Theo phóng viên TTXVN tại New York, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 16/6 đã thảo luận mở thường niên về vấn đề thủ tục và phương pháp làm việc nhằm mục đích đánh giá lại hoạt động và trao đổi định hướng nhằm cải thiện hiệu quả hoạt động của cơ quan này.
Kể từ giữa tháng 3/2020 cho tới nay khi đại dịch COVID-19 bùng phát tại New York, hầu hết các hoạt động họp và thương lượng của Hội đồng Bảo an được tiến hành trực tuyến, việc bỏ phiếu các nghị quyết được tiến hành bằng văn bản thay vì giơ tay bỏ phiếu trực tiếp, các văn kiện khác được thông qua nếu không có nước nào phản đối trước thời hạn đặt ra.
Một số lượng hạn chế các cuộc họp được tổ chức trực tiếp nhưng liên tục gặp khó khăn do diễn biến đại dịch phức tạp tại New York, nhiều cán bộ các Phái đoàn thành viên Hội đồng Bảo an cũng bị nhiễm COVID-19.
Đến tháng 6/2021 hiện nay, trên cơ sở tình hình phòng, chống đại dịch đạt nhiều tiến bộ, Hội đồng Bảo an đã quyết định tiến hành đa số các cuộc họp trực tiếp tại Trụ sở Liên hợp quốc với các biện pháp phòng chống phù hợp với hướng dẫn của sở tại.
Tại cuộc họp, Đại sứ Trưởng Phái đoàn Saint Vincent & Greandines với tư cách Chủ tịch Nhóm làm việc của Hội đồng Bảo an về thủ tục và phương pháp làm việc cùng hai chuyên gia trong lĩnh vực này là tác giả cuốn sách “Thủ tục Hội đồng Bảo an” Lorraine Sievers và Giám đốc Điều hành của Tổ chức Security Council Report Karin Landgren đã được mời đánh giá tình hình hoạt động của Hội đồng Bảo an trong hơn một năm vừa qua.
Các đại biểu đều ghi nhận khả năng thích ứng rất nhanh của Hội đồng Bảo an trước tác động của COVID-19 khi là cơ quan Liên hợp quốc đầu tiên nối lại hoạt động bằng hình thức trực tuyến chỉ hơn một tuần sau khi Chính quyền bang New York quyết định “đóng cửa.”
Các thành viên Hội đồng Bảo an đã nhanh chóng thương lượng và nhất trí một bộ thủ tục và phương pháp làm việc tạm thời để tiếp tục công việc, trong đó đáng chú ý là nhằm duy trì hoạt động của các Phái bộ gìn giữ hòa bình ở nhiều nơi trên thế giới.
Không chỉ thế, các thành viên tiếp tục có nỗ lực thực hiện các cam kết về thủ tục và phương pháp làm việc nhằm tăng cường tính minh bạch và hiệu quả trong hoạt động.
Vai trò Chủ tịch luân phiên Hội đồng Bảo an được đánh giá cao trong việc điều phối hoạt động của Hội đồng Bảo an một cách hiệu quả trong mỗi tháng.
Một số ý kiến cho rằng Hội đồng Bảo an cần tận dụng cơ hội này để thông qua một bộ thủ tục cho hoạt động trực tuyến, tận dụng công nghệ số để tăng cường khả năng thích ứng của mình trước những những tình huống bất trắc như COVID-19, hoặc cũng có thể là để tăng cường sự trao đổi trực tiếp giữa Lãnh đạo Cấp cao các nước khi không phải tất cả đều có điều kiện tới họp trực tiếp tại New York.
Các đại biểu cũng chỉ ra khó khăn của Hội đồng Bảo an khi không thể thăm thực địa các khu vực bất ổn để nắm bắt tình hình cũng như thúc đẩy các nỗ lực ngoại giao nhằm ngăn ngừa và giải quyết xung đột.
Với tư cách điều phối viên của các nước thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an (E10) trong tháng 6/2021, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Kenya đã đọc phát biểu chung của các nước E10 gồm Ireland, Ấn Độ, Estonia, Kenya, Mexico, Na Uy, Niger, Saint Vincent & Grenadines, Tunisia và Việt Nam.
Phát biểu nhấn mạnh cam kết của các nước E10 trong việc duy trì hoạt động minh bạch, hiệu quả cũng như bảo đảm tính thích ứng của Hội đồng Bảo an trong mọi trường hợp, nhằm mục tiêu thực hiện tốt nhất nhiệm vụ duy trì hòa bình và an ninh mà Hiến chương Liên hợp quốc giao phó.
Các nước E10 nhấn mạnh Hội đồng Bảo an cần liên tục quan tâm cải thiện phương pháp làm việc, tăng cường sự tham gia của các nước thành viên không thường trực nhằm tận dụng tối đa những đóng góp quan trọng của các nước này trong 2 năm nhiệm kỳ.
Phát biểu cũng nhấn mạnh nhu cầu cần cải thiện hiệu quả hoạt động của các cơ quan trực thuộc của Hội đồng Bảo an cũng như nhu cầu thúc đẩy các nỗ lực cải tổ Hội đồng Bảo an nói chung./.