Cổ phiếu ngân hàng tìm động lực mới

Bức tranh kém tích cực của cổ phiếu dòng “bank” trong 8 tháng

Với việc Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VBB) đưa cổ phiếu lên đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM từ 30/7/2019, tính đến nay, trên sàn chứng khoán đã có 18/31 ngân hàng TMCP được niêm yết và đăng ký giao dịch.

Trong đó, có 10 cổ phiếu niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE), 3 cổ phiếu niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) và 5 cổ phiếu đăng ký giao dịch trên UPCoM.

Là ngân hàng đầu tiên lên sàn trong năm 2019 giữa lúc thị trường đang có diễn biến khá tích cực, nhưng kết quả sau hơn 1 tháng giao dịch của VBB lại không thực sự tích cực.

Mức giá 21.000 đồng/cổ phiếu mà cổ phiếu này đạt được trong phiên giao dịch đầu tiên cũng là mức giá cao nhất mà VBB ghi nhận đến nay. Sau hơn 1 tháng rưỡi chào sàn, thị giá VBB rơi xuống 14.500 đồng/cổ phiếu (cuối phiên 18/9).

Việc thị trường không quá hào hứng với câu chuyện lên sàn của VBB dù Ngân hàng vẫn đang duy trì kết quả kinh doanh khá hiệu quả với lợi nhuận trước thuế 6 tháng đạt 249,6 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ 2018 và hoàn thành 50% kế hoạch năm đề ra không khiến nhiều nhà đầu tư bất ngờ. Bởi lẽ, từ đầu năm đến nay, xu hướng giá của nhiều cổ phiếu ngân hàng lớn trên sàn cũng đang kém tích cực.

Cụ thể, trong số 13 cổ phiếu ngân hàng đang niêm yết, tính từ đầu năm đến nay, có 6 cổ phiếu đang trong xu hướng suy giảm. Thị giá cổ phiếu SHB (của Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội), STB (của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín), TCB (của Ngân hàng TMCP Kỹ thương) và HDB (của Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM) đang có mức giảm trên 10%.

Ngay trong nhóm ngân hàng có thị giá tăng trưởng, thực tế chỉ có 3 cổ phiếu VCB, BID và EIB là duy trì được mức tăng giá trong 1 năm trở lại đây. Các cổ phiếu ngân hàng còn lại xu hướng trung hạn cũng đang đi xuống. Thị giá VPB và CTG đều đang thấp hơn trên dưới 25% so với thời điểm cách đây 1 năm.

Lợi nhuận tăng trưởng chậm lại, nợ xấu gia tăng

Lý do đầu tiên để giải thích cho việc cổ phiếu ngân hàng trong 8 tháng đầu năm kém hấp dẫn so với năm 2018 là dù lợi nhuận vẫn duy trì tăng trưởng, nhưng tốc độ đã suy giảm đáng kể.

Chẳng hạn, tại Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), kết thúc 6 tháng đầu năm, Ngân hàng đạt 3.622 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước.

Dù ghi nhận mức lợi nhuận bán niên kỷ lục từ trước đến nay, nhưng so với mức tăng trưởng lợi nhuận trước thuế 149,6% của nửa đầu năm 2018, tỷ lệ tăng trưởng lợi nhuận của ACB đã thấp hơn đáng kể.

BIDV báo lãi trước thuế 6 tháng đầu năm 2019 giảm 4% so với cùng kỳ 2018, chỉ đạt 4.772 tỷ đồng. Hay VPB báo lãi hợp nhất 6 tháng giảm 0,8% so với cùng kỳ, trái ngược với mức tăng 34% của chỉ tiêu này trên báo cáo tài chính quý II năm trước. EIB đã báo lãi trước thuế giảm 17,3% trong nửa đầu năm nay, trong khi cùng kỳ năm 2018 tăng trưởng 132%.

Báo cáo của CTCP Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cập nhật kết quả 6 tháng 2019 của 17 ngân hàng niêm yết, đăng ký giao dịch trên sàn chứng khoán (không bao gồm VBB) cho thấy, tổng lợi nhuận trước thuế 6 tháng 2019 của các ngân hàng chỉ tăng 18% so với cùng kỳ 2018, chậm lại rõ rệt so với mức tăng trên 50% cùng kỳ năm trước.

