Cú sốc chi phí khiến nhiều người Mỹ không thể trở lại công sở
Trong bối cảnh lạm phát tăng vọt, những người lao động Mỹ lo lắng hơn khi đối mặt với chi phí xăng xe và thực phẩm tiêu dùng khi phải quay trở lại văn phòng. Do đó nhiều người trong số họ vẫn chọn cách làm việc từ xa để tiết kiệm.
Giá xăng và giá đồ ăn tăng khiến nhiều người lao động Mỹ ngại đi làm tại văn phòng. Ảnh: Chicago Tribune
Gánh nặng chi phí khi quay trở lại văn phòng
Khi công ty phần mềm bảo mật KnowBe4 thông báo kế hoạch quay lại văn phòng, các nhân viên đã vội vàng nhắn tin cho nhau hỏi nơi nào có thể đổ xăng rẻ. Nỗi lo về RTO (giá xăng và chi phí ăn uống) đắt đỏ đang là thách thức của KnowBe4 khi kêu gọi nhân viên quay lại văn phòng. Công ty này có trụ sở chính ở Clearwater (bang Florida), một trong những khu vực tại Mỹ bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi lạm phát.
Lao động Mỹ đứng trước câu hỏi "có đủ khả năng để trở lại làm việc không". Ảnh: New York Times
Các giám đốc điều hành của công ty biết trước một số khó khăn từ nhân viên nên cố gắng làm giảm áp lực cho mọi người bằng cách sẽ cung cấp đồ ăn miễn phí. Tuy nhiên, một số nhân viên than thở rằng họ không thể bù đắp nổi chi phí RTO. Một số khác nói muốn tiếp tục làm việc tại nhà vì lên văn phòng sẽ phát sinh thêm chi phí thuê chăm sóc con cái và thú cưng.
“Nếu giờ lên văn phòng, bạn phải tiêu tiền xăng này, tiền ăn uống tại văn phòng nữa này. Mọi thứ đều quá đắt!”, bà Erika Lance, Trưởng bộ phận nhân sự của công ty cho biết.
Kế hoạch để nhân viên trở lại văn phòng của các công ty Mỹ vốn đã căng thẳng vì lo sợ lây Covid-19 thì giờ gặp áp lực lạm phát. Chi phí cho thói quen tiêu dùng hàng ngày của nhân viên, bao gồm đi lại, cà phê và đồ ăn - đắt hơn nhiều so với thời điểm các văn phòng đóng cửa cách đây hai năm trước đây.
Lạm phát tháng trước của Mỹ là 8,5% so với cùng kỳ năm 2021, mức cao nhất kể từ năm 1981. Tỷ lệ lấp đầy văn phòng cũng tăng lên trên 40%, mức cao nhất kể từ tháng 3/2020. Tuy nhiên, một số lao động đã trải qua cú sốc chi phí khi đi làm lại.
"Chúng ta đã sẵn sàng để trở lại làm việc và câu hỏi bây giờ là chúng ta có đủ khả năng để trở lại làm việc không?", bà Becky Frankiewicz, Chủ tịch hãng nhân sự ManpowerGroup nói.
Tăng lương bù lạm phát hay tiếp tục làm việc từ xa?
Theo AAA, giá xăng trung bình ở Mỹ đạt 4,33 USD/gallon vào tháng trước, cao hơn so với mức 2,60 USD năm 2019. Ngoài ra, các sản phẩm tiêu dùng nhanh cũng nhích giá như món salad Sweetgreen hiện có giá 11,95 USD so với 11,2 USD năm ngoái, một chiếc bánh sandwich Potbelly tăng từ 7,2 USD lên 7,65 USD và một ly latte đá tại Dunkin là 3,99 USD, tăng từ mức 3,7 USD.
Với việc thị trường lao động vẫn đang eo hẹp, các nhà tuyển dụng đang chịu áp lực trước yêu cầu phải tăng lương hoặc cho phép làm việc linh hoạt hơn trong bối cảnh giá cả tăng cao. Tuy nhiên tốc độ tăng lương tại các doanh nghiệp đang không thể theo kịp tốc độ lạm phát. Trung bình năm ngoái tiền lương tại Mỹ chỉ tăng 5,6% và một số công ty cho biết đang có kế hoạch phải tăng thêm vì lo sợ nhân viên bỏ việc.
