Metaverse là ván cược được ăn cả, ngã về không của Facebook

Facebook chao đảo vì tăng trưởng doanh thu lao dốc và mất sức hút với người dùng trẻ. Điều đó khiến metaverse trở thành ván cược 'được ăn cả, ngã về không' của Mark Zuckerberg.

Hôm 3/2, giá cổ phiếu của Meta Platforms - công ty mẹ của Facebook - giảm tới 27%, khiến giá trị vốn hóa của công ty bốc hơi 230 tỷ USD - mức giảm chưa từng có tại Phố Wall.

Nguyên nhân là tuần trước, Meta công bố lợi nhuận hàng quý lao dốc, số lượng người dùng mới sụt giảm và triển vọng doanh thu ảm đạm.

"Báo cáo thu nhập tồi tệ của Meta đã kích hoạt một đợt bán tháo kỷ lục, gần như xóa sạch 1/3 giá trị vốn hóa thị trường của tập đoàn này", chuyên gia tài chính Edward Moya tại hãng tư vấn Oanda (có trụ sở ở Mỹ) bình luận với Zing.

"Triển vọng của Meta khiến các nhà đầu tư lo ngại. Khách hàng của Facebook đang phải đối mặt với áp lực lạm phát tăng cao. Doanh thu quảng cáo trong năm nay có thể khó tăng mạnh", vị chuyên gia nói thêm.

Theo giới quan sát, Meta đang đối mặt với hàng loạt vấn đề, từ tăng trưởng doanh thu quảng cáo lao dốc đến khả năng cạnh tranh sụt giảm. Điều đó khiến metaverse trở thành ván cược "sống còn". Ảnh: Reuters.

Cuộc đua tranh khốc liệt

Theo ông, hai mối lo ngại lớn nhất đối với các nhà đầu tư là Facebook đã đổ bao nhiêu tiền vào metaverse (vũ trụ ảo), trong khi những đối thủ cạnh tranh đang giành giật được các người dùng trẻ tuổi.

"Facebook đang gặp khó khi họ rõ ràng đang thua trong cuộc đua 'giành giật' những người dùng trẻ tuổi. Không rõ liệu Facebook có thể đánh bại TikTok bằng cách nào", ông Moya nhận định.

Người dùng đang dành ít thời gian cho Facebook hơn. Các đối thủ cạnh tranh như TikTok thu hút những người dùng trẻ tuổi. "Cơ sở người dùng đình trệ là một mối đe dọa", nhà phân tích Angelo Zino của CFRA Research nhận định.

Tuần này, Meta thông báo với các nhà đầu tư rằng tập đoàn đang đầu tư mạnh tay vào Instagram Reels nhằm thúc đẩy doanh thu.

Tuy nhiên, ban lãnh đạo công ty cũng thừa nhận định dạng này đã được chứng minh là khó kiếm tiền hơn những sản phẩm khác.

Trên thực tế, hoạt động kinh doanh của Meta đang bị đe dọa trên nhiều khía cạnh. Ngoài việc số người dùng mới lao dốc, hoạt động kinh doanh quảng cáo cũng chịu ảnh hưởng bởi những thay đổi từ phía gã khổng lồ công nghệ Apple.

Những thay đổi trong bản cập nhật iOS 14.5 của Apple đã làm chao đảo mảng kinh doanh quảng cáo kiếm lời lớn của Meta. Việc theo dõi người dùng trên Internet nhằm nhắm mục tiêu quảng cáo và theo dõi hiệu quả của các chiến dịch quảng cáo trở nên khó khăn hơn.

Giám đốc tài chính Facebook Dave Wehner cho biết công ty dự kiến mất 10 tỷ USD từ những thay đổi vào năm 2022. Bản thân Giám đốc Điều hành Mark Zuckerberg cũng thừa nhận rằng con đường phía trước của Meta "không chắc chắn hoàn toàn".