Ở góc độ tích cực, lợi nhuận duy trì tăng trưởng (dù tốc độ có chậm lại) vẫn giúp mức định giá nhiều cổ phiếu ngân hàng trở về vùng thấp nhất trong 2-3 năm qua.

Theo KBSV, nếu như trong năm 2018, lợi nhuận nhóm ngân hàng tăng cao nhờ đóng góp lớn của các hoạt động không thường xuyên như từ hợp đồng phân phối bảo hiểm, thoái vốn để đáp ứng quy định về giảm sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng và kinh doanh đầu tư chứng khoán…

Thì bước sang năm 2019, các khoản lợi nhuận đột biến suy giảm mạnh, còn tăng trưởng tín dụng bị kiểm soát chặt hơn theo định hướng của Ngân hàng Nhà nước trong khi chi phí lãi, chi phí hoạt động gia tăng đã ảnh hưởng đáng kể đến lợi nhuận các ngân hàng.

Không chỉ tăng trưởng lợi nhuận chậm lại, bức tranh kết quả kinh doanh của nhiều ngân hàng còn cho thấy nguy cơ rủi ro gia tăng khi nợ xấu có xu hướng phình to trở lại.

Tình hình nợ xấu tại các ngân hàng niêm yết.

Tại 3 ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước lớn là BID, CTG và VCB, tổng số nợ xấu (từ nhóm 3 đến nhóm 5) đã lên đến 41.265 tỷ đồng vào cuối tháng 6/2019, tăng 6,8% so với hồi đầu năm và tăng 22% so cách đây 1 năm.

Trong cơ cấu nợ xấu, dư nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) tại cả 3 “ông lớn” trên đều chiếm tỷ lệ cao.

Tại VCB, tỷ lệ nợ nhóm 5 trên tổng nợ xấu là 66,7%, với 4.167,7 tỷ đồng; tại BID là 49,4%, với 10.491,5 tỷ đồng; còn tại CTG là 57,8% với 7.521 tỷ đồng. Cả VCB và BID đều có tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay khách hàng tăng trong nửa đầu năm nay.

Thống kê từ báo cáo tài chính của 13 ngân hàng đang niêm yết trên HOSE và HNX cho thấy, tổng dư nợ từ nhóm 3 đến nhóm 5 lên tới 78.421 tỷ đồng tại ngày 30/6/2019, tăng 6.712 tỷ đồng (tương đương mức tăng 9,3%) trong nửa đầu năm 2019 và chiếm 1,76% dư nợ cho vay của khách hàng tại 13 ngân hàng, tăng 0,02% so với đầu năm.

Trong số này, VPB đang là ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao nhất với 3,43% dư nợ cho vay khách hàng; trong đó, có 2.114 tỷ đồng nợ nhóm 5, chiếm 27% tổng nợ xấu.

Tại nhóm có tỷ lệ nợ xấu ở mức trên 2%, SHB với 2,88%, NVB với 2,74% và STB với 2,04%. Các ngân hàng còn lại đều có tỷ lệ nợ xầu trong khoảng từ 1 - 2%.

Báo cáo của KBSV cũng nhận định, nợ xấu hiện vẫn ở mức đảm bảo, nhưng áp lực sẽ dần lớn hơn trong thời gian tới.

Nguyên nhân là do cơ cấu tài sản sinh lãi của nhiều ngân hàng đã có sự chuyển dịch mạnh trong thời gian qua với xu hướng tăng tỷ trọng cho vay bán lẻ, đẩy lãi suất và kỳ hạn bình quân tăng và tăng tỷ trọng trái phiếu các tổ chức tín dụng và trái phiếu doanh nghiệp.

Dù đây là động lực quan trọng cho tăng trưởng lợi nhuận ngân hàng, nhưng cũng sẽ tạo ra áp lực lên chất lượng tài sản của toàn hệ thống, đặc biệt trong môi trường lãi suất tăng.

Ðộng lực mới cho cổ phiếu ngân hàng

Sau giai đoạn đồng loạt tăng giá nửa đầu 2018, trong hơn một năm trở lại đây, xu hướng thị giá nhiều cổ phiếu ngân hàng đã cho thấy sự phân hóa rõ rệt.

