Lão nông 'se duyên' cho chanh dây với cây thuốc

Ông Thái - người “mai mối” cho “cuộc hôn nhân giai ngẫu” giữa chanh dây và lồng đèn. Ảnh: Tiêu Cương

Mặc dù đã 65 tuổi, nhưng ngày ngày ông Thái vẫn miệt mài, say mê lao động sản xuất. Chỉ tay vào vườn chanh dây sum suê quả, ông Thái tự hào nói đây là những cây chanh dây được ghép từ gốc cây lồng đèn, sản phẩm do ông tự tay nghiên cứu ra. Theo lão nông này, sau nhiều năm trồng chanh dây theo kiểu thông thường, ông nhận thấy, khi cây càng ra quả nhiều thì càng dễ nhiễm bệnh và chết, nhiều vườn chết từ 50% đến 70%, cá biệt có vườn chết 100%. Từ đó, ông ấp ủ ý tưởng sẽ tìm cho chanh dây một gốc ghép hoang dã trong thiên nhiên, có khả năng chống chịu với điều kiện bất thường của thời tiết cũng như sự quá tải cho bộ gốc khi cây quá sai quả.

Quá trình tìm tòi, nghiên cứu, ông biết được gốc cây lồng đèn có họ với chanh dây. Ông Thái đã phải mất rất nhiều công sức trong hơn một năm trời, miệt mài nghiên cứu cùng với nhiều đợt thực nghiệm thất lên bại xuống mới nắm vững được kỹ thuật. Từ đầu năm 2016, khi đã làm chủ được "công nghệ", ông Thái đã có thể ghép 10 gốc lồng đèn với 10 mắt chanh và đều phát triển tốt, năng suất ổn định.

Theo ông Thái, do lồng đèn mọc ngoài tự nhiên, phù hợp với tất cả các loại đất, cây có tuổi thọ rất cao, có cây sống trên 10 năm có sức chống chịu tốt với mọi điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng, hơn hẳn gốc chanh dây thông thường. Khi ghép cây, ông Thái chọn hạt giống cây lồng đèn ngoài tự nhiên để đảm bảo giữ được tính hoang dã. Với giống chanh dây được ghép trên gốc lồng đèn thì không cần xử lý môi trường đất mà trồng hẳn bên cạnh gốc đã chết, cây vẫn phát triển bình thường và cho năng suất cao.

Hiện nay, khi đã nắm vững kỹ thuật, ông Thái cho rằng, việc ghép giống là một quá trình hết sức đơn giản, hầu như ai chịu khó cũng làm được. Nếu nông dân tự làm được giống thì chi phí và giá thành rất rẻ. Bởi, từ việc khai thác hạt giống trong thiên nhiên, công lao động tất tần tật chỉ khoảng 15.000 đồng/cây giống. So với giống Đài Loan và Nafood trên thị trường hiện nay là từ 40.000 đến 50.000 đồng/cây thì đã tiết kiệm được ít nhất 25.000 đồng/cây, đây là một khoản không nhỏ đối với người canh tác trên diện tích đất lớn (1ha trồng được 600 gốc).

Đầu năm 2017, ông Huỳnh Văn Thoại, ở thôn An Lợi, xã Phú An được ông Thái hướng dẫn cụ thể cách ghép nên đã tự làm giống và trồng thành công 120 gốc trên diện tích 0,4ha. Sau đó, ông đã mạnh dạn ghép 1.000 gốc và đều cho kết quả mỹ mãn. Tương tự, ông Nguyễn Đạt, ở xã Ya Hội, huyện Đăk Pơ đã tự đi tìm hạt về gieo, sau đó ghép và đưa ra trồng thay thế cho số chanh dây chết trên 3ha và cũng thành công ngoài mong đợi. Theo các lão nông này, nếu như canh tác chanh dây theo kiểu cũ thì người trồng gặp rủi ro rất cao do cây dễ bị nhiễm bệnh chết hàng loạt, nếu ổn thì tỷ lệ trái loại 1 cũng ít mà thu hoạch cũng không được lâu. Còn với cây chanh dây ghép trên gốc lồng đèn thì tỷ lệ trái loại 1 cao, thời gian thu hoạch dài hơn, đương nhiên sẽ cho lợi nhuận cao hơn. Theo tính toán, với giá khoảng 13.000 đồng/kg chanh dây loại 1 như hiện nay thì người nông dân có thể thu nhập khoảng 100 triệu đồng/ha/năm.

"Việc giảm được chi phí cây giống, hạn chế số lượng cây chết non, khỏi trồng dặm, giảm được chi phí lao động và thuốc bảo vệ thực vật để xử lý gốc, giảm được cây chết hàng loạt khi kinh doanh... chắc chắn sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao, chỉ cần trúng giá thì nông dân có thể làm giàu từ giống cây ghép này” - Ông Thái chia sẻ.

Được biết, hiện nay, đã có hàng trăm người tìm tới đặt vấn đề với ông Thái về việc cung ứng giống cho họ, nhưng ông chưa dám nhận vì hiện tại, ông không đủ năng lực làm giống với số lượng lớn. "Trước mắt, tôi chỉ đảm bảo đáp ứng cho diện tích đất canh tác của mình là 3ha và chia sẻ cho một vài người trong xóm cũng như bạn bè. Thời gian tới, tôi sẽ đầu tư làm nhà lồng với diện tích 600m2 để nuôi cây giống. Khi hoàn thiện, tôi mới dám cung ứng giống với số lượng nhiều cho những ai có nhu cầu" - Ông Thái cho hay.

Việc ghép chanh dây trên gốc lồng đèn đã chứng tỏ được tính ưu việt, hơn hẳn so với các giống cũ và cho sản lượng cao hơn nhiều. Tuy nhiên, đây mới chỉ là điều kiện cần, còn muốn đủ thì phải có đầu ra ổn định. Bởi lâu nay, đã có không ít nông dân khắp cả nước phải bao phen bầm dập khi loại quả được cho là thơm ngon, bổ dưỡng, dễ sinh lời này bị... bán rẻ như cho. Vấn đề này, theo ông Đoàn Ngọc Có, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai, năm tới, tỉnh sẽ xây dựng thương hiệu cho cây chanh dây Gia Lai để tạo thuận lợi hơn cho việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ.

Tiêu Cương

Nguồn: Báo Biên Phòng