Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) vừa công bố báo cáo tài chính năm 2020.
Theo đó, doanh thu từ bán hàng và cung cấp dịch vụ của SJC năm 2020 đạt 23.491 tỉ đồng, chạm mốc 1 tỉ USD, tăng tới 26% so với cùng kỳ. Công ty SJC là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước trực thuộc UBND TP HCM, là doanh nghiệp duy nhất được cấp phép sản xuất, gia công vàng miếng SJC - thương hiệu vàng quốc gia.
Doanh thu của công ty SJC tăng cao kỷ lục trong năm ngoái khi có thời điểm giá vàng miếng lập đỉnh lịch sử vượt 62 triệu đồng/lượng vào tháng 8-2020. Trong năm ngoái, giá vàng SJC đã tăng từ 42,5 triệu đồng/lượng lên mức kỷ lục khi hơn 62 triệu đồng/lượng, trước khi dừng ở mức 56,1 triệu đồng/lượng tính đến cuối năm 2020. Chỉ tính trong năm ngoái, giá vàng đã tăng 32%.
Dù vậy, bất chấp mức doanh thu cao kỷ lục với phần đóng góp lớn về doanh số từ vàng miếng, tổng lợi nhuận trước thuế của công ty SJC chỉ hơn 74,7 tỉ đồng, tăng 10,4% so với năm trước. Lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp vỏn vẹn ở mức 55,7 tỉ đồng.
Theo một số chuyên gia, vàng miếng vốn là sản phẩm có biên lợi nhuận mỏng. Như tại công ty SJC, doanh thu năm 2020 đạt 23.491 tỉ đồng nhưng giá vốn cũng hơn 23.232 tỉ đồng.
Tại Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ), năm 2020 doanh thu thuần của doanh nghiệp này đạt 17.510 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế hơn 1.345 tỉ đồng.
Năm 2021, doanh nghiệp vàng này đạt mục tiêu tăng trưởng doanh thu xấp xỉ 1 tỉ USD, ở mức 21.005 tỉ đồng tăng 20% so với năm trước. Chỉ tính trong quý I-2021, doanh thu của PNJ ước tính vượt 7.000 tỉ đồng, mức cao nhất trong lịch sử doanh nghiệp này.
Tại đại hội cổ đông thường niên 2021 của PNJ, lãnh đạo PNJ cho biết doanh thu tăng nhưng lợi nhuận không tăng tương xứng do doanh số vàng miếng tăng vọt trong quý đầu năm (dịp Thần Tài) nhưng vàng miếng không phải là sản phẩm có biên lợi nhuận cao.
Ngày 29-4, giá vàng SJC được các doanh nghiệp niêm yết mua vào 55,45 triệu đồng/lượng, bán ra 55,8 triệu đồng/lượng, tăng 150.000 đồng mỗi lượng so với hôm qua.