Nghề mua tiền rách

Sau tiếng rao "Mua tiền rách đây" của bà Loan, người đàn ông trong tiệm tạp hóa vội chạy ra kêu và rút ra tờ tiền mệnh giá 100.000 đồng bị cháy xoăn góc phải.

Người phụ nữ 60 tuổi cầm tờ tiền, quan sát kỹ hai mặt, kiểm tra dãy số seri, miết nhẹ góc cháy rồi định giá 60.000 đồng. Khách đồng ý, bà trả tiền rồi thả tờ giấy bạc vào chiếc túi nhỏ, nơi chứa khoảng chục tờ tiền rách, cháy.

Đã hơn 20 năm bà Trương Thị Kim Loan làm nghề thu mua tiền rách, tiền hỏng. Những người sưu tầm tiền cổ, do nghiên cứu nhiều nhận định rằng nghề này ra đời khi tiền giấy được phát hành ở Việt Nam thời kỳ Pháp thuộc (1885-1954). Trong quá trình sử dụng, tiền có thể bị hư hỏng không đạt chuẩn lưu thông nên xuất hiện nhu cầu đổi tiền.

Thời kỳ thịnh nhất và đông người làm nghề này nhất là thập niên 2000 bởi lượng tiền mặt trao đổi nhiều. Khi đó, người làm nghề tiền mua rách thường không ở cố định, họ khắp thành phố, vào tận những khu dân cư để tìm người đổi tiền.

Bà Loan nhớ khi còn là một cô bé đã ngồi sau xe của ba đi "mua tiền" và quyết định nối nghiệp khi ông già yếu.

Bà Trương Thị Kim Loan buôn bán tại phiên chợ cuối tuần đường Nơ Trang Long, P.13, quận Bình Thạnh, TP HCM, tháng 6/2023. Ảnh: Ngọc Ngân

Bà Trương Thị Kim Loan buôn bán tại phiên chợ cuối tuần đường Nơ Trang Long, P.13, quận Bình Thạnh, TP HCM, tháng 6/2023. Ảnh: Ngọc Ngân

Theo quy định của của Ngân hàng Nhà nước, tiền rách, hỏng còn diện tích tối thiểu 60% so với tờ tiền nguyên vẹn có thể mang đổi không mất phí tại các chi nhánh, phòng giao dịch của ngân hàng. Nhưng nhiều người ngại hoặc không có thời gian đến ngân hàng nên thường đổi cho những người như bà Loan với giá thấp hơn vài chục nghìn đồng so với mệnh giá, tùy vào mức độ hư hỏng. Mức chênh lệch được xem là chi phí xăng xe, công cán.

Tiền được thu mua là những tờ hư hỏng không quá 30%, thường rơi vào các trường hợp rách góc, rách đôi, cháy quăn góc. Thông thường, người thu mua sẽ dựa vào mức độ hư hỏng của tiền và định giá. