Số lượng bảo hộ công dân tăng gần 250% trong giai đoạn đại dịch

Giai đoạn 2019-2021, có đến gần 40.600 trường hợp công dân được phối hợp bảo hộ, tăng 248% so với giai đoạn 2017-2018, trong đó nhiều nhất là tại Trung Quốc và các nước Đông Nam Á.

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu khai mạc Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc lần thứ 20. (Ảnh: Như Ý)

Ông Trần Thanh Huân, Cục trưởng Cục Ngoại vụ, Bộ Ngoại giao, cho biết như vậy trong báo cáo đưa ra tại Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc lần thứ 20, khai mạc sáng 13/12 tại Hà Nội.

Ông Huân cho biết, từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, các địa phương đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Ngoại giao, các cơ quan chức năng tổ chức hỗ trợ công dân tại các cửa khẩu, lối mở, cũng như tổ chức hơn 700 chuyến bay đón hơn 200.000 công dân có hoàn cảnh khó khăn ở nước ngoài về nước.

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và các cán bộ ngoại giao Việt Nam tham dự Hội nghị Ngoại vụ lần thứ 20. (Ảnh: Như Ý)

Hiện nay có khoảng 5,3 triệu người Việt Nam đang sinh sống tại trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ. Kiều bào đã đầu tư về nước 362 dự án, với tổng số vốn khoảng 1,6 tỷ USD. Lượng kiều hối liên tục gia tăng qua các năm, đạt 52 tỷ USD trong giai đoạn 2019-2021, tăng 75% so với 29,7 tỷ USD của giai đoạn 2017-2018; năm 2020, đạt 17,2 tỷ USD và năm 2021, ước đạt 18,1 tỷ USD.

Về hợp tác quốc tế cấp địa phương, trong giai đoạn 2019-2021, có 661 thỏa thuận hợp tác với các địa phương, đối tác nước ngoài được ký kết, tăng 57,38% so với giai đoạn 2017-2018 (420 thỏa thuận).

Giai đoạn 2019-2021, số lượng đoàn lãnh đạo địa phương thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ đi nước ngoài là 186 đoàn, giảm 53,5% so với giai đoạn 2017-2018 (400 đoàn), do phối hợp quản lý đoàn ra, đoàn vào chặt chẽ và tác động của đại dịch COVID-19, việc đi lại bị hạn chế.

Về công tác biên giới lãnh thổ, tuy cũng chịu tác động bởi đại dịch COVID-19, nhìn chung, tình hình an ninh, chính trị và trật tự xã hội ở khu vực biên giới trên đất liền cơ bản ổn định.

Với Trung Quốc, đường biên giới và hệ thống mốc quốc giới được giữ vững. Với Lào, hai bên tiếp tục thể hiện sự tin cậy, phối hợp chặt chẽ trong quản lý và giải quyết các vấn đề biên giới trên tinh thần hữu nghị, đoàn kết, hợp tác toàn diện và hiểu biết lẫn nhau.

Với Campuchia, hai nước đã hoàn thành phân giới cắm mốc khoảng 84% đường biên giới trên thực địa (1.045 km) và ký kết 2 văn kiện hợp tác biên giới.

Tình hình trên biển tiếp tục xu hướng diễn biến phức tạp kể từ nửa cuối năm 2019. Các địa phương liên quan đã phối hợp chặt chẽ, triển khai đồng bộ các giải pháp về chính trị, ngoại giao, pháp lý và dư luận, tạo đồng thuận trong xã hội về chủ trương, chính sách, kiên trì giải quyết bằng biện pháp hòa bình, phù hợp luật pháp quốc tế; phát triển kinh tế biển gắn liền với quốc phòng, an ninh và bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Các địa phương chú trọng, chủ động trao đổi thông tin và phối hợp giải quyết hiệu quả các vấn đề liên quan đến người nước ngoài tại địa phương và các vụ việc liên quan đến người Việt Nam ở nước ngoài trên cơ sở các Hiệp định lãnh sự và quy định pháp luật có liên quan.

Nguồn: https://tienphong.vn/so-luong-bao-ho-cong-dan-tang-gan-250-trong-giai-doan-dai-dich-post1400796.tpo