Để khởi nghiệp thành công, ý tưởng lớn là chưa đủ?

Startup chỉ có ý tưởng, gì cũng thiếu?

Việt Nam đang được đánh giá là quốc gia phát triển mạnh hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo. Chính phủ cũng đã có nhiều chương trình, chính sách, dự án hỗ trợ doanh nghiệp. Ví như dự án IPP hợp tác với Chính phủ Phần Lan, Chương trình FIRST do Ngân hàng thế giới tài trợ, Chương trình BIPP hợp tác với Bỉ và đặc biệt là Đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia đến năm 2025”.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay phần lớn các nhà sáng lập của các công ty startup tại Việt Nam là các startup công nghệ xuất thân từ dân kỹ thuật. Những người này học về công nghệ, học về cách xây dựng sản phẩm mà thường thiếu kiến thức cũng như kỹ năng quản trị doanh nghiệp & tài chính cơ bản. Trong khi đó, kỹ năng về tài chính & vận hành thì nhiều startup lại thiếu. Đây là một lỗ hổng cực kỳ lớn dẫn đến tình trạng nhiều startup chết yểu.

CEO Phạm Khắc Việt, Giám đốc Công ty Cổ phần tư vấn và triển khai công nghệ Thiên Ân (Gocheap) cho rằng: “Trở ngại lớn nhất của các startup vẫn liên quan đến vấn đề tài chính. Bởi vì dù các startup bây giờ dù có rất nhiều ý tưởng nhưng lại không có nguồn vốn ổn định. Thường thì startup phải đưa ra một lộ trình cụ thể ví dụ 1 năm, 2 năm hoặc 5 năm trong giai đoạn đầu sẽ đến đâu. Tuy nhiên, nếu họ không có nguồn tài chính ổn định, không có đầu tư thì rất khó. Bởi vậy, có những ứng dụng công nghệ, có những ý tưởng rất hay, nhưng để hiện thực hóa những ý tưởng ấy thì phải có một nguồn vốn nhất định hoặc phải kêu gọi được đầu tư. Nếu không, dù nó là siêu ý tưởng đắt giá, thì cũng chỉ là một ý tưởng chết. Do đó, việc startup chủ động và quản lý tài chính tốt, xin được đầu tư hoặc hỗ trợ từ đơn vị cá nhân nào thì đấy sẽ là một phần quyết định sự thành bại của dự án starup”.

Để khởi nghiệp thành công cần nhiều yếu tố chứ không chỉ là ý tưởng

Còn theo ông Đinh Anh Huân, nhà sáng lập của Seedcom, công ty đầu tư khá nhiều vào các start-up tại Việt Nam cho rằng: Trào lưu khởi nghiệp nở rộ đã phát lộ nhược điểm của những người sáng lập (founder) tại Việt Nam. Đó là họ rất thiếu kỹ năng, đa phần chưa có góc nhìn về kinh doanh, nên chưa có cái nhìn thấu đáo. Các founder biết về lập trình thì không có khả năng bán hàng, không biết về marketing. Ngược lại, người biết làm marketing lại chẳng hiểu về lập trình. Trong khi đó, đa phần người khởi nghiệp ở các quốc gia mà start-up phát triển mạnh mẽ như Mỹ đều có kinh nghiệm làm việc tại các công ty lớn. Môi trường làm việc ở đó giúp họ hiểu được quy trình quản lý và vận hành của một công ty phải như thế nào. Nhờ đó, các founder ở Mỹ học hỏi và tích lũy được khá nhiều kỹ năng khi khởi nghiệp. Còn ở nước ta, cơ hội va chạm thực tế không nhiều khiến các founder Việt thường có phần “ảo tưởng” khi khởi nghiệp.

Các startup thường nghĩ rằng khi bắt đầu thì chỉ cần một ý tưởng hay. Tuy nhiên từ ý tưởng đến việc quản trị, điều hành và phát triển một dự án hay một doanh nghiệp là điều không hề dễ dàng. Thực tế, ý tưởng khởi nghiệp chỉ chiếm 1% thành công của startup, 99% còn lại là do các yếu tố khác như tài chính, quản trị, nhân sự và marketing. Lý do các startup thất bại phần lớn xoay quanh 2 kỹ năng, đó là kỹ năng quản trị và kỹ năng tài chính, làm không tốt một trong 2 kỹ năng đó sẽ giết chết doanh nghiệp của bạn”, CEO Startup WeFit chia sẻ.

Cam kết hỗ trợ doanh nghiệp

Theo các chuyên gia, startup Việt là thị trường hấp dẫn nhưng quy mô chưa đủ lớn. một trong những khó khăn lớn nhất của các starup vẫn là vốn. Chính sách của nhà nước chưa có quy trình pháp lý hay quy định nào về việc nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào và rút vốn ra khởi các doanh nghiệp khởi nghiệp nên nhà đầu tư khá e ngại trong vấn đề bảo toàn nguồn vốn đầu tư cho các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và các cá nhân, doanh nghiệp khởi nghiệp nói riêng. Hơn nữa, các quy định về cấp tín dụng của Việt Nam rất chặt chẽ từ hồ sơ đánh giá năng lực tài chính đến yêu cầu tài sản thế chấp. Trong khi đó, các chủ thể khởi nghiệp thường thiếu tài sản đảm bảo và hồ sơ tài sản.

Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, thế giới đang thay đổi lớn, chuyển đổi lớn, đó chính là chuyển đổi số, cách mạng số, cách mạng 4.0. Cuộc cách mạng này không đòi hỏi cơ sở vật chất mà cái cần thay đổi đó là tư duy. Trong tương lai, chuyển đổi số sẽ mở ra cơ hội lớn cho Việt Nam, nhưng đây là một sự thay đổi mang tính toàn diện, đến từng doanh nghiệp, từng tổ chức, từng người dân và trên mọi lĩnh lực. Đây chính là cuộc cách mạng lớn trong lịch sử loài người, sự chuyển đổi lớn vĩ đại mang tính lịch sử, từ không gian này tới không gian khác. Các startup có ý tưởng công nghệ mới, thay đổi mô hình kinh doanh cũ có thể tìm đến Bộ TT&TT làm cầu nối với các bộ ngành liên quan để cùng để tháo gỡ những khó khăn. Bộ luôn khuyến khích và sẵn sàng đồng hành và tạo mọi điều kiện tốt nhất để các startup phát triển”.

Khánh Linh

Nguồn: Báo DĐDN