Mô hình kinh doanh chuỗi trà sữa giảm nhiệt

Giữa tháng 7/2019 vừa qua, chuỗi trà sữa Ten Ren được The Coffee House đưa về Việt Nam đã thông báo chính thức đóng cửa, vì không đạt kết quả như kỳ vọng. Việc chuỗi đồ uống quy mô lên tới 23 cửa hàng buộc phải ngừng kinh doanh là chỉ báo cho thấy mô hình trà sữa đang có dấu hiệu "giảm nhiệt".

Theo báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường Euromonitor, năm 2016, thị trường trà sữa Việt Nam có giá trị 282 triệu USD, tốc độ tăng trưởng hằng năm là 20%. Mức tăng trưởng cao đã thu hút nhiều nhà đầu tư nhảy vào thị trường.

Theo nghiên cứu của hãng phân tích thị trường Q&Me, trà sữa hiện chỉ xếp sau cà phê trên thị trường giải khát tại Việt Nam, điều này cho thấy tiềm năng to lớn của loại hình giải khát này.

Hầu hết những người uống trà sữa là nhóm đối tượng khá trẻ, thuộc thế hệ Y và Z. Bên cạnh mức độ phổ biến cao, tần suất sử dụng trà sữa cũng thường xuyên khi các nghiên cứu thị trường trà sữa cũng chỉ ra rằng 24% số người được hỏi ở độ tuổi từ 15-21 uống trà sữa 2-3 lần/tuần.

Giai đoạn năm 2002, trà sữa được du nhập vào thị trường Việt Nam. Trong khoảng 4 năm đầu, việc đón nhận thức uống này đối với giới trẻ khá chậm.

Giai đoạn này, công thức khá đơn giản chỉ là trà và sữa, thêm trân châu đen làm từ bột sắn, không có nhiều loại thạch (topping) ăn kèm như hiện nay. Các quán trà sữa cũng chỉ là những cửa hàng nhỏ hoặc các xe đẩy tập trung ở cổng trường học, không có thương hiệu rõ ràng, chủ yếu thu hút học sinh và sinh viên.

Đến nửa cuối năm 2009, trà sữa trân châu bắt đầu hạ nhiệt và nhiều cửa hàng phải đóng cửa. Tuy nhiên, năm 2012, một lần nữa thị trường này phục hồi do các thương hiệu trà sữa Đài Loan bắt đầu quay lại khai thác thị trường Việt Nam, phát triển quy mô lớn hơn với dạng chuỗi, thiết kế không gian hiện đại hơn.

Có 2 lý do chính dẫn đến sự bùng nổ đầu tư trong lĩnh vực này được các chủ kinh doanh trà sữa đúc kết: xu hướng người tiêu dùng, và biên độ lợi nhuận hấp dẫn. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, thị trường trà sữa Việt đã bước qua giai đoạn "đào vàng", và dần đi vào ổn định với mức tăng trưởng khoảng 10%/năm theo Q&Me.

Hiện tại, Việt Nam có khoảng 1.600 quán trà sữa gồm các thương hiệu lớn đến từ Đài Loan, Hong Kong, Thái Lan, Nhật Bản, Anh...

Dẫn đầu thị trường trà sữa Việt Nam vẫn là thương hiệu Dingtea. Mặc dù chỉ phủ sóng ở Hà Nội, nhưng số lượng cửa hàng Dingtea vẫn rất lớn, lên tới 195 cửa hàng toàn quốc. Xếp sau Dingtea là một loạt các thương hiệu như Toco Toco (150 cửa hàng), Bobabop (100 cửa hàng), Gong Cha (50 cửa hàng).

Thêm vào đó những thương hiệu Việt cũng gia tăng sự cạnh tranh với sự xuất hiện của Phúc Long (48 cửa hàng), Hoa Hướng Dương (10 cửa hàng)... Chính bởi yếu tố hấp dẫn và nhiều tiềm năng, các thương hiệu ngoại lẫn nội liên tục đổ bộ vào thị trường này.

Mặc dù đã có những dấu hiệu "giảm nhiệt", nhưng thị trường trà sữa vẫn luôn là điểm nóng, khi mà hiện nay số thương hiệu trà sữa, cũng như các cửa hàng đang ngày một gia tăng, đồng nghĩa tính cạnh tranh ngày càng khốc liệt.

Việt Hưng

Nguồn: Báo TheLEADER