Covid-19 làm hồi sinh ý tưởng phát tiền toàn dân

Trả một khoản thu nhập cơ bản cho tất cả, ví dụ như khi công việc của họ bị chuyển giao cho máy móc, từng bị chế nhạo là ý tưởng nực cười thì nay bỗng dưng trở nên cực kỳ nghiêm túc như một biện pháp cứu trợ khả thi cho người dân trong bối cảnh các nền kinh tế điêu đứng vì đại dịch Covid-19, theo AFP.

Ý tưởng được hồi sinh giữa đại dịch

Tiền lương cơ bản cho tất cả người dân trước đây bị coi là quá đắt dỏ và dân túy khi được tiến hành bằng cách chính phủ trả cho tất cả công dân còn sống một khoản tiền, với hy vọng các công dân trở nên có ích hơn.

Tuy nhiên, Quốc hội Mỹ hôm 25/3 đã thông qua khoản cứu trợ trị giá 2.000 tỷ USD để giải cứu nền kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì Covid-19 được xem là một hình thức khác của "thu nhập cơ bản cho toàn dân".

Ông Andrew Yang đã đưa ý tưởng thu nhập cơ bản cho toàn dân trở lại nước Mỹ. Ảnh: AP.

Trong quá trình vận động tranh cử, ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Andrew Yang đã ủng hộ ý tưởng về một khoản tiền giống như "thu nhập cơ bản cho toàn dân". Mặc dù vậy, các thành viên khác trong đảng Dân chủ đã chí trích cách nhìn của ông Yang là "quá lý tưởng" và quá đắt đỏ để triển khai.

Nay, khi nền kinh tế Mỹ chao đảo bởi các doanh nghiệp dừng hoạt động, thị trường tiêu dùng tê liệt bởi hàng chục triệu người được yêu cầu ở tại nhà, ý tưởng về thu nhập cho toàn dân lại được đưa ra, lần này từ Thượng nghị sĩ Cộng hòa Mitt Romney.

Thử nghiệm tại California

Thu nhập cơ bản toàn dân đã được thử nghiệm tại thành phố Stockton, bang California trong khoảng 1 năm trở lại đây. Tại Stockton, 125 công dân Mỹ thuộc diện bất lợi về mặt kinh tế được nhận khoản tiền trị giá 500 USD mỗi tháng để đánh giá liệu sự trợ giúp tài chính của chính phủ có giúp xóa bỏ nghèo đói hay không.

Kết quả ban đầu cho thấy người nhận khoản tiền 500 USD nói trên chi tới 40% để mua thực phẩm. Một bà mẹ đơn thân là Lorrine Paradela, trước kia làm 2 công việc để trang trải cuộc sống, nay đã nghỉ 1 công việc sau khi nhận tiền từ chính phủ. Khoản tiền cũng được Paradela sử dụng để giải quyết vấn đề về xe cộ.

"Đây là một khoản trợ giúp lớn, khoản tiền đã cho tôi cơ hội được thư giãn tâm trí", Paradela nói.

Nhắc lại thời gian trước khi được nhận khoản tiền hỗ trợ, bà mẹ đơn thân cho biết thường xuyên trở về nhà sau khi hoàn thành 2 công việc với tinh thần căng thẳng, hóa đơn đến hạn thanh toán và sức ép kiếm tiền tưởng như không có điểm dừng.

Nền kinh tế Mỹ hiện điêu đứng vì Covid-19. Ảnh: AP.

"Đôi lúc tôi chỉ có thể mua đồ ăn cho con, còn bản thân đành nhịn đói", Paradela cho biết.

Chương trình thử nghiệm phát thu nhập cơ bản toàn dân tại Stockton cho thấy một khoản hỗ trợ nhỏ về tài chính sẽ tại ra khác biệt rất lớn với những người có ngân sách chi tiêu hạn hẹp, thị trưởng Stockton là Michael Tubbs cho biết.

"Tôi nghĩ, về lâu dài, chúng ta sẽ thấy những kết quả tốt đẹp như người dân sống lâu hơn, hạnh phúc hơn, ít bệnh tật, làm việc năng suất hơn, và có lẽ sẽ làm những việc giúp phát triển xã hội", ông Tubbs nói.

Giải pháp tránh đại khủng hoảng

Kế hoạch phát thu nhập cơ bản tại Stockton được hỗ trợ bởi Chương trình An ninh kinh tế do đồng sáng lập Facebook là Chris Hughes khởi xướng. Ý tưởng của chương trình bao gồm tái xây dựng tầng lớp trung lưu Mỹ, thông qua cung cấp hỗ trợ tài chính để tăng thu nhập của các hộ gia đình có mức thu nhập hàng năm dưới 50.000 USD.

Theo người phát ngôn liên minh các nghiệp đoàn tại California là ông Steve Smith, sinh hoạt phí tại bang này đắt đỏ tới mức người lao động sẽ không thể sinh sống nếu thu nhập hàng tháng dưới 1.000 USD.

Trong khi đó, doanh nhân Andrew Yang cho biết khoảng 30% người lao động Mỹ có nguy cơ mất việc vào tay máy móc trong 12 năm tới.

"Để tránh một cuộc khủng hoảng chưa có tiền lệ, chúng ta phải tìm ra một giải pháp mới, không giống như bất cứ chính sách nào từng áp dụng trước đây", ông Yang phát biểu trong chiến dịch tranh cử. Giải pháp của Yang là chính sách thu nhập cơ bản cho toàn bộ công dân trưởng thành tại Mỹ mà không cần yêu cầu bắt buộc nào.

Đại dịch Covid-19 đang hoành hành tại Mỹ. Ảnh: AP.

Trong cuộc phỏng vấn mới đây với hãng phát thanh NPR, Yang cho biết tác động kinh tế của đại dịch Covid-19 đã khiến nhiều chính trị gia và nhà phân tích cân nhắc lại sự phản đối của họ với ý tưởng thu nhập cơ bản toàn dân.

"Tình hình đã trở nền rất khó lường, ranh giới đảng phái đã bị vượt qua khi các thành viên Cộng hòa hào hứng với ý tưởng phát tiền mặt trực tiếp cho người dân", Yang nói.

"Điều rõ ràng và thẳng thắn phải thừa nhận, đây là bước đi duy nhất có thể hiệu quả giúp chúng ta ngăn nền kinh tế sụp đổ và tránh đưa đất nước vào một cuộc đại khủng hoảng mới", ông Yang nhận xét.

Mặc dù vậy, các chi phiếu gửi trực tiếp cho người dân, một phần trong kế hoạch cứu trợ khẩn cấp của chính phủ Mỹ chỉ là biện pháp tạm thời. Hình thức hỗ trợ trong đại dịch này không hoàn toàn giống với thu nhập cơ bản toàn dân, vốn sẽ có tính lâu dài và cực kỳ đắt đỏ với chính phủ Mỹ.

Tuy nhiên, chuyên gia Edward Alden tại tổ chức tư vấn chính sách Council on Forein Relations trụ sở ở thủ đô Washington, cho rằng ngân sách cần được chính phủ Mỹ chi tiêu khôn ngoan, trong bối cảnh Mỹ đã có xu hướng giảm thuế đối với người giàu.

Duy Anh

Nguồn: Báo Zing