Giấu vợ 200.000 đồng/ngày lập “quỹ đen”, ông chồng 8x “cứu đói” cả nhà khi mất việc

Kết hôn với nhau từ năm 2016, anh Tuấn (SN 1987, quê ở Bắc Giang) và chị Hương (SN 1991, quê ở Hải Dương) đều chọn Hà Nội làm nơi lập nghiệp. Thời điểm đó, chị Hương làm lễ tân tại một nhà hàng ở Cầu Giấy còn anh Tuấn làm tài xế taxi.

“Lương của vợ tôi khoảng 5-7 triệu đồng/tháng. Tôi thì đi làm được khoảng 500-700.000 đồng/ngày. Hai vợ chồng thuê trọ ở khu vực Cầu Giấy với giá 2,5 triệu đồng/tháng. Tiền làm được ngày nào tôi đưa hết cho vợ ngày đó”, anh Tuấn kể.

Tổng thu nhập của 2 vợ chồng vào khoảng 20-25 triệu đồng/tháng nhưng sau một thời gian, anh nhận ra vợ mình có tính tiêu hoang, thích ăn ngon, mặc đẹp. Từ quần áo đến các vật dụng trong nhà vợ anh đều mua sắm vô tội vạ, thế nên tháng nào cũng hết tiền.

“Nhà tôi nghèo nên trước khi lấy vợ, tôi ăn uống, chi tiêu rất tiết kiệm. Cố gắng chắt bóp để mua được chiếc xe trả góp, gắn mào chạy taxi theo dạng thương quyền, mỗi tháng vẫn phải trả hơn 5 triệu đồng trả góp. Vợ tôi thì ngược lại, quần áo, mỹ phẩm, váy, nước hoa, giày dép cứ hứng lên là mua”, anh Tuấn kể.

Giấu vợ 200.000 đồng/ngày lập “quỹ đen”, ông chồng 8x “cứu đói” cả nhà khi mất việc - 1

Vì vợ chi tiêu hoang phí nên anh Tuấn đã âm thầm giữ "quỹ đen". (Ảnh minh họa).

Nhiều lần anh Tuấn góp ý với vợ việc chi tiêu nhưng thói quen mua sắm của chị Hương vẫn không thay đổi. Đến khi chị Hương mang bầu và sinh con vào năm 2017, anh Tuấn quyết định mỗi ngày sẽ phải giữ lại một khoản nhỏ để phòng khi con ốm đau hoặc có việc đột xuất.

Chị Hương sinh con xong thì nghỉ việc luôn ở nhà, trông con và thu xếp việc cơm nước. Anh Tuấn lái taxi đều đặn đưa cho vợ từ 500-700.000 đồng/ngày, còn lại cất riêng vào “quỹ đen”.

“Có những ngày lễ, tết, Noel hay Tết Trung thu, tôi chạy cả ngày đến 1-2 giờ sáng mới hết khách, được 1,3-1,8 triệu đồng/ngày, thậm chí có ngày được hơn 2 triệu nhưng tôi cũng chỉ đưa vợ nhiều nhất là 1 triệu đồng. Số tiền tích cóp được tôi nhờ chị gái ở trọ bên cạnh giữ hộ mà không tiêu cho bản thân đồng nào”, anh Tuấn nói.

Mỗi ngày giấu vợ để lập “quỹ đen” ít nhất 200.000 đồng, mỗi tháng, anh Tuấn cũng tiết kiệm riêng ra một khoản từ 8-10 triệu đồng. Nhờ vậy, sau 3 năm, anh tích cóp được khoảng 300 triệu đồng.

Anh cùng chị gái góp mỗi người 200 triệu để mua chung một mảnh đất ở quận Hoài Đức (Hà Nội), số tiền còn lại anh gửi tiết kiệm ngân hàng. Hàng tháng, vợ anh gần như vẫn không để ra được đồng nào để tích lũy.

"Bản thân tôi vừa muốn vợ được vui vẻ, thoải mái chi tiêu và được giữ tiền trong gia đình nhưng cũng muốn lo cho tương lai và đề phòng bất trắc. Vì vậy mới lập quỹ đen chứ không phải dùng tiền đó vào mục đích không chính đáng”, anh Tuấn bày tỏ.

Giấu vợ 200.000 đồng/ngày lập “quỹ đen”, ông chồng 8x “cứu đói” cả nhà khi mất việc - 2

Lập quỹ đen để đề phòng bất trắc, anh Tuấn đã giúp vợ điều chỉnh lại cách chi tiêu của mình.

Tháng 3/2020, khi dịch Covid-19 bùng phát, thu nhập của anh bắt đầu giảm sút. Số tiền thu về hàng ngày vì thế cũng ít đi. Hàng ngày, làm ra được bao nhiêu anh đưa hết cho vợ nhưng cũng chỉ được từ 200-400.000 đồng/ngày.

Tổng thu nhập sau khi trừ tiền đóng cho công ty, tiền nhà trọ thì chỉ còn lại không đủ để chi tiêu sinh hoạt. Vợ anh hiểu tình hình dịch bệnh khó khăn nên cũng cố gắng tiết kiệm hơn.

Dịch bệnh kéo dài, có tháng taxi cũng bị cấm không được hoạt động, anh Tuấn mất việc làm. Trong khi đó, tiền nhà trọ và đủ các khoản chi tiêu trong gia đình đều phải dùng đến tiền đã khiến chị Hương hiểu ra được cách chi tiêu của chính mình có vấn đề.

“Khi hết tiền tôi lại nhờ chị gái rút tiền tiết kiệm của tôi gửi từ trước và đưa cho vợ tôi rồi nói là tiền vay của chị để vợ tôi sẽ thay đổi. Tôi chỉ mong qua đợt này, 2 vợ chồng hiểu nhau hơn, cùng nhau cố gắng tiết kiệm, tích lũy khi còn trẻ, khỏe để khi khó khăn ập đến mình sẽ chủ động vì đã có khoản dự phòng”, anh Tuấn bộc bạch.

Cũng may, nhờ có khoản “quỹ đen” của ông chồng biết lo xa là anh Tuấn mà gia đình anh đã không phải lâm vào cảnh nợ nần, khó khăn khi dịch bệnh Covid-19 ập đến. Ngoài ra, anh còn có mảnh đất để đầu tư dài hạn sau này.

Do vậy, nếu quỹ đen có được từ chính bản thân, từ bàn tay lao động và sự nỗ lực của chính bạn để giúp bạn xoay xở một cách dễ dàng hơn khi xảy ra những việc cấp bách, dùng đúng lúc cần dùng cũng là điều nên làm.

Nguồn: 24h.com.vn