Phát biểu tại diễn đàn, bà Lê Thị Hằng – Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị, Công tác HSSV (Bộ GD&ĐT) – cho biết, thời gian qua, Diễn đàn “Hành trình người khởi nghiệp” đã thu hút sự quan tâm của các trường và doanh nghiệp. Bước đầu đã có hiệu quả nhất định đối với HSSV.
Tiếp nối sự thành công trong 3 năm thực hiện Đề án 1665 số: 1665/QĐ-TTg “Về việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ HSSV khởi nghiệp đến năm 2025”; Bộ GD&ĐT mong muốn, sinh viên Việt Nam hiểu thêm về khởi nghiệp và từng bước hình thành tâm thế khởi nghiệp.
“Tại diễn đàn này, tôi cũng mong muốn các em sinh viên lắng nghe chia sẻ từ các chuyên gia, diễn giả đến từ các doanh nghiệp; đồng thời chia sẻ những suy nghĩ, khó khăn, vướng mắc của bản thân để được các chuyên gia, diễn giả giải đáp; từ đó phần nào khám phá được bản thân cũng như các khát vọng, động lực để có thể bước vào hành trình khởi nghiệp” – bà Hằng trao đổi.
Tin tưởng vào năng lực của thế hệ trẻ, ông Đỗ Mạnh Hùng – Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Novaedu chia sẻ, Diễn đàn “Hành trình người khởi nghiệp - SV Starup” góp phần nâng cao năng lực của sinh viên Việt Nam.
Trước đây nói đến khởi nghiệp, thường nhắc đến vấn đề nghiệp vụ của doanh nghiệp, nói về chiến lược, tài chính, maketing… Hiện nay, Đề án 1665 tập trung làm thế nào để tạo ra những con người khởi nghiệp. Khởi nghiệp không dành cho mọi người nhưng tuổi trẻ cần mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm, dám dấn thân và có khát vọng, ước mơ, hoài bão vươn lên.
Chia sẻ về các vấn đề liên quan đến thu nhập, chuyên gia Trịnh Xuân Ninh – Giám đốc đào tạo của một Công ty Bất động sản ở Hà Nội– chia sẻ: thu nhập được đánh giá theo khả năng giải quyết nhu cầu của người khác. Nếu nhu cầu là X, số lượng là Y thì thu nhập sẽ là: X nhân Y. Nói cách khác, thu nhập được cụ thể hóa bằng khả năng giải quyết nhu cầu của người khác.
Đặt vấn đề về làm thuê hay khởi nghiệp, các chuyên gia cho rằng, khởi nghiệp thành công không tránh khỏi thất bại. Quan trọng là có đam mê, sở thích và quyết tâm thực hiện. Chúng ta không sợ sai, sai đâu thì sẽ đứng lên từ đó.