Lực chốt lời tiếp tục yếu, cầu bắt đáy dễ dàng đẩy thị trường lên

Chiều nay thị trường lại xuất hiện thêm một đợt bán nữa, đẩy VN-Index rơi xuống sát đáy giữa phiên sáng. Tuy vậy thanh khoản giảm tới 32% so với phiên sáng cũng đồng nghĩa với áp lực bán suy yếu rất nhiều. Kết quả là thị trường hồi lại rất nhanh, VN-Index tăng gần 12 điểm cuối phiên và đóng cửa tại đỉnh cao nhất...

VN-Index thể hiện nhịp chốt lời mới lại xuất hiện chiều nay, nhưng vượt qua rất dễ dàng.

Chiều nay thị trường lại xuất hiện thêm một đợt bán nữa, đẩy VN-Index rơi xuống sát đáy giữa phiên sáng. Tuy vậy thanh khoản giảm tới 32% so với phiên sáng cũng đồng nghĩa với áp lực bán suy yếu rất nhiều. Kết quả là thị trường hồi lại rất nhanh, VN-Index tăng gần 12 điểm cuối phiên và đóng cửa tại đỉnh cao nhất.

Những nhịp trồi sụt trong phiên hôm nay tiếp tục là dấu hiệu của các đợt chốt lời mới xuất hiện, đặc biệt khi giá phải hạ độ cao rõ rệt. Điều quan trọng là sức ép đó có duy trì được lâu và làm tổn hại tới giá hay không.

Đợt chốt lời mới trong phiên chiều xuất hiện ngay khi thị trường mở cửa trở lại. Độ rộng của VN-Index thu hẹp lại thấy rõ, tới khhi chỉ số này chạm đáy tương đương đáy phiên sáng, chỉ còn 241 mã tăng/215 mã giảm, trong khi cuối phiên sáng là 273 mã tăng/142 mã giảm. Ngay cả khi các cổ phiếu không giảm đến mức đỏ, thì phần lớn mã cũng rời đỉnh.

Tín hiệu tích cực vẫn có thể nhìn thấy ở những đợt chốt lời như vậy. Không khác nhiều lắm so với phiên sáng, khi giá lùi xuống, dòng tiền bắt đáy nhảy vào mua. Thanh khoản khớp lệnh phiên chiều ở HoSE chỉ đạt gần 5.734 tỷ đồng, giảm tới 30% so với phiên sáng và hai sàn niêm yết tính chung giảm 32%.

Trên nền thanh khoản thấp như vậy, thị trường phục hồi rất tốt ở cả cổ phiếu lẫn chỉ số. Độ rộng đến cuối phiên lại có số tăng giá áp đảo (278 mã tăng/164 mã giảm), đồng thời VN-Index quay đầu vượt qua cả đỉnh buổi sáng và chốt phiên cao nhất ngày, tăng 11,87 điểm tương đương 0,94% so với tham chiếu.

Nếu như chỉ thuần túy VN-Index quay đầu tăng, đó có thể là hệ quả của hành động kéo trụ. Tuy nhiên khi độ rộng cũng thay đổi theo hướng tích cực, đó là kết quả của lực cầu nâng giá trên diện rộng.

Dĩ nhiên dấu ấn của các cổ phiếu vốn hóa lớn cũng vẫn đậm nét. BID tăng 4,59% so với tham chiếu, thậm chí còn mạnh hơn buổi sáng. CTG tăng 2,79%, cao hơn phiên sáng hơn 1%. MWG cũng bứt phá cao hơn 0,93% so với buổi sáng, đóng cửa tăng 3,17%. SHB, FPT, SAB, VPB, MSN... đều là các mã rất tích cực khác.

Chỉ số VN30-Index đại diện nhóm blue-chips tăng 1%, trong đó 11 mã tăng vượt chỉ số. GAS, BVH, SSI và VNM là 4 mã duy nhất giảm trong đó VNM giảm mạnh nhất cũng chỉ -0,56%.

Xếp theo thanh khoản, nhiều cổ phiếu cũng bị xả tương đối mạnh và giá giảm.

Mặc dù chiều nay thanh khoản tụt giảm khá nhiều, nhưng tổng giao dịch khớp lệnh hai sàn cả ngày vẫn tăng 15% so với phiên trước, đạt 15.565 tỷ đồng. Điều quan trọng hơn con số thanh khoản là thị trường vượt qua được những đợt chốt lời khá dễ dàng. Như vậy sau phiên giảm thật sự duy nhất ngày 10-11/8, thị trường chỉ điều chỉnh bằng những nhịp lùi trong ngày.

Khối ngoại chiều nay giao dịch mạnh lên rất nhiều, nhưng theo hướng tăng cả mua lẫn bán. Tổng giá trị bán ra tại HoSE tăng thêm 552,5 tỷ đồng nữa, trong khi mua vào tăng thêm 718 tỷ đồng. Điều này giúp đảo ngược vị thế, từ bán ròng 100,3 tỷ đồng buổi sáng thành mua ròng 65,2 tỷ đồng cả ngày.

Cổ phiếu bị tăng xả nhiều nhất là VNM, nâng tổng giá trị bán ròng lên 114,7 tỷ đồng. Áp lực này khá mạnh, đẩy giá VNM tụt sâu thêm 0,3% nữa và chốt dưới tham chiếu 0,56%. Loạt mã VJC, KBC, SSI, STB, VCG cũng bị bán nhiều hơn. Phía mua, HPG hút tiền ngoại đột biến với 184 tỷ đồng ròng, trong khi buổi sáng mau chưa nhiều. Dù vậy lượng mua của khối này cũng chỉ chiếm 29% thanh khoản của HPG, không thể thay đổi được cung cầu quá nhiều. Nhà đầu tư trong nước vẫn là lực giữ giá chính. HDB, CTG, NVL, SHB là những blue-chips khác được mua nhiều.

Nguồn: vneconomy.vn