Diễn đàn 'Xây dựng TPHCM thành đô thị cảnh quan sông nước': Cần nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế
LTS: Sau khi Báo SGGP đăng bài phản ánh cùng nhiều ý kiến chuyên gia, người dân, doanh nghiệp về công viên Bến Bạch Đằng và những vấn đề xoay quanh việc xây dựng TPHCM thành đô thị cảnh quan sông nước, để người dân có không gian công cộng và được hưởng lợi từ thiên nhiên, Báo SGGP tiếp tục đón nhận nhiều ý kiến quan tâm. Báo SGGP xin giới thiệu ý kiến của các chuyên gia, người dân về vấn đề này.
Sông Sài Gòn, đoạn chảy qua quận 1, TPHCM. Ảnh: Dũng Phương
Bạn TRẦN BÙI THANH THỦY, sinh viên Học viện Cán bộ TPHCM: Đô thị xanh gắn với sông nước
Sở hữu mạng lưới gần 1.000km đường sông, kênh, rạch, TPHCM có rất nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển giao thông thủy, du lịch đường sông và xây dựng hình ảnh đô thị xanh gắn với sông nước. Sau gần 2 năm thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM về cuộc vận động “Người dân TPHCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước” đã mang lại những kết quả tích cực về cải thiện chất lượng môi trường. Các khu vực ven kênh Tàu Hủ - Bến Nghé, kênh Đôi, kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, là những khu vực bị ô nhiễm môi trường, khi kết hợp cải tạo chỉnh trang đô thị đã góp phần tăng cường mảng xanh đa chức năng. Đây sẽ vừa là hành lang cảnh quan tạo đặc trưng đô thị, tạo không gian cho các hoạt động giải trí, văn hóa, du lịch sông nước…, vừa đóng vai trò là một hạ tầng xanh quan trọng hỗ trợ giao thông thủy, phục vụ vận chuyển nông sản.
Ông NGUYỄN HỮU Y YÊN - Tổng Giám đốc Công ty Dịch vụ - Lữ hành Saigontourist: Tạo cảnh quan, trồng các loài hoa đặc trưng
Sông Sài Gòn là một tài sản vô cùng quý giá mà thiên nhiên trao tặng cho TPHCM. Do đó, cần thiết từng bước xây dựng công viên dọc hai bên bờ sông để người dân thành phố được hưởng cuộc sống đô thị xanh, sạch, đẹp. Các công viên này sẽ có nhiều chủ đề, cảnh quan, các loài hoa, cây đặc trưng khác nhau ở từng công viên. Đây sẽ là điểm tham quan cho du khách trong nước cũng như quốc tế mỗi khi ghé thăm thành phố. Bên cạnh đó, nên có những khu phố ẩm thực, chợ đêm bên bờ sông; có đường sách, các hoạt động thể thao trên bờ và dưới nước…
Anh NGUYỄN QUỐC PHONG, quận Tân Bình, TPHCM: Kênh rạch giúp điều hòa không khí cho đô thị
Từ xa xưa, trong lịch sử hình thành và phát triển của TPHCM, hệ thống sông ngòi có ý nghĩa rất quan trọng. Tuy nhiên, hiện nay, việc xây dựng, lấn chiếm, sử dụng trái phép lòng sông đã khiến cho chiều rộng các con sông càng bị thu hẹp; việc xả nước thải sinh hoạt, chất thải từ các hoạt động chăn nuôi, từ các cơ sở sản xuất đã làm ô nhiễm môi trường, ách tắc dòng chảy… Với một đô thị lớn như TPHCM, việc duy trì hệ thống kênh rạch là cực kỳ cần thiết, bởi nếu không có sự điều hòa từ hơi nước, môi trường sống ở đô thị sẽ rất ngột ngạt, dẫn đến chất lượng sống bị ảnh hưởng. Tôi cho rằng nên tổ chức nghiên cứu chuyên sâu các kinh nghiệm của quốc tế trong việc quy hoạch, phát triển các đô thị ven sông.
Nguồn: http://sggp.org.vn/dien-dan-xay-dung-tphcm-thanh-do-thi-canh-quan-song-nuoc-can-nghien-cuu-kinh-nghiem-quoc-te-796404.html