Hiệu quả trồng hoa trái vụ ở phường Đông Cương, TP Thanh Hóa

Hiệu quả trồng hoa trái vụ ở phường Đông Cương, TP Thanh Hóa

Để đáp ứng nhu cầu thị trường, những năm gần đây, người dân phường Đông Cương (TP Thanh Hóa) đã mạnh dạn triển khai mô hình trồng hoa trái vụ, mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao thu nhập.

Diện tích trồng hoa cúc trái vụ của gia đình anh Lê Văn Quân, khu phố 4, phường Đông Cương (TP Thanh Hóa).

Những ngày đầu tháng 7, các cánh đồng hoa cúc ở phường Đông Cương đang thời điểm chớm nụ. Những năm trước đây, trên địa bàn phường, phần lớn người dân chỉ trồng rau màu và cây lúa, các loại hoa chỉ được trồng vào thời điểm tết đến, xuân về. Tuy nhiên, thời điểm nhiều giống hoa như cúc, đồng tiền, lay ơn,... được một số người dân tiên phong đưa từ Đà Lạt về trồng trái vụ, mang lại hiệu quả kinh tế cao thì nhiều hộ dân đã mạnh dạn chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng hoa. Hiện nay, hoa được trồng quanh năm, tập trung ở các phố 1, 2, 4, 5, 6,... nhiều hộ có diện tích trồng lớn, gần 1 ha. Không còn cảnh đem hoa lên chợ bán lẻ, nhiều thương lái đã về trực tiếp thu mua hoa và mang đi tiêu thụ ở thị trường trong và ngoài tỉnh. Gia đình anh Lê Văn Quân ở khu phố 4 đã gắn bó với nghề trồng hoa gần 10 năm. Trước kia, anh chỉ chuyên canh các loại hoa hồng, vào thời điểm chính vụ mới trồng các loại hoa cúc, hoa ly để phục vụ nhu cầu của thị trường mỗi dịp tết. Tuy nhiên, những năm gần đây, anh Quân đã mạnh dạn tìm hiểu kỹ thuật chăm sóc và đầu tư trồng hoa cúc trái vụ. Theo anh: “Trồng hoa trái vụ mang lại hiệu quả kinh tế cao, thị trường tiêu thụ nhiều nhất là vào các ngày lễ, rằm... Tuy nhiên, việc trồng hoa trái vụ gặp nhiều khó khăn. Khả năng chịu nắng của hoa cúc kém nên cần phải có nhà lưới che chắn, tránh để hoa tiếp xúc trực tiếp với cái nắng nóng 39 - 40oC của mùa hè”. Để có được bông hoa đẹp, đòi hỏi kỹ thuật chăm sóc bộ lá rất quan trọng, nhất là không bón nhiều đạm mà chủ yếu áp dụng phương pháp phun qua lá và sử dụng phân vi sinh. Trồng hoa cúc dễ nhưng phải mất nhiều công chăm sóc. Hoa cúc là loại cây ưa đất thịt nhẹ, tơi xốp, nên hệ thống tưới tiêu phải thuận lợi vì nếu ngập úng hoa cúc sẽ bị chết”. Để nâng cao năng suất và chất lượng hoa trồng trái vụ, anh đã đầu tư xây dựng nhà lưới để che nắng, chi phí đầu tư 10 triệu đồng/sào. Cũng theo anh Quân: Hiện nay, trên địa bàn phường, có rất nhiều gia đình trồng hoa trái vụ đã đầu tư xây dựng nhà lưới, nhà bóng vì lớp lưới đen có tác dụng hạn chế ánh sáng, còn lớp nilon màu trắng để ngăn mưa và hạn chế côn trùng bên ngoài xâm nhập vào. Tuy nhiên, phương pháp này đòi hỏi hộ gia đình có kinh phí lớn và mặt bằng sản xuất. Vụ hè thu này, anh trồng 20 vạn cây cúc vàng trên diện tích 3 sào. Thời điểm hiện tại, do thị trường khan hiếm nên thương lái đến tận vườn thu mua với giá 3.000 - 3.500 đồng/bông; sau khi trừ chi phí, anh thu lãi gần 50 triệu đồng.

Tại phường Đông Cương, nhiều người dân nhờ trồng hoa mà cuộc sống trở nên khá giả. Thời gian qua, UBND phường đã khuyến khích, động viên người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế trên diện tích đất canh tác. Anh Lê Đỗ Toàn, Phó Chủ tịch UBND phường Đông Cương, cho biết: “Hiện nay, trên địa bàn phường có gần 200 hộ trồng hoa, với tổng diện tích gần 100 ha, thu nhập ổn định từ 500 đến 550 triệu đồng/hộ/năm. Một số hộ có diện tích trồng lớn như gia đình các ông Nguyễn Đức Hiệu, Trần Đình Thanh, Nguyễn Đức Lý... Bên cạnh đó, một số hộ vừa trồng hoa vừa cung cấp giống có chất lượng cho người dân. Không những tạo nguồn thu nhập, trồng hoa trái vụ còn tạo việc làm cho nhiều lao động, giúp họ có thêm nguồn thu nhập, từng bước cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống. Để hỗ trợ người dân trong sản xuất, 6 tháng đầu năm 2019, UBND phường đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh và Hội Nông dân phường Đông Cương tổ chức 2 lớp tập huấn, hỗ trợ kỹ thuật trồng hoa.

Bài và ảnh: Lê Ngọc

Nguồn: Báo Thanh Hóa