Khó khăn bủa vây Apple ở Trung Quốc

Cuộc xung đột tại nhà máy iPhone ở Trịnh Châu đã làm lộ rõ tình trạng bất ổn trong chuỗi cung ứng của Apple.

Apple đang rất đau đầu vì ảnh hưởng của cuộc biểu tình tại nhà máy iPhone. Ảnh: Bloomberg.

Những ngày gần đây là khoảng thời gian khó khăn dành cho Apple khi căng thẳng tại nhà máy sản xuất iPhone trọng điểm tại Trịnh Châu, Trung Quốc leo thang.

Mới đây, nguồn tin từ Bloomberg cho biết hỗn loạn tại nhà máy đã khiến sản lượng của Apple giảm tới 6 triệu chiếc iPhone dòng Pro. Đến thời điểm hiện tại, tình hình tại các nhà máy iPhone vẫn rất khó đoán và sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến mức sản lượng trong thời gian tới.

Apple mất 6 triệu iPhone vì Trung Quốc

Mức độ thâm hụt sản lượng sẽ còn phụ thuộc vào tốc độ Foxconn mở cửa hoạt động trở lại và đưa công nhân quay lại sau cuộc biểu tình tuần trước. Nếu lệnh phong tỏa vẫn kéo dài trong nhiều tuần tới, việc sản xuất sẽ tiếp tục bị đình trệ, Bloomberg cho biết.

Công nhân tại nhà máy Foxconn biểu tình vì điều kiện sống thiếu thốn, lệnh giãn cách ngặt nghèo. Ảnh: AP.

Cùng lúc đó, nhà phân tích Dan Ives của Wedbush Securities cũng dự đoán rằng doanh số iPhone của Táo khuyết trong quý này sẽ giảm 5-10% vì ảnh hưởng hỗn loạn tại nhà máy Foxconn.

Trên thực tế, thời gian đợi hàng iPhone 14 Pro và 14 Pro Max ở Mỹ và Trung Quốc đã kéo dài lâu nhất từ trước đến nay, nhà phân tích David Vogt của UBS cho biết. Người dùng Mỹ sẽ phải đợi 34 ngày mới nhận được máy, còn thị trường Trung Quốc sẽ phải đợi đến 36 ngày.

Vogt còn nói rằng chỉ có 35-40% lượng iPhone trong dự đoán được sản xuất, gây ra tình trạng khan hàng trong quý IV và thậm chí tiếp diễn trong quý I/2023. Chuyên gia cho rằng Táo khuyết sẽ chỉ có thể sản xuất 83 triệu thiết bị vào quý đầu năm sau do “tắc nghẽn cung ứng gần đây”.

Những khó khăn đối với công nhân tại nhà máy Foxconn ở Trịnh Châu thời gian qua khiến nhiều người quyết định bỏ về quê. Trong khi đó, nhân công mới lại được thêm vào nhờ Foxconn hứa trả lương cao, đãi ngộ tốt nhưng cuối cùng cũng phản kháng vì bị nợ lương và điều kiện sống khắc nghiệt.

Thế kẹt của Apple

Hiện, nhà máy sản xuất iPhone của Foxconn ở Trịnh Châu là nhà máy lớn nhất của hãng, với 200.000 công nhân chịu trách nhiệm sản xuất 45% sản phẩm cho Apple. Cơ sở này đang chịu trách nhiệm sản xuất phần lớn dòng iPhone 14, lên đến 80% số lượng.

Vì vậy, cuộc xung đột xảy ra tại nhà máy này đồng nghĩa với việc chuỗi sản xuất của Apple sẽ bị gián đoạn. Tập đoàn công nghệ đã phải giảm mục tiêu sản xuất từ 90 triệu thiết bị xuống còn 87 triệu chiếc.

Nhưng con số thâm hụt vẫn không dừng lại ở đó. Apple và Foxconn ước tính sản lượng iPhone tại nhà máy Trịnh Châu sẽ mất thêm 6 triệu thiết bị vào năm 2023. Trước đó, nhà phân tích tại Morgan Stanley từng dự đoán rằng sản lượng iPhone Pro trong quý IV sẽ giảm xuống chỉ còn 6 triệu chiếc. Trong tình huống xấu nhất khi Foxconn Trịnh Châu đóng cửa dài ngày, doanh thu của Apple sẽ bị ảnh hưởng khoảng 20-36%.

Apple vẫn không lên tiếng trước sự kiện hỗn loạn tại Trịnh Châu, Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg.

Tuy nhiên, trước sự hỗn loạn tại nhà máy Trịnh Châu, Apple và CEO Tim Cook vẫn tiếp tục chịu đựng và không hề lên tiếng về vấn đề, cho thấy họ không có đối sách thay thế để giải quyết những khó khăn trong chuỗi cung ứng.

Tập đoàn công nghệ Mỹ và các đối tác đã hợp tác chặt chẽ với Trung Quốc trong nhiều năm qua. Đây là quốc gia chịu trách nhiệm sản xuất hơn 95% sản lượng iPhone. Do đó, Táo khuyết có thể sẽ mất hàng thập kỷ mới có thể dịch chuyển chuỗi cung ứng ra các nước khác, Bloomberg cho biết.

Nguồn: zingnews.vn