Hơn một tuần qua, Ngọc Linh (26 tuổi, nhân viên kinh doanh bất động sản) không dám đi ăn trưa xa văn phòng. Cô vừa order loạt đồ từ mỹ phẩm dưỡng da, quần áo cho đến đồng hồ thông minh đắt đỏ.
“Mày lại đợi shipper đó à?”, “Mày order gì mà lắm thế?”, “Lại nhịn ăn để đợi giao hàng à?”... là những câu hỏi mà đồng nghiệp dành cho Linh mỗi khi thấy cô không đi ăn trưa và ngồi đợi lấy hàng.
"Như một thói quen, cứ lương về là mình lại mua sắm. Đặt hàng xong lại tự trách bản thân sao không tiết kiệm tiền mà cứ chi hết vào những thứ tốn kém này", Linh nói.
Nhưng cuối cùng, Linh cũng không thoát được "cám dỗ" của việc order.
Linh không phải bạn trẻ duy nhất thường tự an ủi mình - sau khi chi một số tiền lớn mua quần áo, mỹ phẩm hay đồ công nghệ - rằng: "Thôi kệ, còn trẻ mà, không sao đâu".
Tháng sau sẽ bù
Tự hứa tháng sau sẽ kiếm tiền bù vào khoản đã chi, nhưng khi Linh chưa kịp thực hiện, chiếc máy lạnh "cổ lỗ sĩ" theo cô 5 năm nay bỗng giở chứng. 9X đành ra siêu thị mua điều hòa mới.
Phải chi thêm 4,5 triệu đồng ngoài dự tính, số tiền trong tài khoản của Linh thâm hụt gần một nửa. Ý định gửi tiền vào sổ tiết kiệm của cô cũng không thực hiện được.
Sau đó, Linh vào nhà "đập hộp" đồng hồ mới mua và tự nhủ: "Lần này là lần cuối nhé".
Cô gái sinh năm 1993 cho rằng cảm giác mang chiếc đồng hồ mới không còn phấn khích như lúc nhận hàng. Cầm điện thoại nhắn tin than vãn với đứa bạn một hồi, cô tiếp tục lướt Facebook.
"Một lần nữa tôi lại thất bại trước cám dỗ và thất vọng về chính mình. Màu son Fabulous của Tom Ford quá đẹp khiến tôi không thể kiềm chế", Linh nói.
Có khoảng 18 thỏi son từ thương hiệu bình dân đến đắt tiền đủ cả, Linh thừa nhận bộ sưu tập của mình "khá hoành tráng" và "không biết đời nào mới tô hết". Thế nhưng, cô vẫn order son mới.
“Có 20 triệu thì tự nhủ với lòng tiêu đến 10 triệu thì dừng. Đến khi còn 10 triệu lại ngứa tay muốn mua thứ mới. Cuối tháng, tôi lại phải chật vật ăn uống kham khổ để bù lại khoản chi tiêu quá lớn trong tháng", Linh kể.
Cuối cùng, 9X nói không thể làm gì khác ngoài việc tự nhủ “tháng sau sẽ bù lại”. Nhưng “tháng sau” của Ngọc Linh bị dời đến bao lâu thì chính cô cũng không rõ.
Chi cho đam mê không bao giờ là đủ
Bất đồng quan điểm trong việc tiêu tiền, Phan Hưng (25 tuổi, nhân viên IT) và bạn gái vừa đường ai nấy đi. Nguyên nhân được anh đưa ra là muốn bán lại chiếc iPhone "xịn" vừa mua hồi đầu năm để nâng cấp lên đời mới nhiều dung lượng hơn.
“Đây không phải là nguyên nhân chính mà là cái cớ để chúng tôi chấm dứt chuyện tình cảm. Hai đứa đã nhiều lần bất đồng, chủ yếu là chuyện tiền nong”, Phan Hưng nói.
9X tốt nghiệp ĐH Công nghệ Thông tin, hiện làm việc tại một công ty chuyên buôn bán điện thoại di động và linh kiện điện tử. Công nghệ là đam mê duy nhất của Phan Hưng.
“Tiền lương của tôi phần lớn dành cho việc mua đồ công nghệ. Tôi sống đúng kiểu cứ có 'con hàng' mới là lại mua. Bạn bè thường nói tôi giàu có nhưng thực tế tài khoản của tôi lúc nào cũng ‘âm’ tiền”, Phan Hưng kể.
