Huấn luyện viên thể hình - nghề 'hot' nhưng không 'hời'

“Nếu có tiền, mình sẽ tập gym cùng PT” là câu trả lời của rất nhiều bạn trẻ đang tập luyện tại các phòng gym.

Điều đó không chỉ cho thấy đánh giá cao của người tập đối với công việc của một PT, mà còn phần nào thể hiện thu nhập cao của nghề này. Tuy nhiên, PT không hẳn là một nghề “hái” ra tiền với tất cả.

Chi phí dành cho PT cao hơn thu nhập bình quân đầu người

Không thể phủ nhận sức hút của nghề PT khi người Việt ngày càng quan tâm đến sức khỏe và sắc đẹp. Theo khảo sát của Nielsen và The Conference Board trong quý I/2019, 44% người được hỏi cho biết 1 trong 3 mối quan tâm hàng đầu của họ là sức khỏe. Ngoài các lĩnh vực như y tế hay bảo hiểm, thể hình cũng là một ngành được lợi từ xu hướng này.

Bên cạnh hình thức tự tìm hiểu và tập luyện, ngày càng nhiều người tìm đến PT - người hướng dẫn các bài tập và chế độ dinh dưỡng, đồng thời theo sát quá trình tập luyện của người tập.

“Tập luyện cùng PT sẽ tiết kiệm thời gian và công sức so với tự tìm hiểu, đồng thời kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm có sẵn giúp PT biết lên kế hoạch tập luyện phù hợp với mục đích của người tập hơn. Chưa kể một số PT còn hỗ trợ lên thực đơn và theo dõi các chỉ số cơ thể”, Thế Huy - một bạn trẻ đã tập gym hơn 2 năm đánh giá.

Chi phí một người Việt Nam dành ra để tập thể hình cùng PT thông thường đã cao hơn thu nhập bình quân. Ảnh: NShape Fitness.

Việt Nam hiện tại có nhiều loại hình PT tùy phương diện phân chia. Nếu PT thông thường phải trò chuyện, tư vấn trực tiếp cho người tập tại phòng gym thì PT trực tuyến chỉ cần giao tiếp với người tập thông qua các phương tiện mạng xã hội.

Phổ biến nhất là 2 hình thức PT tự do và PT của một phòng gym. “Nếu làm cố định thì sẽ có mức lương cơ bản đủ chi tiêu, có sẵn môi trường để tiếp cận khách hàng, đổi lại thường tốn nhiều thời gian hơn vì chia ca cố định theo phòng tập. Trong khi đó, PT tự do thoải mái kèm cặp người tập một cách chất lượng hơn, nhưng phải tự tìm kiếm khách hàng và môi trường dạy”, anh Thanh Tuấn - một PT 25 tuổi ở TP.HCM chia sẻ.

Theo ghi nhận của Zing.vn, chi phí luyện tập thể hình khoảng 500.000-700.000 đồng/tháng ở các phòng gym cơ bản hoặc 1-1,5 triệu đồng/tháng ở trung tâm lớn.

Tuy nhiên, nếu tập cùng PT, mức phí sẽ tăng lên thành 4-6 triệu đồng/tháng. Đối với các phòng tập cao cấp hoặc huấn luyện viên có chuyên môn, kinh nghiệm cao, chi phí có thể lên đến 8-10 triệu đồng. Thậm chí giới nghệ sỹ với nhu cầu tập luyện cao còn sẵn sàng bỏ ra vài trăm triệu đồng mỗi năm để duy trì vóc dáng.

Trong khi đó, Tổng cục thống kê ước tính thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam năm 2018 đạt 3,76 triệu đồng/tháng.

Như vậy, chi phí một người Việt Nam dành ra để tập thể hình cùng PT thông thường cao hơn thu nhập bình quân.

Nghề PT liệu có “hái ra tiền”?

“Một PT chỉ có thể hướng dẫn tối đa 6 khách hàng mỗi tháng, nhưng số lượng nhiều thế thì chưa chắc đã đảm bảo chất lượng. Trừ đi khoản phí hoa hồng chia cho phòng tập, tôi nghĩ rất hiếm PT nào đạt được thu nhập 20-30 triệu đồng/tháng”, anh Lê Nghĩa - chủ một phòng gym và cũng là PT chuyên nghiệp ở TP.HCM nhận định.

Đồng tình với quan điểm trên, anh Maik Berger - nhà sáng lập Mybody Health Club cũng cho biết, “thu nhập của PT phụ thuộc vào khả năng và số lượng khách hàng. Một số PT có nền tảng giáo dục và kinh nghiệm tốt dạy tại các câu lạc bộ cao cấp có thể kiếm được 5.000 USD/tháng, nhưng nhiều PT thậm chí chỉ thu về cỡ 5-8 triệu đồng/tháng”.

Nói cách khác, ngành PT có mức độ cạnh tranh rất cao, anh Thanh Tuấn nhận xét.

“Cái hay của nghề PT là ai cũng có thể làm được. Nhưng đó lại chính là một điểm bất lợi cho những PT chân chính. Một số PT hành nghề khi không có đủ kiến thức, chỉ tiếp nhận thông tin từ các nguồn không chính xác như YouTube hay truyền miệng, về lâu dài ảnh hưởng đến niềm tin của khách hàng vào giới PT nói chung”, Maik chia sẻ.

Ngành PT có mức độ cạnh tranh rất cao. Ảnh: Shutterstock.

Trao đổi với Zing.vn, anh Lê Nghĩa cũng nêu lên tình trạng “PT thương mại”, gắn với mô hình “phòng gym thương mại” - nơi các PT chỉ tập trung tìm kiếm khách hàng và thu lợi từ khách hàng mà không quan tâm nhiều đến sức khỏe và vóc dáng của người tập. Bộ phận này đã tác động không nhỏ đến cái nhìn của cộng đồng đối với những người hành nghề PT.

Theo Maik, ngoài chứng chỉ, bằng cấp huấn luyện và cái tâm với nghề, bản thân PT cũng phải tích cực chăm sóc sức khỏe và thể hình của chính mình. Đó là những yếu tố tiên quyết tạo nên thành công của một PT.

“Đối với tôi, người Việt Nam rất giàu năng lượng. Thể dục thể thao như một phần văn hóa, tiêu biểu như việc bắt đầu buổi sáng bằng các bài tập thể dục ở công viên. Nên tôi tin ngành công nghiệp thể hình ở Việt Nam sẽ còn phát triển nhiều hơn nữa”, Maik Berger nhận định.

Ngành công nghiệp thể hình ở Việt Nam được dự báo tăng trưởng bình quân 20% mỗi năm, đạt giá trị 113 triệu USD năm 2020, theo Statistics.

Lan Anh

Nguồn: Báo Zing