Hàng chục tỷ đồng vốn nhà nước tại CFC bị mất, ai chịu trách nhiệm?

Chỉ trong một ngày (31/08/2010) ông Bùi Hồng Minh- TGĐ CFC (thời điểm đó) đã có thể ký hợp đồng tín dụng cho Công ty CP Med Aid Công Minh vay 80 tỷ đồng.

Công ty cổ phần tài chính xi măng (CFC) trước khi tái cơ cấu (năm 2015) để chuyển thành Công ty Cổ phần tài chính Tín Việt thì có một thời gian dài kinh doanh thua lỗ, xảy ra nhiều rủi ro tài chính, làm mất vốn hàng chục tỷ đồng từ những khoản nợ xấu.

Đáng nói, trong quá trình cho vay, CFC có dấu hiệu của việc làm trái nguyên tắc trong hoạt động thẩm định, cho vay tài chính …

Chỉ trong một ngày (31/08/2010) ông Bùi Hồng Minh- TGĐ CFC (thời điểm đó) đã có thể ký hợp đồng tín dụng cho Công ty CP Med Aid Công Minh vay 80 tỷ đồng. Ảnh minh họa

Quyết cho vay 80 tỷ đồng một cách “thần tốc”

Ngày 29/05/2008, CFC được thành lập và có vốn điều lệ 300 tỷ đồng. Trong đó, Tổng công ty xi măng Việt nam (VICEM) là cổ đông sáng lập góp 120 tỷ đồng (40% vốn điều lệ). Đến năm 2010, CFC tăng vốn lên xấp xỉ 605 tỷ đồng,VICEM cũng góp vốn tăng lên 240 tỷ đồng. Theo giấy phép thành lập và hoạt động thì CFC được phép: huy động vốn, cho vay, cấp tín dụng, mở tài khoản….

Năm 2009, Công ty CP Med Aid Công Minh thành lập. CFC cũng tham gia góp vốn 2,15 tỷ đồng và là cổ đông sáng lập của Công ty CP Med Aid Công Minh.

Ngày 31/08/2010, CFC ký hợp đồng cho Công ty CP Med Aid Công Minh vay 80 tỷ đồng. Cụ thể, theo Hợp đồng hạn mức tín dụng số 24/2010/TDH/CFC-MCM thì CFC cho Công ty CP Med Aid Công Minh vay 80 tỷ đồng. Mục đích vay của Công ty CP Med Aid Công Minh là để thực hiện dự án Trung tâm ung bướu và y khoa hạt nhân, Bệnh viện nhân dân 115, Thành phố hồ Chí Minh. Ngành nghề kinh doanh chính của Công ty CP Med Aid Công Minh là buôn bán trang thiết bị y tế…

Tại mục “căn cứ” cho vay trong Hợp đồng hạn mức tín dụng số 24/2010/TDH/CFC-MCM nêu rõ: ngày 31/08/2010 Công ty CP Med Aid Công Minh có giấy đề nghị vay vốn và giấy đề nghị cấp bảo lãnh. Không hiểu bằng cách thẩm định “thần tốc” thế nào mà chỉ trong một ngày (31/08/2010) ông Bùi Hồng Minh- TGĐ CFC (thời điểm đó) đã có thể ký hợp đồng tín dụng cho Công ty CP Med Aid Công Minh vay 80 tỷ đồng.

Theo thông tin phóng viên có được, ngày 31/08/2010 Công ty Cổ phần Med Aid Công Minh mới có đơn đề nghị CFC cho vay vốn, nhưng trước đó một ngày (30/08/2010), ông Bùi Hồng Minh- Tổng Giám đốc CFC đã phê duyệt “báo cáo thẩm định vốn vay” cho khoản vay 80 tỷ đồng của Công ty Cổ phần Med Aid Công Minh!

Đáng lưu ý hơn, sau khi số tiền 80 tỷ đồng của CFC được giải ngân vào tài khoản Công ty CP Med Aid Công Minh thì cũng xảy ra ngay việc “lột xác lãnh đạo” tại Công ty Cổ phần Med Aid Công Minh.

Cụ thể, ông Vũ Trung Thuận về giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Med Aid Công Minh, ông Nguyễn Văn Đôngvề giữ chức vụ Tổng giám đốc Công ty CP Med Aid Công Minh. Theo một số nguồn tin, thì 2 người này có quan hệ người nhà thân thiết với ông Bùi Hồng Minh

Nợ khó đòi, mất vốn cả chục tỷ đồng

Công ty CP Med Aid Công Minh dù nhận được 80 tỷ đồng tiền vay của CFC “một cách dễ dàng” nhưng kinh doanh liên tục thua lỗ. CFC không thu được đồng tiền nào từ việc chia cổ tức (do góp vốn thành lập Công ty CP Med Aid Công Minh) mà ngay cả khoản cho vay 80 tỷ đồng CFC cũng “ngậm đắng nuốt cay” khi con nợ là Công ty CP Med Aid Công Minh nhiều năm liền không trả được tiền gốc và lãi vay.

Đến cuối năm 2015, khoản nợ của Công ty CP Med Aid Công Minh đã lên tới gần 94 tỷ đồng và bị liệt vào nhóm “nợ xấu”. Sau đó, CFC bánkhoản nợ này cho Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam với giá 80 tỷ đồng (CFC thiệt hại gần 14 tỷ đồng).

Tuy nhiên, theo Hợp đồng mua bán nợ giữa CFC (bên bán) và Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (bên mua) thì CFC không nhận được 80 tỷ đồng tiền mặt mà nhận bằng trái phiếu (tương ứng 80 tỷ đồng) của Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam. Trong hợp đồng này còn có điều khoản bất lợi cho CFC ở chỗ “CFC trả lại trái phiếu cho Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam và nhận lại khoản nợ trên trong trường hợp Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam đơn phương chấm dứt hợp đồng”. Được biết, tới nay Công ty CP Med Aid Công Minh vẫn chưa trả được khoản nợ nêu trên và thực tế đây vẫn là “khoản nợ khó đòi” mà CFC luôn phải sẵn sàng nhận lại.

Được biết, sau khi rời ghế lãnh đạo của CFC, ông Bùi Hồng Minh chuyển công tác và giữ vị trí lãnh đạo của VICEM.

Nguồn: https://giaoduc.net.vn/tieu-diem/hang-chuc-ty-dong-von-nha-nuoc-tai-cfc-bi-mat-ai-chiu-trach-nhiem-post225041.gd