Lầu Năm Góc bỏ tiền đào đất hiếm thương mại

Reuters ngày 11/12 đưa tin, lần đầu tiên Quân đội Mỹ chi tiền cho hoạt động ản xuất đất hiếm quy mô thương mại.

Đất hiếm là mặt trận đang nóng lên ở Mỹ. Ảnh: Reuters

Theo đó, Lục quân Mỹ tuyên bố sẽ tài trợ tới 2/3 chi phí của một nhà máy tinh chế đất hiếm. Quân đội Mỹ có thể tham gia rót tiền vào ít nhất một hoặc một số dự án.

Các công ty tham gia dự án chung phải cung cấp bản kế hoạch kinh doanh chi tiết và chỉ rõ nơi họ sẽ tìm nguồn quặng cho mình cùng các yêu cầu khác.

Theo giới chuyên môn, một nhà máy thí điểm xử lý đất hiếm có thể tốn từ 5-20 triệu USD, tùy thuộc vào vị trí, quy mô và các yếu tố khác. Một nhà máy quy mô đầy đủ có thể tốn hơn 100 triệu USD để xây dựng.

Nỗ lực lần này được cho là một trong những động thái cực kỳ cần thiết của quân đội Mỹ nhằm đảm bảo nguồn cung đất hiếm trong nước được dùng để sản xuất vũ khí và linh kiện điện tử trong bối cảnh nhà cung cấp đất hiếm hàng đầu thế giới là Trung Quốc đã nhiều lần đe dọa sẽ cắt nguồn cung sang Mỹ.

Tổng thống Donald Trump hồi đầu năm nay ra lệnh quân đội hiện đại hóa chuỗi cung ứng các nguyên vật liệu thích hợp, cảnh báo rằng sự phụ thuộc vào các quốc gia khác về khoáng sản chiến lược có thể cản trở năng lực phòng thủ của Mỹ.

Tháng 6 năm nay ghi nhận động thái tích cực của quân đội Mỹ trong việc tìm kiếm các nguồn cung khác hoặc tự khai thác đất hiếm.

Jason Nie, kỹ sư thuộc Cơ quan Hậu cần Lầu Năm Góc (DLA), cho biết đa dạng hóa nguồn cung đất hiếm ngoài Trung Quốc đang trở thành mục tiêu lớn của quân đội Mỹ.

Một số công ty của châu Phi được kỳ vọng sẽ trở thành nhà cung cấp đất hiếm cho quân đội Mỹ trong tương lai. Hồi tháng 6, Bộ Quốc phòng Mỹ đã có cuộc hội đàm với Công ty Mkango Resources thuộc sở hữu của quốc gia châu Phi Malawi, cùng các công ty khai thác đất hiếm khác trên toàn cầu về nguồn cung cấp khoáng sản chiến lược của Mỹ, cụ thể là đất hiếm. Tuy nhiên, công nghệ mà Mkango sử dụng kém xa so với các tập đoàn Trung Quốc ảnh hưởng tới chất lượng nguyên liệu.

Lượng sản xuất đất hiếm trên thế giới. Đồ họa: Reuters

Theo Jason, DLA cũng đang cố gắng dùng các mối quan hệ ngoại giao để thương thảo với “đại gia” Rainbow Rare Earths, một trong những công ty hàng đầu về sản xuất đất hiếm của Burundi. Nếu phi vụ này thành công, trữ lượng đất hiếm khổng lồ mà công ty này đang nắm trong tay sẽ thuộc về Mỹ.

Trong khi đó, các công ty khai thác đất hiếm ở Malaysia được cho là đang nỗ lực làm việc với quân đội Mỹ và các nhà khai thác khác ở Mỹ để xây dựng một nhà máy tinh chế đất hiếm. Công ty khai thác đất hiếm Lynas đặt nhà máy tại Malaysia vừa tăng cường sản lượng khai thác đất hiếm ở Malaysia, đồng thời liên doanh với Blue Line Mining có trụ sở tại Texas để thành lập một nhà máy sản xuất đất hiếm ở Mỹ. Thỏa thuận của Blue Line sẽ đảm bảo các công ty Mỹ tiếp tục tiếp cận công nghệ khai thác đất hiếm tương tự các kỹ thuật mà các nhà khai thác ở Trung Quốc đang sử dụng.

Jon Blumenthal, Giám đốc điều hành của Blue Line Corp, cho biết đầu năm nay đã ký một biên bản ghi nhớ để xây dựng một cơ sở chế biến đất hiếm ở Texas với Lynas. Ông đã từ chối bình luận về khả năng gửi hồ sơ tới Lầu Năm Góc để hưởng những đặc quyền của quân đội Mỹ với dự án khai thác đất hiếm.

Mặc dù ngành công nghiệp đất hiếm hiện đại đã có nguồn gốc từ Mỹ cách đây hàng thập kỷ nhưng phần lớn chuyên gia hàng đầu trong ngành này đều ở Trung Quốc. Quốc gia này cung cấp 80% nhu cầu đất hiếm thế giới bởi có trữ lượng chiếm tới 2/3 trữ lượng đất hiếm thế giới.

Kim Hoa

Nguồn: Báo Đất Việt