Ngành du lịch khó khăn, nhiều doanh nghiệp làm thêm nghề 'tay trái'

Do tác động của dịch bệnh, hơn 50% nhân viên du lịch của Công ty cổ phần Truyền thông Du lịch Việt chuyển sang làm khẩu trang y tế. 

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh, mới chỉ có 5% DN tại TP Hồ Chí Minh chuyển về trạng thái bình thường, 9% DN bắt đầu vượt qua khó khăn, 44% DN vẫn còn khó khăn, 40% DN còn rất nhiều khó khăn, 40% DN thiếu vốn kinh doanh, 88% DN thị trường bị thu hẹp. Do còn nhiều khó khăn, có đến 52% DN sẽ phải cắt giảm lao động trong mùa dịch bệnh này.

Theo báo cáo, lỗ gộp 7 tháng của công ty cổ phần Du lịch P.T đã lên đến hơn 144 tỷ đồng. Công ty đã phải cắt giảm 30-40% nhân sự để duy trì hoạt động và chờ qua mùa dịch khôi phục trở lại. Tương tự, công ty TNHH du lịch M. cũng báo lỗ trước thuế hơn 200 tỷ đồng trong 8 tháng qua và phải cắt giảm 60% nhân sự. Tuy vậy, điểm chung của những doanh nghiệp lữ hành này là dù khó khăn nhưng không bỏ cuộc, vẫn quyết tâm bám trụ, thậm chí chuyển hướng kinh doanh chờ dịch bệnh đi qua.

Bà Đặng Thị Thy Thanh, Phó Tổng giám đốc BenThanh Tourist, cho biết tại khách sạn Viễn Đông (Phạm Ngũ Lão, quận 1), có những ngày chỉ đón vài khách tới ăn uống. Để khắc phục, khách sạn đã kinh doanh thêm cơm trưa văn phòng, đẩy mạnh quảng cáo trực tuyến, giảm giá phòng họp... nhằm duy trì công việc cho nhân viên và chờ qua mùa dịch sẽ khôi phục.

Một nhân viên du lịch chuyển sang làm nghề pha chế và giao hàng thức uống nhanh trong mùa dịch bệnh. 

Ông Trần Văn Long, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Truyền thông Du lịch Việt, cho biết: "Dịch bệnh COVID-19 làm đảo lộn mọi thứ và du lịch là ngành bị thiệt hại nặng nề nhất. Nhiều DN du lịch đã phải đóng cửa, số còn lại điêu đứng, tìm mọi cách để tồn tại. Trong tình thế khó khăn, DN đã chuyển hướng bán khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn... thậm chí còn bán dưa hấu để cầm cự qua mùa dịch bệnh".

Theo ông Trần Văn Long, ngay khi dịch bệnh xuất hiện, một số mặt hàng nông sản như dưa hấu, thanh long… đang ế do xuất khẩu gặp khó khăn, ông đã mua những mặt hàng này về cho nhân viên đi bán lại để có thêm thu nhập. Khi Việt Nam công bố dịch vào tháng 4, ông Trần Văn Long nghĩ ngay đến việc sản xuất khẩu trang y tế. Lúc bắt đầu, đơn vị chỉ đầu tư vài máy. Tuy nhiên, nhận thấy nhu cầu khẩu trang khá lớn và người dân phải tiếp cận với giá khẩu trang đắt đỏ, đơn vị đã quyết định đầu tư máy móc và đến nay đã có những nhà máy ở tại TP Hồ Chí Minh, Long An và miền Bắc. Công suất của các nhà máy mỗi ngày đạt 5 triệu sản phẩm, hoạt động 24/24 giờ. Hiện DN có nhiều đơn hàng được ký với Mỹ, các nước châu Âu… đồng thời cũng tạo ra nhiều công việc mới cho nhân viên. Cụ thể, đã có 50% nhân viên du lịch chuyển sang làm khẩu trang y tế.

Trong thời gian nghỉ làm vì dịch bệnh, vợ chồng anh Đào Việt Quân và chị Nguyễn Thảo Nguyên đã khởi nghiệp bằng nghề nấu sữa chua. 

Trong hoàn cảnh khác, để cầm cự qua mùa dịch, nhiều hướng dẫn viên du lịch cũng bươn chải đủ ngành nghề khác nhau như: giao hàng, chạy xe ôm công nghệ, bảo vệ... để chờ thời cơ quay trở lại với hoạt động lữ hành.

Anh Đào Việt Quân, với hơn 7 năm làm hướng dẫn viên du lịch và chị Nguyễn Thảo Nguyên, hơn 6 năm đầu quân cho một công ty lữ hành tại TP Hồ Chí Minh, cho biết hầu hết các tour dẫn đoàn đi nước ngoài đều bị hủy bỏ khiến công việc của hai vợ chồng bị ảnh hưởng nặng nề. Thời gian cách ly xã hội, chị Nguyễn Thảo Nguyên thường xuyên làm món sữa chua cho hai vợ chồng và tặng bạn bè. Thấy mọi người hưởng ứng nhiệt tình nên anh chị quyết định khởi nghiệp với thương hiệu sữa chua “Mát Mát”.

Chị Nguyễn Thảo Nguyên cho biết: “Hiện nay, mỗi ngày tôi nấu được 5 nồi sữa lớn, cho ra được khoảng 200 hũ lớn nhỏ. Công việc không quá vất vả nhưng chiếm trọn thời gian trong ngày. Nhiều khi vì mải nấu sữa chua mà quên cả nấu cơm cho gia đình".

Mọi người yêu mến, chất lượng ổn định nên thương hiệu sữa chua "Mát Mát" của chị Thảo Nguyên và anh Việt Quân được khá nhiều người đặt mua. 

Ông Nguyễn Văn Mỹ, Công ty TNHH Du lịch Lửa Việt, cho biết trong mùa dịch bệnh, công ty tạo điều kiện cho nhân viên làm đủ nghề kiếm thêm thu nhập. Đây là cách DN chung tay cùng nhân viên thích nghi vượt khó, tìm kiếm cơ hội trong khó khăn và sẵn sàng để trở lại với nghề khi có cơ hội.

Theo thống kê của Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, có tới 90-95% DN lữ hành tại thành phố đã tạm ngừng hoạt động. Với các cơ sở lưu trú du lịch, công suất phòng giảm trên 90%. Hàng loạt khách sạn 4-6 sao ở thành phố giảm giá phòng, ưu đãi để kích cầu, kéo khách nhưng tình hình không mấy khả quan, trong khi nhiều khách sạn 2-3 sao được rao bán.

Theo đó, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, kỳ vọng với tinh thần lạc quan của DN, nỗ lực của người lao động cùng với việc triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp từ Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, kỳ vọng các DN lữ hành sẽ vượt qua giai đoạn khó khăn này để khôi phục mạnh mẽ trở lại sau mùa dịch bệnh.


Nguồn: Báo Tin Tức TTXVN