Kiến nghị lấp 'lỗ hổng' pháp lý khi 'phủ sóng' hóa đơn điện tử

Bkav triển khai ứng dụng đưa HĐĐT vào dịch vụ đỗ xe thông minh. Ảnh minh họa: Thu Hằng.

Đánh giá về những lợi ích của việc áp dụng HĐĐT, ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) Hà Nội cho rằng: Theo tính toán của các chuyên gia, HĐĐT đã giúp doanh nghiệp cắt giảm tới 70% các bước quy trình phát hành và 90% các tranh chấp liên quan đến hóa đơn, rút ngắn tới 99% thời gian thanh toán, quản lý hóa đơn, tiết kiệm 80% chi phí cho mỗi hóa đơn.

Bên cạnh đó, số lượng hóa đơn xuất ra hàng tuần, hàng tháng thường khá lớn, nên ngoài việc cắt giảm được thời gian, chi phí, thì HĐĐT còn giúp doanh nghiệp đối chiếu hóa đơn thuận tiện, nhanh chóng, tránh được nhiều sai sót, giảm thiểu khả năng hóa đơn bị làm giả, hóa đơn khống.

Nghị định 119/2018/NĐ-CP đã tạo hành lang pháp lý cho việc áp dụng và phổ biến rộng rãi HĐĐT theo Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 về Chính phủ điện tử, nhất là việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để thực hiện chứng từ, hồ sơ điện tử, thực hiện HĐĐT trên phạm vi toàn quốc, góp phần quản lý hoạt động kinh tế phi chính thức. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Phụng thừa nhận, đến nay, không chỉ doanh nghiệp, mà ngay cơ quan thuế cũng gặp nhiều vướng mắc khi thực hiện các quy định trong Nghị định 119/CP. Điều này ảnh hưởng đến tiến độ phủ sóng HĐĐT trong cả nước.

Đề cập về những vướng mắc của doanh nghiệp khi triển khai HĐĐT, ông Nguyễn Khơ Din, Giám đốc khối khách hàng doanh nghiệp, Tập đoàn Công nghệ BKAV, Tổng thư ký Câu lạc bộ chữ ký số và giao dịch điện tử cho biết: Lợi ích của việc sử dụng HĐĐT là tiết kiệm từ 70 - 90% chi phí cho doanh nghiệp, không lo mất, hỏng hóa đơn, thống kê, báo cáo đơn giản và hóa đơn bị làm giả".

Nếu trước đây, khi chưa có Nghị định 119/CP, số lượng doanh nghiệp sử dụng HĐĐT chỉ dừng ở con số khoảng 1.000 doanh nghiệp, thì con số này hiện đã lên tới hàng trăm nghìn doanh nghiệp. Về phía cơ quan quản lý, việc triển khai HĐĐT giúp ngành Thuế xây dựng cơ sở dữ liệu về hóa đơn, thuận tiện trong việc quản lý như thanh tra, kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện các hành vi gian lận, trốn thuế.

Tuy nhiên theo ông Nguyễn Khơ Din, mặc dù Nghị định 119/CP đã có hiệu lực từ tháng 9/2018, song lại chưa có Thông tư hướng dẫn. Vì vậy, đang có những “khoảng trống” quy định đánh giá các đơn vị triển khai, quy định về ngày ký, ngày lập hóa đơn chưa rõ ràng, chưa có hướng dẫn cho các loại hóa đơn đặc biệt. Bên cạnh đó, cũng phải kể đến vướng mắc trong hoạt động triển khai chưa đồng bộ giữa các cơ quan quản lý, doanh nghiệp như: Thuế, Kho bạc, Bảo hiểm, Quản lý thị trường.

Đơn cử, cơ quan thuế thì khuyến khích việc sử dụng HĐĐT, nhưng khi doanh nghiệp dùng HĐĐT mang đến kho bạc hay đơn vị bảo hiểm thì lại không được chấp nhận. Thực tế này cản trở việc triển khai HĐĐT.

"Do chưa có Thông tư hướng dẫn, nên trong quá trình triển khai, các doanh nghiệp gặp nhiều vướng mắc, nhất là việc có cần thiết phải có chữ ký của người bán hiển thị trên hóa đơn hay không? Đơn vị độc lập nào sẽ thẩm tra năng lực của đơn vị cung cấp giải pháp dịch vụ cung cấp hóa đơn, kiểm tra tính an toàn, an ninh và bảo mật của dịch vụ?...", ông Nguyễn Khơ Din cho hay.

Trước tình trạng này, theo ông Nguyễn Khơ Din, các cơ quan chức năng cần sớm ban hành Thông tư hướng dẫn chi tiết hơn về HĐĐT, trong đó quy định rõ: Lựa chọn đơn vị cung cấp, các vấn đề liên quan ngày ký, ngày lập hóa đơn. Bộ Tài chính, Tổng cục thuế cũng cần đưa ra lộ trình triển khai rõ ràng theo từng giai đoạn cụ thể, tránh dồn vào thời điểm năm 2020.

Còn theo bà Nguyễn Hoài Hương, Tổng công ty Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp quốc phòng (GAET), việc thực hiện HĐĐT với doanh nghiệp là giải pháp tháo gỡ khó khăn, giảm phiền hà, nhưng trong quá trình triển khai, mỗi doanh nghiệp lại có những khó khăn riêng. Vấn đề nổi cộm hiện nay là chữ kỹ số trên HĐĐT có bắt buộc thể hiện ngày ký hay không? Tổng cục Thuế hiện vẫn chưa có văn bản hướng dẫn về việc này, trong khi các chi cục thuế địa phương lại yêu cầu bắt buộc phải thể hiện ngày ký, phát hành chữ ký số...

"Đối với hóa đơn giấy trước đây, nếu có sai sót, doanh nghiệp chỉ cần lập biên bản điều chỉnh và xuất hóa đơn điều chỉnh. Nhưng với HĐĐT, nếu điều chỉnh 2 nội dung thì phải xuất 2 hóa đơn điều chỉnh. Do đó, đối với khách hàng khi nhận hóa đơn điều chỉnh, họ sẽ khó chấp nhận việc sai sót trên hóa đơn gốc, nhưng lại đi kèm 2, 3 hóa đơn điều chỉnh. Điều này cũng gây khó khăn cho doanh nghiệp”, bà Nguyễn Hoài Hương nói.

Về vấn đề này, ông Mạc Quốc Anh cho rằng: Cần xây dựng chính sách riêng cho khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa và các hộ kinh doanh, bởi hầu hết các doanh nghiệp ở khu vực này đều thuộc nhóm doanh nghiệp có cơ sở vật chất, hạ tầng, con người… chưa đáp ứng được yêu cầu cơ bản để triển khai sử dụng HĐĐT. Tổng cục Thuế cũng cần tập trung nguồn lực tuyên truyền đến các doanh nghiệp về lợi ích khi áp dụng HĐĐT. Qua đó, tạo sự kết nối đồng bộ giữa các cơ quan quản lý, giải quyết các vấn đề về chi phí và lộ trình áp dụng HĐĐT.

Bộ Tài chính đang trong quá trình xây dựng thông tư hướng dẫn thi hành Nghị định 119/2018/NĐ-CP. Ngoài ra, Tổng cục Thuế cũng đang xây dựng Cổng thông tin điện tử để tiếp nhận thông tin về hóa đơn. Trong thời gian hiện tại, các doanh nghiệp sử dụng HĐĐT vẫn áp dụng các quy định tại Thông tư số 32/2011/TT-BTC.

Minh Phương/Báo Tin tức

Nguồn: Báo Tin Tức TTXVN