Khác với Ngọc Linh, Phan Hưng không thấy tiếc nuối với những thứ mình đã mua. Anh cho đó là đam mê và không thể dùng tiền để cân đo đong đếm.
“Nếu được chọn lại, tôi vẫn yêu những món đồ mình đã mua. Còn về chuyện tình cảm, tôi nghĩ cả hai đã hết duyên nên chọn cách đường ai nấy đi”, Phan Hưng nói.
9X chia sẻ công việc của mình suốt ngày ngồi máy tính và tiếp xúc với đồ dùng công nghệ. Anh không có nhu cầu mua quần áo, ăn uống đắt đỏ, nên coi việc chi hết cho đam mê là điều bình thường.
“Tôi đã dành cả sức trẻ cho công việc vì vậy cần phải sử dụng số tiền mình kiếm được sao cho bản thân thấy thích. Còn hiện tại, tôi chưa nghĩ nhiều đến chuyện tương lai. Vẫn còn làm ra tiền mà, cứ thế này mà sống cũng được rồi”, Phan Hưng nói.
Hài lòng với cách chi tiền lớn
Một cuộc khảo sát của tập đoàn Charles Schwab (Mỹ) cho thấy 81% bạn trẻ 9X cảm thấy tự tin vào khả năng kiếm tiền của chính mình. Nhóm nghiên cứu cũng chỉ ra bất chấp các thiếu hụt trong chi tiêu, người trẻ đều tỏ ra yên tâm với cách họ tiêu tiền và cho đó là điều bình thường trong cuộc sống.
Cũng theo nghiên cứu của tổ chức này, 75% người trẻ nói chung có tâm lý hơn thua nhau về quần áo, xe cộ, điện thoại và các dịch vụ liên quan. Trong đó, 69% nói không bao giờ mặc hết trang phục họ từng mua.
Một nghiên cứu khác của công ty nghiên cứu thị trường Nielsen cho thấy người tiêu dùng Việt ở độ tuổi từ 21-34 chiếm 34%. Khảo sát này nói họ tiêu tiền tùy theo sở thích, tập trung nhiều nhất vào du lịch, mua sắm quần áo, sản phẩm công nghệ và dịch vụ giải trí.
Tại Hàn Quốc, cụm từ "Shibal biyong" (tạm dịch: chi tiêu chết tiệt) được sử dụng để chỉ lối tiêu xài "không cần quan tâm đến ngày mai".
Với lối sống này, nhà phê bình văn hóa Kim Heon-sik nói: “Trong một xã hội mà thành công dường như xa vời và đòi hỏi một quá trình nỗ lực lâu dài để đạt được, người trẻ tuổi bị cuốn hút vào những trải nghiệm mang lại cho họ cảm giác hài lòng tức thời”.
"Trích 20% thu nhập để mua sắm đâu gọi là cao"
Chiêm Quỳnh Anh (24 tuổi, làm việc trong lĩnh vực truyền thông) kiếm được từ 18-20 triệu đồng/tháng. Ngoài tiền nhà, sinh hoạt phí mất khoảng 6 triệu đồng, 20% số lương còn lại cô dành cho việc mua mỹ phẩm và quần áo.
"Mình ra đường mà không trang điểm sẽ cảm giác không được tự tin, vì vậy mình mất một khoản tiền vào nó. Ngoài ra, do đặc trưng công việc phải giao tiếp nhiều, số tiền chi cho quần áo hàng tháng cũng chiếm phần lớn", Quỳnh Anh nói.
Quỳnh Anh nói thêm mỗi khi đến cuối tháng, cô sẽ nhìn lại khoản chi tiêu của mình. Số tiền còn lại 9X mang đi gửi tiết kiệm, dù lãi phát sinh không bao nhiêu, nhưng theo lời mẹ cô: "Đó là cách giúp con có được số tiền sau này làm vốn".
Quỳnh Anh cũng nói việc đầu tư vào cá nhân phục vụ rất nhiều cho công việc. Bởi vậy, cô không coi việc bỏ ra 20% lương cho việc đó là có vấn đề.
"Cha mẹ, bạn bè thân thiết nhiều lần góp ý cách tiêu tiền của mình. Tuy nhiên mình thấy đây không phải là vấn đề quá to tát. Mình còn trẻ, tương lai còn dài, còn kiếm được tiền thì cứ tận hưởng, bản thân thấy thích và không quá lố là được", Quỳnh Anh nói.