Tuy xuất khẩu hàng điện tử sụt giảm, song các mặt hàng truyền thống như dệt may và nông nghiệp ngày càng cải thiện sẽ bù đắp lại. Việc nhập khẩu nguyên liệu sản xuất giảm, tăng trưởng nhập khẩu dự kiến vẫn ở mức gần 10%, do đó, cán cân thương mại sẽ tiếp tục thặng dư trong năm 2019. Theo dự báo, lạm phát sẽ tăng nhẹ ở nửa cuối năm, trung bình 2,8% so với mức 2,6% trong nửa đầu năm và lạm phát cơ bản, không bao gồm giá thực phẩm, năng lượng, dịch vụ chăm sóc sức khỏe và giáo dục, sẽ tăng lên 2% trong năm nay. Các chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Standard Chartered cũng dự đoán, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì chính sách linh hoạt trong ngắn hạn để hỗ trợ tăng trưởng, khi lạm phát vẫn còn ở mức thấp và kỳ vọng lãi suất chính sách sẽ không thay đổi trong năm 2019 và VND sẽ tăng giá nhẹ.
Trong một diễn biến khác, theo Tổng cục Thống kê, có 91,9% số doanh nghiệp (DN) lạc quan cho rằng, sáu tháng cuối năm nay, khối lượng sản xuất tăng và giữ ổn định so với sáu tháng đầu năm (trong đó, 58,6% số DN dự báo tăng và 33,3% số DN dự báo giữ nguyên), chỉ có 8,1% dự báo khối lượng sản xuất giảm. Về chi phí sản xuất dự báo quý III so với quý II, có 90,7% số DN dự báo chi phí sản xuất cho một đơn vị sản phẩm chính tăng và giữ nguyên (trong đó, 70,1% số DN dự báo giữ ổn định), có 9,3% số DN dự báo chi phí sản xuất giảm. Về đơn đặt hàng, có 89,7% số DN dự báo số lượng đơn hàng mới tăng và giữ ổn định (có 47,9% số DN dự báo tăng và 41,8% giữ ổn định). Số lượng đơn đặt hàng mới được dự báo khả quan hơn ở sáu tháng cuối năm với 91,9% số DN dự báo tăng và giữ ổn định (54,1% số DN dự báo tăng), có 8,1% số DN dự báo giảm,...