Giá các loại đồ ăn uống tại Mỹ tăng theo đà lạm phát. Ảnh: The Week
OrderMyGear, một nền tảng thương mại điện tử có trụ sở tại Dallas, thành phố cũng chịu ảnh hưởng nặng từ lạm phát, gần đây đã tăng gấp ba lần ngân sách công ty so với những năm trước. Các công ty khác vẫn chưa điều chỉnh tiền lương vì chờ xem liệu lạm phát có hạ nhiệt không.
Nhưng đối với những công ty yêu cầu nhân viên quay trở lại văn phòng, áp lực tăng lương ngày càng lớn. "Làm việc từ xa ban đầu như một biện pháp để giữ an toàn sức khỏe. Còn bây giờ, nó là một biện pháp ngăn chặn chi phí đội lên", bà Frankiewicz nói thêm.
Bà cũng cho biết, một số nhân viên mà công ty liên hệ hiện tìm công việc có thời gian đi lại ngắn để tiết kiệm chi phí di chuyển. Một số doanh nghiệp khác thì cung cấp thẻ xăng, phiếu đi lại hoặc tùy chọn đi chung xe.
ManpowerGroup đã nhận được số lượng ý kiến từ người lao động nhiều gấp 5 lần khi nói rằng chi phí ảnh hưởng đến việc họ làm ở đâu và như thế nào. "Trước đây họ nói 'Tôi không muốn đi làm', còn bây giờ là 'Tôi không đủ khả năng đi làm'", bà nói thêm.
Nhà thiết kế Edith Jacobson, 29 tuổi, cho biết phải di chuyển từ Baltimore đến Washington ba ngày một tuần. Cô từng có thể đổ đầy bình cho chiếc Subaru 2006 với giá khoảng 45 USD. Bây giờ, cô phải trả gần 70 USD. Nếu cô đi tàu, công ty sẽ chi trả tiền vé, nhưng điều đó đồng nghĩa là thời gian đi làm sẽ kéo dài một tiếng rưỡi và cô phải thức dậy lúc 6 giờ sáng.
Người lao động Mỹ trở nên "kỹ tính" trong việc lựa chọn công việc: được làm tại nhà/được tăng lương. Ảnh: AP
Ngoài ra, cô cũng không thể tìm được bữa trưa hợp túi tiền ở Washington. Cô từng chi 10 USD cho bữa trưa, nhưng giờ con số phải là 15 USD. Vài hôm trước, cô nhận được tin vui – mức lương của cô tăng thêm. "Tôi cảm thấy mình được trọng dụng. Số tiền nghe có vẻ nhỏ, nhưng đối với tôi, đó là một thứ rất lớn", cô nói.
Một phân tích gần đây từ công ty công nghệ Square ước tính có "lạm phát bữa trưa" mà những người lao động như cô Jacobson đang phải đối mặt. Giá trung bình của các loại bánh cuộn đã tăng 18% so với một năm trước đó, bánh mì sandwich tăng 14% và salad tăng 11%.
Đồng thời, các nhà hàng bình dân đang thu hút nhiều khách hàng vào giờ ăn trưa hơn khi các văn phòng dần lấp đầy người trở lại. Theo phân tích, đơn hàng tại các cửa hàng đồ ăn nhanh ở Mỹ từ giữa tháng 3 đến giữa tháng 4 tăng gần 13% so với cùng kỳ năm ngoái.
Các công ty đang cố gắng đối phó với lạm phát bằng việc công bố nhiều chính sách hỗ trợ đi lại và đồ ăn của nhân viên có giá phải chăng hơn. Cục Thống kê Lao động Mỹ cho biết, giá thực phẩm tại nơi làm việc đã giảm nhờ "chương trình bữa trưa miễn phí" được các công ty triển khai rộng rãi.
Nguồn: https://mekongasean.vn/cu-soc-chi-phi-khien-nhieu-nguoi-my-khong-the-tro-lai-cong-so-post5695.html