Không đập bỏ biệt thự cổ từng là trụ sở Liên hiệp các Hội VHNT Thừa Thiên Huế
UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa thống nhất giữ lại biệt thự cổ thời Pháp ở số 26 Lê Lợi (TP Huế) thay vì sẽ phá dỡ để thực hiện dự án như kế hoạch trước đó. Chủ trương này nhận được sự đồng thuận cao từ các nhà nghiên cứu và cộng đồng dân cư địa phương.
Công trình kiến trúc số 26 Lê Lợi - nguyên trụ sở Liên hiệp các Hội VHNT tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ được giữ lại
Biệt thự cổ nói trên với hơn 100 năm tuổi vốn là trụ sở của Liên hiệp các Hội VHNT từ sau 1975 đến cuối năm 2021. Từ đầu năm 2022, Liên hiệp các Hội VHNT tỉnh Thừa Thiên Huế đã chuyển đến biệt thự cổ ở số 1 Phan Bội Châu, TP Huế. Ngày 13.3, Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, Chủ tịch UBND tỉnh này đã có kết luận về phương án quản lý, khai thác cơ sở nhà đất trên địa bàn TP Huế. Trong đó, đối với trụ sở ở số 26 Lê Lợi, tỉnh giao UBND TP Huế phối hợp với Sở Xây dựng nghiên cứu phương án di dời qua số 1 Phạm Hồng Thái (đối diện vị trí cũ). Hiện nay UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đang tiếp tục kêu gọi đầu tư ở các khu đất dọc đường Lê Lợi để xây dựng các khách sạn, khu vực dịch vụ cao cấp phục vụ du lịch. Từ đầu năm 2022, nhiều cơ quan như Sở GD&ĐT, Sở KH&CN, Liên hiệp các Hội VHNT tỉnh… đã chuyển đến trụ sở mới để “nhường” mặt bằng cho công tác kêu gọi đầu tư, phát triển đô thị Huế.
Việc giữ lại khu nhà biệt thự số 26 Lê Lợi và di dời qua vị trí đối diện (gần với bờ sông Hương) nhằm phát huy giá trị, khai thác các dịch vụ phục vụ cộng đồng và du lịch. Đồng thời, cũng là một “hành động” giữ lại những giá trị kiến trúc tiêu biểu một thời của Huế. Cùng với biệt thự cổ này, dọc đường Lê Lợi hiện còn tồn tại nhiều công trình kiến trúc Pháp tiêu biểu đã được đưa vào danh mục bảo vệ và phát huy giá trị như: Trung tâm VHTT TP Huế (trước đây là Bảo tàng Văn hóa Huế, trụ sở UBND TP Huế), Trung tâm Nghệ thuật Điềm Phùng Thị, Trung tâm Nghệ thuật Lê Bá Đảng, Trường Quốc học Huế, khách sạn Saigon Morin… Trao đổi với Văn Hóa, ông Võ Lê Nhật, Chủ tịch UBND TP Huế cho biết, thành phố đang nghiên cứu phương án về tổ chức không gian của trục đường Lê Lợi để tạo dựng một không gian đồng bộ, phù hợp cảnh quan chung và phù hợp với quy hoạch chi tiết hai bờ sông Hương. Sau đó mới tính đến việc di dời, dịch chuyển trụ sở 26 Lê Lợi đến vị trí phù hợp để đồng bộ với cảnh quan chung của trục đường dọc sông Hương và phát huy giá trị, để sau này các dự án đầu tư vào sẽ tránh được trình trạng manh mún.
Đầu năm 2018, khi UBND tỉnh Thừa Thiên Huế có chủ trương cho doanh nghiệp khảo sát đầu tư xây dựng một khu khách sạn, thương mại dịch vụ cao cấp ở khu đất số 26-28 Lê Lợi, đồng nghĩa với việc biệt thự cổ 26 Lê Lợi bị đập bỏ, nhiều văn nghệ sĩ đã bày tỏ lo ngại và lên tiếng kiến nghị giữ lại khuôn viên và công trình này. Thời điểm đó Văn Hóa cũng đã có tin, bài về vụ việc.
Nguồn: http://baovanhoa.vn/van-hoa/%C4%91oi-song-van-hoa/artmid/570/articleid/51073/khong-dap-bo-biet-thu-co-tung-la-tru-so-lien-hiep-cac-hoi-vhnt-thua-thien-hue