TBKTSG đã ghi nhận một số ý kiến của chuyên gia và nhà doanh nghiệp xung quanh tình hình phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ở TPHCM.
Ông Lê Thành Nguyên, Giám đốc Vườn ươm Khu Công nghệ cao TPHCM, (SHTP-IC):
- Có thể nói hệ sinh thái khởi nghiệp đang dần hình thành đầy đủ các cấu phần cần thiết. Nhưng để hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp hiệu quả hơn, tôi thấy cần có sự lưu tâm nhiều hơn ở một số khía cạnh.
Thực tế cho thấy nguồn vốn dành cho startup trong giai đoạn “baby” vẫn hiếm. Đây là những đồng vốn cần thiết cho việc thử nghiệm sản phẩm. Thế nhưng có nhiều startup đã phải chết yểu từ trước khi ra được sản phẩm mẫu để chào bán, cũng vì thiếu vốn. Kinh nghiệm từ các hệ sinh thái thành công trên thế giới cho thấy cần phát huy vai trò của nhà đầu tư cá nhân, nhà đầu tư thiên thần ở giai đoạn đầu của các startup.
Bên cạnh đó, mối quan hệ giữa các doanh nghiệp lớn và các startup chưa được khăng khít. Khi các doanh nghiệp lớn cùng thực hiện dự án khởi nghiệp với các startup thì không chỉ là quan hệ cố vấn một chiều mà ở chiều tương trợ ngược lại, các startup có thể giúp các doanh nghiệp lớn nâng cao năng lực.
Ngoài ra, các hoạt động KNĐMST rất đa dạng. Thực tế là ngày càng có nhiều hơn các cuộc thi khởi nghiệp, các chương trình hội thảo, các khóa đào tạo nhưng lại thiếu nội dung thiết thực. Các đơn vị tổ chức cần phát huy hơn nữa những sở trường của mình để có thể cung cấp nhiều giá trị hơn cho startup”.
Ông Nguyễn Trung Khánh, CEO và đồng sáng lập startup Gannha.com:
- Câu chuyện về các startup thành công cứ nhan nhản trên các phương tiện truyền thông khiến nhiều bạn trẻ khởi nghiệp mà không lường trước những khó khăn có thể gặp phải nên không có sự chuẩn bị đầy đủ. Nhiều bạn nghĩ rằng mang ý tưởng kinh doanh đi thi khởi nghiệp là có thể hút được triệu đô từ nhà đầu tư nên chỉ tập trung vào kỹ năng thuyết trình mà không tập trung phát triển sản phẩm. Kiến thức kinh doanh mà họ có được từ nhà trường chưa đủ để áp dụng trong thực tế.
Đội ngũ Gannha.com cũng từng gặp rất nhiều khó khăn, kể cả có người trong nhóm đã bỏ đi. Khởi nghiệp từ trước năm 2016, chúng tôi đã trải qua một thời gian dài nợ tiền thuê nhà. Chi phí phát triển sản phẩm thì nhiều mà chúng tôi lại chưa có nguồn thu. Đã có lúc dự án Gannha.com muốn kêu gọi vốn nhưng rồi thôi, vì hiểu rằng mình chưa đủ trưởng thành để theo đuổi kế hoạch đã đặt ra theo đúng tiến độ. Sau đó, chúng tôi phải mất 9 tháng để gặp và thuyết phục các nhà đầu tư trước khi gọi vốn được 1 triệu đô la Mỹ.
Nếu startup không tham gia vào vườn ươm để được tư vấn và hỗ trợ thì sẽ có nhiều phần trăm thất bại vì thiếu kinh nghiệm quản lý dự án, quản lý nguồn tiền. Khi Gannha.com tham gia vào vườn ươm khởi nghiệp SHTP-IC, chúng tôi đã nhận được rất nhiều cơ hội, từ nguồn vốn đến các cơ hội cùng kinh doanh với các doanh nghiệp lớn. Hơn nữa, việc đào tạo của vườn ươm mang lại khả năng tương tác cao cho các startup vì tính chất của hoạt động mentor (cố vấn) giúp các startup có suy nghĩ độc lập và thực tế hơn.
Ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch Vinamit:
- Việt Nam là một nước nông nghiệp nhưng chúng ta lại chưa tận dụng được thế mạnh này. Hiện ngành nuôi trồng nông sản sạch khó thu hút các startup. Giá nông sản sạch hiện vẫn cao so với sức mua của người dân nên thói quen tiêu dùng của số đông vẫn là chuộng hàng giá rẻ. Và một khi chưa thay đổi được thói quen này thì chưa giải được bài toán đầu ra cho nông sản sạch. Các hiệp hội ngành nông nghiệp hiện nay cũng chưa đủ sức tạo đầu ra cho nông sản. Một số doanh nghiệp đưa sản phẩm của mình đi nước ngoài một phần cũng do nông sản sạch giá cao khó bán ở trong nước.
Do vậy, ngành nông nghiệp cần một định hướng chiến lược phát triển đúng đắn để đưa được nông sản sạch đến với người tiêu dùng. Nhà nước cần có những chương trình quảng bá hình ảnh nông sản, tạo lòng tin nơi người tiêu dùng và đẩy mạnh tiêu thụ. Lúc đó, các startup mới mạnh dạn nhảy vào thị trường. Thậm chí, các startup nếu tự tin, có thể tìm đường ra thị trường nước ngoài trước thông qua các sàn giao dịch điện tử để tạo tích lũy và tiếp tục tính toán con đường ở thị trường trong nước”.
Ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ:
- Với thực tế hoạt động khởi nghiệp ở TPHCM hiện nay, có thể nói hệ sinh thái KNĐMST đã phát triển tương đối toàn diện và năng động với số lượng doanh nghiệp đông đảo, thúc đẩy kinh doanh và cung cấp dịch vụ đa dạng. Một số doanh nghiệp lớn cũng tham gia hỗ trợ hoặc đầu tư.
TPHCM vẫn còn tiềm năng phát triển thêm một số nội dung hỗ trợ KNĐMST. Đó là phát huy hơn nữa vai trò của các khu công nghệ cao, các viện nghiên cứu phát triển, đồng thời, triển khai những chính sách đặc thù thúc đẩy các doanh nghiệp lớn tăng cường đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp. Với vai trò “đầu tàu”, việc TPHCM tổ chức các hoạt động chia sẻ, liên kết, thúc đẩy các địa phương lân cận phát triển KNĐMST sẽ là một trong những lực đẩy mạnh mẽ cho toàn khu vực phía Nam.
TPHCM là đầu tàu khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở phía Nam
Theo báo cáo của Sở Khoa học & Công nghệ TPHCM (1), hiện nay, trên địa bàn thành phố có 24 tổ chức hỗ trợ KNĐMST (cả Nhà nước lẫn tư nhân). Tổng diện tích mặt bằng hỗ trợ trên 24.000 mét vuông. Bên cạnh đó, tiềm lực phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ở thành phố còn có thể dựa trên khả năng kết nối mạng lưới 45 trường đại học, hơn 125 phòng thí nghiệm và 270 tổ chức khoa học công nghệ.
TPHCM cũng có sự thuận lợi trong hoạt động ươm tạo khởi nghiệp khi liên kết được với các doanh nghiệp lớn như Microsoft hay Bosch để hỗ trợ không gian thử nghiệm và sáng tạo cho các dự án.
Cho đến nay, ở TPHCM đã có gần 400 dự án KNĐMST được huấn luyện tiền khởi nghiệp và khởi nghiệp; hơn 160 dự án đã được chọn ươm tạo.
Riêng từ đầu năm 2019 đến nay đã có 115 dự án KNĐMST được tiếp nhận vào các chương trình ươm tạo của Nhà nước. Chương trình Hỗ trợ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp giai đoạn 2016-2020 của Sở Khoa Học & Công Nghệ TPHCM (Speedup) đã tiếp nhận 20 dự án và đang đề nghị ngân sách xem xét hỗ trợ một khoản kinh phí trên 30 tỉ đồng.
Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (SiHub) cũng đã ký kết hợp tác với các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp đến từ Hàn Quốc, Malaysia, Singapore, Đức, Đài Loan và Thái Lan để đưa startup Việt Nam ra thế giới trong chương trình “Runway To The World”. Có sáu nhóm khởi nghiệp tiêu biểu của TPHCM đã sang Singapore, Malaysia để ươm tạo và tìm kiếm thị trường. Nguồn vốn hoạt động KNĐMST đã kết nối được với các quỹ đầu tư IDG, Dragon Capital và Spring...
Ngoài ra, nhiều trường học cũng tham gia vào môi trường khởi nghiệp từ các hoạt động nghiên cứu khoa học theo định hướng STEM (Science Technology Education Mathematics).
(1) Báo cáo sơ kết, đánh giá kết quả triển khai Đề án Xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh (16-5-2019), mục Hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong cộng đồng.
Mỹ Huyền