Hậu WeFit, vốn vẫn đổ vào start-up công nghệ Việt

.

Start-up Việt vẫn thu hút vốn “khủng”, bất chấp Covid-19

Ba start-up Việt là JobsGo (cung cấp nền tảng tuyển dụng trực tuyến), WindSoft Việt Nam (cung cấp giải pháp phần mềm và ứng dụng cho quản trị doanh nghiệp) và EcomEasy (chuyên về giải pháp tiếp thị và bán hàng trên các kênh thương mại điện tử) sẽ nhận 200.000 - 500.000 USD vốn đầu tư từ Quỹ Viet Valley Ventures.

“Thương vụ chốt nhanh nhất chỉ trong vòng 1 tuần, chậm nhất cũng chỉ 3 tháng, không phụ thuộc vào tác động của Covid-19”, ông Nguyễn Khánh Trình, nhà sáng lập Viet Valley Ventures tiết lộ.

Ngoài 3 start-up trên, ngay khi Covid-19 vừa lắng xuống, hàng loạt start-up khác đã nhận được nguồn vốn đầu tư lớn.

Điển hình là, tháng 4/2020, NextTech Group và Quỹ đầu tư khởi nghiệp Next100.tech đã hoàn tất 2 thương vụ, đầu tư gần 10 tỷ đồng vào nền tảng tuyển dụng nhân sự TopCV và 500.000 USD vào Chatbot.

Hay như JobHopin (kết nối người tìm việc và doanh nghiệp) cũng vừa nhận được 2,45 triệu USD. Trước đó, cũng trong lĩnh vực này, Quỹ Affirma Capital đã chấp thuận đầu tư 34 triệu USD vào Công ty tuyển dụng trực tuyến Việt Nam Transcendental Human Resources JSC (Siêu Việt).

Còn Sapo vừa hoàn tất vòng gọi vốn và nhận hàng triệu USD từ Quỹ Smilegate Investment (Hàn Quốc) và Quỹ Teko Ventures (Việt Nam).

Nhưng “thắng lớn” nhất vẫn là các start-up công nghệ trong lĩnh vực y tế, dược phẩm. Mới đây nhất, BuyMed (start-up Việt vận hành sàn phân phối thuốc Thuocsi.vn) đã gọi được 2,5 triệu USD trong vòng gọi vốn pre-Series A. Trước đó, eDoctor được rót vốn 1,2 triệu USD từ 4 quỹ đầu tư CyberAgent Capital, Genesia Ventures, Bon Angels và Nextrans. Start-up y tế Doctor Anywhere cũng công bố gọi vốn thành công 27 triệu USD; Pharmacity gọi vốn thành công gần 32 triệu USD (khoảng 730 tỷ đồng) trong vòng Series C…

Tính ra, từ đầu năm 2020 đến nay, có hàng chục start-up Việt nhận được vốn, với số vốn rất lớn. Đó là một tín hiệu tích cực, là cú huých cho thị trường.

Giải mã việc đổ vốn vào start-up Việt

Việc tiếp tục được rót vốn, không bị ảnh hưởng bởi Covid-19 nằm ở chính bản thân các start-up. Thực tế, những start-up nào có sản phẩm tốt vẫn thu hút sự chú ý của nhà đầu tư.

“Quan điểm của chúng tôi là không đầu tư vào các start-up quá mới, bởi quá mới rất dễ chết. Chúng tôi cũng không đầu tư vào những mô hình đốt tiền”, ông Nguyễn Khánh Trình nói.

Còn ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch NextTech thì cho biết, lý do đầu tư vào Chatbot, TopCV và các start-up khác bởi các doanh nghiệp này đảm bảo đủ 3 triết lý đầu tư là “ngon - bổ - rẻ”. Trong đó, “ngon” thể hiện ở khía cạnh doanh nghiệp có mô hình kinh doanh rõ ràng, lành mạnh, có dòng tiền và lợi nhuận. “Bổ” là những giá trị của công ty khởi nghiệp này đem lại phù hợp, tương hỗ với hệ sinh thái của NextTech. Còn yếu tố “rẻ” là việc nhà sáng lập biết mình đang ở đâu, tránh tình trạng đưa ra mức giá trên trời, phi thực tế.

“Nhà sáng lập có năng lực, nhiệt huyết sẽ là một trong những yếu tố chính thu hút Next100.tech đầu tư trong hoàn cảnh hiện nay”, ông Bình nói.

Ở góc độ start-up nhận vốn, ông Lê Anh Tiến - CEO Chatbot Việt Nam cho biết, trong bối cảnh Covid-19 mà start-up đưa ra được các sản phẩm mới phù hợp, giải quyết những bài toán của thị trường, thì sẽ dễ được nhà đầu tư sẵn sàng cấp vốn.

Các start-up cũng chia sẻ rằng, muốn nhanh thì hãy tiếp cận các quỹ, nhà đầu tư trong nước bởi thủ tục đơn giản hơn, giải quyết nhanh chóng hơn và nhà đầu tư trong nước có lợi thế am hiểu con người, thị trường và mối liên kết hệ sinh thái tốt hơn. Tuy nhiên, nếu muốn có nguồn vốn gấp, start-up cũng cần chấp nhận các định giá thấp và tiêu chí đầu tư thấp hơn so với kỳ vọng để nhanh chóng giữ vững hoạt động kinh doanh.

Cơ hội vẫn còn rất lớn cho các start-up. Ông Tùng Trần, Giám đốc điều hành VIC Partners cho biết: “Chúng tôi đang tìm kiếm các doanh nghiệp chuyên về mảng giáo dục và dịch vụ, những người bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19 và đầu tư vào họ, giúp họ sống sót qua khủng hoảng và vực dậy mạnh mẽ hơn. Nằm trong tầm ngắm sẽ là các start-up cung cấp giải pháp hiệu quả cho duy nhất một vấn đề lớn và chủ chốt, đặc biệt là vấn đề gây ra bởi dịch Covid-19; các nhà sáng lập với thâm niên ấn tượng và độ am hiểu về thị trường, có mô hình doanh nghiệp vừa phải và bền vững…”.

Tương tự, ông Kenneth Tan, Phó chủ tịch phụ trách đầu tư của Gobi Partners tiết lộ: “Chúng tôi đang tìm kiếm các start-up ứng dụng công nghệ vào mô hình kinh doanh, thuộc các lĩnh vực như thương mại điện tử, logistics, công nghệ tài chính, trí tuệ nhân tạo...

Theo báo cáo đầu tư công nghệ gần đây nhất của Cento Ventures, năm 2019, các start-up Việt Nam thu hút 741 triệu USD, tương đương 18% tổng số vốn đổ vào khu vực Đông Nam Á trong năm. Con số này tăng vọt so với năm 2018 với mức 287 triệu USD - tương đương 4% tổng vốn rót vào start-up khu vực.


Nguồn: Báo Đầu Tư