Khởi nghiệp trong giới trẻ: Cần biết cách xây dựng mối quan hệ, mạng lưới

Tuy nhiên theo đánh giá của các chuyên gia, tỷ lệ khởi nghiệp ở sinh viên Việt Nam vẫn còn thấp, chỉ có một số ít bắt đầu bằng việc tự kinh doanh.

PGS-TS. Trương Thị Nam Thắng

Phóng viên TBNH có cuộc trao đổi với PGS-TS. Trương Thị Nam Thắng, Giám đốc Trung tâm Sáng tạo và Khởi nghiệp (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) xung quanh vấn đề này.

- Bà đánh giá như thế nào về tinh thần và phong trào khởi nghiệp của giới trẻ Việt Nam hiện nay, nhất là các bạn học sinh, sinh viên?

Có thể thấy, tinh thần khởi nghiệp của các bạn học sinh, sinh viên những năm gần đây đang lên rất cao. Đặc biệt, Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1665/QĐ-TTg ký ngày 30/10/2017 đã khơi dậy tinh thần khởi nghiệp tại các trường đại học. Từ đó đem lại một luồng sinh khí mới, sự hào hứng cho học sinh, sinh viên đam mê nghiên cứu khoa học, khát khao khởi nghiệp ngay từ lúc còn ngồi trên ghế nhà trường.

Có thể nói, giới trẻ Việt Nam luôn có tinh thần khởi nghiệp cao nhưng hiện vẫn còn nhiều rào cản, nhất là vấn đề vốn. Vì vậy, sinh viên dù có những ý tưởng khởi nghiệp hay nhưng thiếu kinh phí nên khó biến thành hiện thực. Bên cạnh đó, mối liên hệ giữa Nhà nước, nhà trường và giới doanh nghiệp vẫn đang còn lỏng lẻo. Các hoạt động khởi nghiệp tại một số trường vẫn còn mang tính trình diễn, phong trào và lúng túng về mô hình hoạt động, hạn chế ở khung pháp lý.

Các trường đại học ở Việt Nam cũng chưa có hệ sinh thái hỗ trợ cho khởi nghiệp, chưa có trung tâm ươm tạo thực sự. Hầu hết chỉ đào tạo trong phạm vi khung chương trình đã đặt ra nhằm đạt được mục tiêu của mình mà ít có ý tưởng gì về tinh thần khởi nghiệp kinh doanh…

- Theo các chuyên gia, tỷ lệ thành công của các dự án khởi nghiệp của các bạn sinh viên hiện nay còn thấp, bà nhìn nhận chuyện này như thế nào?

Không chỉ ở Việt Nam mà ở nhiều quốc gia trên thế giới, các dự án khởi nghiệp thường có tỷ lệ thành công thấp. Từ ý tưởng đến hiện thực là một chặng đường dài, bị chi phối bởi nhiều yếu tố. Có thể kể đến như thiếu vốn, thiếu hoạch định và chiến lược kinh doanh khả thi, thiếu cơ sở pháp lý… Tôi lấy ví dụ, ngay với các doanh nghiệp đã đăng ký thành lập, thì tỷ lệ tồn tại và phát triển tốt cũng chỉ chiếm phần nhỏ. Nhiều doanh nghiệp thành lập chỉ tồn tại được 2 năm. Trong khi đó, thời gian khởi nghiệp thường được tính trong 3 năm.

Bên cạnh đó, các bạn trẻ còn thiếu kinh nghiệm khởi nghiệp, ngộ nhận về thị trường, chưa có khả năng tư duy phân tích... nên dễ thất bại nhanh chóng và mất hết số vốn tích góp; hoặc nhiều khi chỉ vì chút thất bại trên bước đường khởi nghiệp đã nhụt chí, không muốn tiếp tục nữa.

- Theo bà, trường đại học có là nền tảng ban đầu thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo?

Kinh nghiệm từ các quốc gia thành công trên thế giới cho thấy, đối tượng khởi nghiệp phần lớn tập trung vào giới trẻ và khởi nghiệp khi đang là sinh viên có thể không phải là con đường lựa chọn của tất cả, tuy nhiên, trường đại học lại là nơi tuyệt vời để bắt đầu kinh doanh.

Khởi nghiệp không đơn thuần là lập nghiệp, mà là sự đổi mới, sáng tạo, nó khác với quan điểm về lập nghiệp. Khởi nghiệp là một môi trường khó khăn. Để khởi nghiệp thành công, doanh nghiệp start-up không chỉ cần nuôi dưỡng đam mê, cảm hứng mà còn cần trang bị kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp ngay từ môi trường phổ thông.

Với các bạn trẻ còn thiếu kinh nghiệm, những gì sẽ là hành trang để có thể sẵn sàng cho hành trình khởi nghiệp, thưa bà?

Bản thân tôi cũng là từng là doanh nhân, cũng từng làm doanh nghiệp và tôi bây giờ vẫn là nhà đầu tư. Có một bài học lớn mà tuổi trẻ cần suy nghĩ, đó là việc chọn ngành nghề mà nhu cầu cuộc sống đòi hỏi để học, để đầu tư, để khởi nghiệp, lập nghiệp.

Các bạn sinh viên cần có tính chủ động cao trong lập nghiệp, biến những đam mê, những ý tưởng sáng tạo của mình thành phương án kinh doanh trong thực tế. Bây giờ khởi nghiệp cần tinh gọn, tức là không nên đợi đến lúc hoàn hảo sản phẩm mới tung ra thị trường, rất khó thành công. Dám chấp nhận thất bại để làm lại và làm tiếp mới dẫn đến thành công.

Mặt khác, muốn khởi nghiệp thành công thì đừng đi một mình. Các bạn phải biết cách xây dựng mối quan hệ, biết cách xây dựng các mạng lưới để đến một lúc nào đó, sẽ sử dụng những mối quan hệ này để phục vụ cho công việc. Song song đó là từng bước xây dựng thương hiệu cá nhân. Lúc nào tôi cũng dạy sinh viên rằng các em cần xây dựng thương hiệu và quản lý thương hiệu vào thời điểm hiện tại thì mới chuẩn bị được cho tương lai.

- Hiện nay chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp còn thiếu và yếu. Theo bà, các doanh nghiệp khởi nghiệp đang đối mặt với những khó khăn nào về cơ chế chính sách?

Hiện Chính phủ đã và đang rất quan tâm đến phong trào khởi nghiệp và đã có một số chính sách riêng hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp. Tuy nhiên những chính sách này còn mới và chưa thực sự phát huy hiệu quả hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp khởi nghiệp.

Đa số những người khởi nghiệp là các bạn trẻ còn hạn chế về kinh nghiệm, kiến thức thực tế nên rất cần có những hỗ trợ về vốn, pháp lý, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, đồng thời xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp nhằm kết nối và thúc đẩy phong trào khởi nghiệp trong giới trẻ. Hy vọng trong năm 2019 phong trào khởi nghiệp sẽ lan tỏa và đạt nhiều thành công.

- Xin cảm ơn bà!

Theo thoibaonganhang

Nguồn: Báo DĐDN