giảm 1,55%), đóng cửa ở mức 1.168.
Thanh khoản HoSE ở mức hơn 670 triệu cổ phiếu (tăng 6%), giá trị gần 17.000 tỷ đồng (tăng 11%). Độ rộng thị trường nghiêng về số mã giảm giá (95 mã tăng/ 362 mã giảm).
Nhà đầu tư ngoại bán ròng hơn 230 tỷ đồng trên HoSE, tập trung chủ yếu vào VNM, và HDB.
Trên HNX, chỉ số HNX-Index cũng “đổ đèo” về cuối phiên sáng cùng mức giảm 1,23 điểm (tương đương 0,48%) xuống 252,87 điểm.
Chỉ số UPCoM-Index giảm 0,55 điểm (tương đương 0,71%) xuống 77,55 điểm.