Phát ngôn viên của Chính phủ Thái Lan, ông Anucha Burapachaisri cho biết, các biện pháp kích thích, bao gồm phát tiền mặt cho các chủ thẻ phúc lợi và các nhóm đặc biệt, đồng thanh toán và hoàn lại tiền mặt, dự kiến sẽ được triển khai từ tháng 7/2021.
Theo đó, gói kích thích trị giá 140 tỷ baht sẽ bao gồm: 93 tỷ baht được sử dụng thanh toán cho các giao dịch mua hàng của người tiêu dùng, nhắm đến khoảng 31 triệu người. 16,4 tỷ baht tiền mặt sẽ được trao cho 13,65 triệu người sở hữu thẻ phúc lợi. Ba tỷ baht tiền mặt được trao cho 2,5 triệu người được coi là thành viên của các nhóm đặc biệt, chẳng hạn như người khuyết tật. Ngoài ra, khoảng 28 tỷ baht sẽ được hoàn lại cho nhóm 4 triệu người có thu nhập cao.
Nền kinh tế Thái Lan đang gặp nhiều thách thức từ đợt bùng dịch COVID-19 đang diễn ra, với hơn 130.000 ca nhiễm kể từ khi phát hiện ổ dịch tại các khu vui chơi về đêm ở Bangkok hồi tháng 4. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Thái Lan (BoT) Sethaput Suthiwartnarueput ngày 31/5 nói rằng nền kinh tế nước này có thể phải đến đầu năm 2023 mới quay trở lại mức trước đại dịch, chậm hơn 3 quý so với dự báo trước đó.
Gói kích cầu mới nhất được đưa ra sau khi Chính phủ Thái Lan vào tháng trước phê chuẩn một gói kích cầu khác trị giá 85,5 tỷ baht. Tiền cho những gói kích cầu này đều là tiền đi vay thuộc phạm vi chương trình kích cầu 1.000 tỷ baht mà Chính phủ Thái Lan công bố vào tháng 4/2020 nhằm đưa nền kinh tế vượt đại dịch.
Ngoài ra, theo Hội đồng Phát triển kinh tế và xã hội quốc gia (NESDC), dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 3 tại Thái Lan đã chứng kiến tỷ lệ thất nghiệp tăng cao kỷ lục trong năm 2021. Một dấu hiệu là sự thu hẹp 9,1% GDP đối với các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs). Con số 758.000 người thất nghiệp trong quý đầu tiên, theo thống kê của NESDC, đã khiến nhiều người lo ngại về việc liệu họ có tiếp tục nằm trong danh sách thất nghiệp khi các doanh nghiệp tiếp tục đóng cửa hay không.
Số liệu công bố hồi tháng 4 cho thấy kinh tế Thái Lan giảm 2,6% trong quý 1 năm nay và chỉ có thể tăng 1,5-2,5% trong cả năm. Hồi tháng 2, Chính phủ nước này dự báo kinh tế tăng trưởng 2,5-3,5% trong cả năm.
Tổng Thư ký NESDC Danucha Pichayanan nhận định Thái Lan đang rất cần một cuộc đại tu lớn trong giai đoạn hậu COVID-19 với trọng tâm là thu hẹp chênh lệch kinh tế cũng như đầu tư vào công nghệ tiên tiến và bảo tồn môi trường.
Chuyên gia cao cấp về chính sách kinh tế vĩ mô thuộc Văn phòng Chính sách tài khóa (FPO) Pongnakorn Pochakorn cho biết ngay cả trước khi xảy ra đại dịch COVID-19, đã có sự chênh lệch rất lớn về đóng góp vào GDP giữa 2 nhóm tỉnh.
Có 15 tỉnh chiếm 70% GDP của cả nước là Bangkok và 5 tỉnh xung quanh (Samut Prakarn, Samut Sakhon, Nakhon Pathom, Nonthaburi và Pathum Thani) cùng với Chonburi, Rayong, Chachoengsao, Phuket, Songkhla, Surat Thani, Chiang Mai, Nakhon Ratchasima và Khon Khaen, trong khi 62 tỉnh còn lại chỉ tạo ra 30% GDP của cả nước.
Động lực tăng trưởng chính của 15 tỉnh nói trên là các lĩnh vực du lịch và sản xuất. Lĩnh vực du lịch tại 15 tỉnh này chiếm 88% tổng doanh thu du lịch của cả nước, lĩnh vực sản xuất chiếm 72% tổng doanh thu sản xuất của cả nước, lĩnh vực nông nghiệp chỉ chiếm 22% tổng doanh thu nông nghiệp của cả nước và thương mại chiếm 77% tổng doanh thu thương mại của cả nước.
Tại 62 tỉnh còn lại, lĩnh vực du lịch chiếm 12% tổng doanh thu du lịch của cả nước, lĩnh vực sản xuất chiếm 28% tổng doanh thu sản xuất của cả nước, lĩnh vực nông nghiệp chiếm 78% tổng doanh thu nông nghiệp của cả nước và thương mại chiếm 23% doanh thu thương mại của đất nước.
Ông Pongnakorn tin rằng một khi tình hình dịch bệnh được cải thiện và Thái Lan mở cửa trở lại, kinh tế của 15 tỉnh phụ thuộc vào du lịch sẽ khởi sắc nhanh hơn 62 tỉnh còn lại, mặc dù các tỉnh phụ thuộc vào du lịch đã bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch.