Giá các cổ phiếu đang rẻ nhất trong một năm - Cơ hội tích lũy

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Kết thúc phiên giao dịch ngày 5/12, VN-Index có phiên giảm điểm trở lại. Khối lượng duy trì ở mức thấp hơn bình quân 10 và 20 phiên. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nếu so sánh cùng thời điểm nền kinh tế tăng trưởng gần tương đương thì TTCK lúc này lại kém hơn. Điều đó tạo sự hấp dẫn về mặt định giá.

Nhìn chung, qua 11 tháng của năm 2019, các yếu tố vĩ mô của Việt Nam đều mạnh và TTCK đã không phản ánh đúng yếu tố này.

Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 11 đã chia sẻ những thông số khả quan, khi trải qua 11 tháng, mặc dù kinh tế thế giới tiếp tục xu hướng tăng trưởng chậm lại và diễn biến phức tạp về thương mại, nhưng nền kinh tế của Việt Nam vẫn tiếp tục có xu hướng chuyển biến tích cực.

Cụ thể, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, CPI tháng 11/2019 tăng 0,96%, nhưng bình quân 11 tháng chỉ tăng 2,57% so với bình quân cùng kỳ, đây là mức tăng thấp nhất trong 3 năm gần đây. Các ngành, lĩnh vực chủ yếu tiếp tục đà phát triển. Thu hút đầu tư tiếp tục xu hướng tích cực. Cả nước có 126.700 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và có 36.900 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 11 tăng trưởng 12,6%, là mức tăng cao nhất trong 6 năm trở lại đây; Xuất khẩu đạt trên 241 tỷ USD, tăng 7,8%. Khu vực trong nước tăng 18,1%, cao hơn nhiều so với khu vực FDI là 3,8%. Xuất siêu 9,1 tỷ USD, là năm thứ tư liên tiếp nước ta xuất siêu; Năm 2019, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sẽ cán đích 500 tỷ USD.

Vốn FDI thực hiện đạt 17,6 tỷ USD, tăng 6,8%. Ðiểm được Thủ tướng biểu dương đó là việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã quyết định tiếp tục hạ 0,5% lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên (lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với các nhu cầu vốn phục vụ nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao giảm từ 6,5% xuống 6,0%/năm)...

Theo Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Trần Văn Dũng, TTCK Việt Nam từ đầu năm đến nay chịu nhiều tác động từ các yếu tố bên ngoài như cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, kinh tế thế giới có dấu hiệu chậm lại, căng thẳng địa chính trị gia tăng ở nhiều khu vực…

Tuy nhiên, TTCK Việt Nam về cơ bản vẫn duy trì được sự ổn định so với TTCK nhiều nước trong khu vực và đạt được những kết quả nhất định.

Trong bối cảnh một số TTCK trong khu vực bị rút vốn ròng thì TTCK Việt Nam vẫn thu hút được dòng vốn từ nhà đầu tư nước ngoài. Trong 10 tháng đầu năm, khối ngoại mua ròng 9.401 tỷ đồng trên thị trường cổ phiếu và 14.388 tỷ đồng trên thị trường trái phiếu.

Tính thanh khoản trên thị trường cổ phiếu hiện nay có giảm nhiều (khoảng 30%), đây là xu thế tất yếu trong bối cảnh tình hình quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp, khó đoán định. Tuy nhiên, tình hình kinh tế vĩ mô ổn định và quyết tâm cải cách của Đảng, Chính phủ vẫn là yếu tố cốt lõi giúp TTCK phát triển ổn định trong thời gian tới.

Một trong những diễn biến quan trọng nhất trên TTCK năm 2019 là việc Luật Chứng khoán (sửa đổi) đã được Quốc hội xem xét thông qua trong tháng 11/2019. Điều này sẽ tạo nên những thay đổi lớn nào trên TTCK trong thời gian tới.

Các chuyên gia cho rằng, trước các yếu tố tích cực trên, việc thị trường điều chỉnh giảm là cơ hội để tích lũy chọn lọc các cổ phiếu chất lượng. Từ nền tảng ổn định, thị trường sẽ có cơ hội để phục hồi và tăng trưởng dựa trên các yếu tố thị trường khác.

Thêm vào đó, theo tâm lý nhà đầu tư thì việc tích lũy cổ phiếu ở vùng giá thấp hiện tại kỳ vọng thu về kết quả tốt khi thị trường bước sang năm 2020, với “hiệu ứng tháng Giêng” - thị trường thường giao dịch tích cực trong giai đoạn đầu năm. Đối với nhiều người, đầu tháng Giêng đơn giản là một thời gian phổ biến để đầu tư với mong muốn kiếm được lợi nhuận trong năm mới từ những khoản tiền thưởng cuối năm, theo đó, giá cổ phiếu thường có xu hướng cao hơn vào đầu tháng Giêng.

Các chuyên gia khuyên rằng, nhà đầu tư nên kiên nhẫn quan sát và giải ngân khi biết rõ doanh nghiệp định đầu tư có câu chuyện cụ thể về tăng trưởng, đầu tư khi có niềm tin rõ ràng vào doanh nghiệp và niềm tin về sức tăng trưởng bền vững của nền kinh tế. Các yếu tố nội tại tích cực được coi là lực đỡ cho thị trường trong thời gian tới.

Nguồn: Báo Tài Chính