Trên thực tế, tương lai của công ty không chỉ không chắc chắn hoàn toàn như lời của Zuckerberg, mà còn có thể gặp nhiều rào cản và rất tốn kém.

Tham vọng tốn kém

"Metaverse là một lĩnh vực tăng trưởng quan trọng. Nhưng dường như Meta đang đổ quá nhiều vốn vào đó", ông Moya tại Oanda nhận xét.

Zuckerberg kỳ vọng rằng metaverse không chỉ tái hiện sống động trải nghiệm đời thực trong môi trường số mà còn tích hợp cả hai môi trường với nhau.

Theo báo cáo thu nhập của Meta, đơn vị thực tế tăng cường và thực tế ảo của công ty đã tiêu tốn hơn 10 tỷ USD vào năm ngoái. "Meta đang hy sinh mô hình kinh doanh cốt lõi của mình vì niềm đam mê với metaverse", bà Rachel Jones - nhà phân tích tại công ty phân tích dữ liệu GlobalData - bình luận.

"Đặt cược lớn vào metaverse không phải một điều xấu, nhưng sẽ mất ít nhất một thập kỷ nữa để thực sự có hiệu quả", bà nói thêm.

Meta tiêu tốn hàng tỷ USD vào metaverse, nhưng giới quan sát cho rằng sẽ mất nhiều năm để xem ván cược có thành công hay không. Ảnh: Reuters.

Tuy nhiên, một số nhà quan sát cho rằng việc Facebook đổi tên thành Meta và dốc toàn lực vào metaverse nhằm lôi kéo sự chú ý khỏi những vấn đề hiện tại của công ty. "Nhưng nếu những điều này là thật, phản ứng của các nhà đầu tư cho thấy Meta đã tính toán sai lầm", CNN nhận định.

"Facebook có thể thu hút các nhà đầu tư 'bắt đáy' sau đợt sụt giảm lịch sử này. Nhưng sự phục hồi bền vững là khó xảy ra, bởi vẫn còn những ảnh hưởng tiêu cực tới tăng trưởng quảng cáo", ông Moya bình luận.

Tuy nhiên, vị chuyên gia cho rằng Facebook có thể mua lại một số đối thủ cạnh tranh để khẳng định vị thế thống trị với tư cách nền tảng truyền thông xã hội hàng đầu. Đó cũng là cách mà công ty đã làm với Instagram hồi năm 2012.

Dù vậy, hàng loạt bê bối cũng đặt Meta vào tầm ngắm của các cơ quan quản lý, khiến công ty khó thực hiện chiến lược phát triển thông qua những thương vụ mua lại.

"Không giống năm 2012, Meta đang bị theo dõi chặt chẽ hơn. Các nhà quản lý gần như chắc chắn sẽ ngáng đường bất cứ thương vụ mua lại lớn nào", hãng tin CNN nhận xét.

Dù vậy, một số chuyên gia vẫn đặt niềm tin vào metaverse. "Metaverse là một ván cược lớn và có thể mất nhiều năm để có kết quả", chuyên gia tài chính Craig Erlam (có trụ sở ở London) nói với Zing. "Có thể nó sẽ thành công", ông nói thêm.

Tuy nhiên, theo ông, Facebook vẫn cần phải tìm ra cách giải quyết vấn đề IOS và tập trung vào việc thu hút người dùng trẻ, cạnh tranh với những cái tên như TikTok.

"Cú rơi của cổ phiếu Facebook đến từ hàng loạt vấn đề, từ tăng trưởng doanh thu quảng cáo lao dốc đến khả năng cạnh tranh sụt giảm. Điều đó khiến metaverse trở thành ván cược 'được ăn cả, ngã về không'. Bởi Meta đã rót vốn lớn vào lĩnh vực này", ông Erlam bình luận.

Nguồn: https://zingnews.vn/metaverse-la-van-cuoc-duoc-an-ca-nga-ve-khong-cua-facebook-post1295258.html