Ở góc độ tích cực, lợi nhuận duy trì tăng trưởng (dù tốc độ có chậm lại) vẫn giúp mức định giá nhiều cổ phiếu ngân hàng trở về vùng thấp nhất trong 2-3 năm qua.

Cùng với việc tìm kiếm cơ hội từ cổ phiếu các ngân hàng đã niêm yết, đăng ký giao dịch, nhà đầu tư có thể tìm kiếm cơ hội từ các ngân hàng đang chuẩn bị lên sàn, dự báo sẽ sôi động trong thời gian tới.

Bối cảnh nền kinh tế vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng tốt, giá trị xuất nhập khẩu, đầu tư tăng, lãi suất, tỷ giá được kiểm soát nhìn chung vẫn đang tạo ra nền tảng khá ổn định hỗ trợ cho kết quả kinh doanh của các ngân hàng - vốn là lĩnh vực kinh doanh có độ nhạy cảm cao với biến động của nền kinh tế.

Tuy vậy, trong bối cảnh hiện nay, rất khó để kỳ vọng vào một sóng ngành quay trở lại, tạo nên mức tăng trên diện rộng như giai đoạn đầu năm 2018. Việc lựa chọn cổ phiếu ngân hàng được đánh giá sẽ khó khăn hơn và hướng đến câu chuyện riêng của từng cổ phiếu.

Ðơn cử như cổ phiếu MBB của Ngân hàng TMCP Quân đội, thị giá đã tăng khá tích cực trong 3 tháng qua sau thông tin dự kiến chào bán 7,5% cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài.

Trước đó, câu chuyện chào bán chiến lược cũng đã tạo động lực tăng trưởng cho thị giá BID và VCB trong suốt cuối năm 2018, đầu 2019 đến nay.

Bên cạnh câu chuyện tăng vốn, hoạt động mua bán cổ phiếu quỹ của các ngân hàng sôi động cũng là diễn biến đáng chú ý.

Nếu như HDB đang thực hiện lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc mua lại không quá 5% cổ phiếu đã phát hành làm cổ phiếu quỹ thì VPB cũng vừa chốt danh sách lấy ý kiến cổ đông về việc mua vào tối đa 10% vốn làm cổ phiếu quỹ cuối tháng 8/2019.

Trước đó, TPB đã hoàn tất mua vào 24 triệu cổ phiếu quỹ, tương đương 2,8% vốn điều lệ hồi tháng 6/2019.

Vào tháng 3/2019, MBB đã hoàn tất mua vào 47 triệu cổ phiếu quỹ. Số cổ phiếu này được MBB dự kiến sẽ được bán lại cho nhà đầu tư nước ngoài trong kế hoạch phát hành riêng lẻ cuối năm nay.

Trong ngắn hạn, việc mua vào cổ phiếu quỹ sẽ làm giảm cung cổ phiếu, tăng sức cầu và kỳ vọng đem lại diễn biến tích cực hơn cho thị giá.

Về dài hạn, khi bán lại cổ phiếu quỹ với giá cao hơn, Ngân hàng có thể thu lợi hàng nghìn tỷ đồng như trường hợp TCB bán lại cổ phiếu quỹ trước khi niêm yết đầu vào năm 2018.

Cùng với việc tìm kiếm cơ hội từ cổ phiếu các ngân hàng đã niêm yết, đăng ký giao dịch, nhà đầu tư có thể tìm kiếm cơ hội từ các ngân hàng đang chuẩn bị lên sàn, dự báo sẽ sôi động trong thời gian tới.

Nguyên nhân là bởi, theo Quyết định 242/QÐ-TTg phê duyệt Ðề án “Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025”, mục tiêu đề ra là 100% ngân hàng thương mại sẽ niêm yết, đăng ký giao dịch đến hết năm 2020.

Năm 2019 sắp đi qua, sẽ chỉ còn hơn 1 năm để hơn chục ngân hàng thương mại cổ phần còn lại hoàn tất niêm yết, đăng ký giao dịch cổ phiếu.

Trong số này, không ít ngân hàng được đánh giá cao về chất lượng tài sản, mô hình hoạt động và đã từng được nhà đầu tư đón nhận tích cực trong các đợt bán vốn, thoái vốn giảm sở hữu chéo trong năm trước như OCB hay Saigonbank...

Khắc Lâm

Nguồn: Báo ĐTCK