Dự án lỗ, sếp DNNN rút kinh nghiệm: Đạo đức và luật định

Bàn tiếp về việc xem xét đạo đức lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước (DNNN) làm ăn thua lỗ nhưng chỉ xin phê bình nghiêm khắc, kiểm điểm nghiêm túc, rút kinh nghiệm sâu sắc, PGS.TS Nguyễn Hữu Tri, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Hành chính đã chia sẻ quan điểm riêng của mình.

Theo ông, khái niệm đạo đức là một phạm trù lịch sử, không thời kỳ nào giống thời kỳ nào, không ngành nào giống ngành nào. Đối với những trường hợp nói trên phải giải quyết bằng cơ chế luật định và trách nhiệm vật chất.

"Đạo đức là chuyện cần thiết, nhưng nó mang tính tuyên truyền, giáo dục, phê bình, giúp đỡ nhau... nhiều hơn, còn làm nghề nào thì có quy chế, luật định riêng của nghề đó.

Nguyên tắc pháp lý nhà nước pháp quyền không cho phép một ai, cá nhân hay tổ chức nào, đứng trên hoặc đứng ngoài luật. Khi đã chịu sự điều chỉnh của luật pháp thì phải có trách nhiệm pháp lý rõ ràng.

Đối với cán bộ lãnh đạo DNNN để doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, theo tôi, không nói chuyện đạo đức, mà phải gắn giữa trách nhiệm vật chất với trách nhiệm pháp lý, sai đến đâu xử lý đến đó, thậm chí nếu cần có thể phải đưa ra xử lý hình sự.

Theo đó, phải cụ thể hóa người nào ở vị trí nào thì phải có trách nhiệm ra sao, hoặc người nào làm thiệt hại cái gì thì phỉa xử lý theo luật định, phải có đền bù, truy tố ra tòa. Một khi đã ra tòa án, không ai xử đạo đức", PGS.TS Nguyễn Hữu Tri bày tỏ quan điểm.

PGS.TS Nguyễn Hữu Tri

Xảy ra tình trạng có những dự án ngàn tỷ thua lỗ nhưng cán bộ, lãnh đạo DNNN chỉ xin rút kinh nghiệm, theo nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Hành chính, có trách nhiệm của chính cơ quan quản lý.

Theo thống kê, cả nước mới hoàn thành cổ phần hóa 35 DNNN trong danh mục của văn bản số 991/TTg-ĐMDN (gồm 127 doanh nghiệp), trong đó riêng Hà Nội còn 13 DNNN và TP.HCM là 36 DNNN chưa được cổ phần hóa.

Tiến độ thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cũng chậm so với kế hoạch đề ra từng năm khi Quyết định số 1233/QĐ-TTg yêu cầu cả nước phải hoàn thành thoái vốn tại 405 doanh nghiệp từ 2016 - 2020 nhưng tới nay chỉ được 88 DNNN (chiếm 21,8%).

Vị chuyên gia cho rằng, có cổ phần hóa thì mới nâng cao được trách nhiệm của cán bộ, lãnh đạo doanh nghiệp lên.

"Muốn thế thì phải ép cho bằng được, phải gắn giữa trách nhiệm vật chất với trách nhiệm pháp lý như đã nói ở trên, chứ không phải nói chuyện đạo đức", PGS.TS Nguyễn Hữu Tri nhấn mạnh.

Tái khẳng định trong quá trình quản lý, cán bộ lãnh đạo DNNN sai thì xử lý theo luật vị chuyên gia cũng nhắc lại yêu cầu về đạo đức khi tiến hành tuyển chọn cán bộ, lãnh đạo lãnh đạo.

Tuy nhiên, ông cho biết điều này phải được cụ thể hóa bằng cả quá trình. Đầu tiên sẽ xét một số yếu tố mang tính chất gọi là tố chất, xem người đó có phẩm chất không, quan điểm chính trị đúng đắn không..., nhưng đây cũng là một quá trình, phải trải qua thẩm định.

"Đối với cán bộ quản lý phải có một quá trình luân chuyển qua nhiều vị trí khác nhau, từ mỗi vị trí đó sẽ có đánh giá, đánh giá đó phải được lưu lại, theo dõi, đồng thời bản thân cán bộ đó phải được thử thách thì mới có thể thăng tiến lên một cấp cao hơn, không phải tự nhiên cơ cấu ngay được.

Nghề nghiệp là cả một quá trình, gồm kiến thức, kỹ năng... Kỹ năng là cách giải quyết vấn đề, gồm nhiều cấp độ: từ bắt chước đến làm được, thành thạo, điêu luyện, sáng tạo và cống hiến. Tùy theo từng giai đoạn đó mà xem xét đưa cán bộ vào vị trí nào cho phù hợp.

Cũng có nhiều người có năng khiếu, nhưng năng khiếu ấy phải được phát hiện, bồi dưỡng, dần dần sử dụng họ, tạo được môi trường cho họ trở thành nhân tài, sáng tạo và cống hiến cho xã hội, nhân tài ấy phải được xã hội thừa nhận", PGS.TS Nguyễn Hữu Tri chỉ rõ.

Thành Luân

Nguồn: Báo Đất Việt