“Chúng tôi chưa biết khi nào sẽ triển khai việc này. Tôi hy vọng rằng việc ấy sẽ không xảy ra trong vòng sáu tháng đổ lại như lần này, vì tác dụng của liều thứ ba có thể sẽ kéo dài lâu hơn”, lãnh đạo cơ quan y tế Israel - Nachman Ash cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Radio 103FM.
Israel - quốc gia chủ yếu sử dụng vắc-xin Pfizer/BioNTech - đến nay đã tiêm liều ba cho khoảng 2,8 triệu người sau khi chiến dịch tiêm nhắc lại được triển khai vào đầu tháng Tám.
Khoảng 2,7 triệu người Israel đã tiêm hai mũi, 500.000 người đã tiêm một mũi và gần một triệu người chưa tiêm mũi nào.
Israel là quốc gia dẫn đầu thế giới về chiến dịch tiêm chủng. Tuy nhiên các quan chức y tế Israel cho biết tác dụng của những mũi tiêm ban đầu sẽ suy yếu sau 5 tháng kể từ khi bắt đầu tiêm, do đó cần phải tiêm mũi tăng cường.
Mỹ và Anh có kế hoạch tiêm mũi thứ ba vào cuối tháng này, trong khi châu Âu cũng đang xem xét liều tăng cường.
Các động thái này diễn ra trong bối cảnh Tổ chức Y tế Thế giới liên tục kêu gọi các nước hoãn tiêm mũi thứ ba ít nhất là đến cuối năm nay để các nước nghèo có thể tiếp cận vắc-xin.
Sự lây lan của biến thể Delta trong mùa hè đã khiến số ca mắc mới COVID-19 của Israel tăng mạnh. Tuy nhiên, nhờ tỉ lệ tiêm chủng cao, số ca bệnh nặng ở Israel vẫn duy trì ở mức thấp. Tỉ lệ số ca nặng trên 100.000 người chưa tiêm vắc-xin cao hơn nhiều so với nhóm những người đã tiêm đủ hai liều, theo ông Ash. Điều này cho thấy ngay cả khi tác dụng phai dần theo thời gian, thì vắc-xin vẫn đạt hiệu quả trong việc ngăn ngừa ca bệnh nặng.
Ông Nachman Ash cũng bác bỏ thông tin cho rằng Israel đã cam kết với Pfizer về việc chỉ sử dụng vắc-xin của tập đoàn này cho chiến dịch tiêm chủng mở rộng. Nhóm đối tượng trên 18 tuổi của nước này hiện đã bắt đầu được tiêm vắc-xin Moderna.
Nguồn Tienphong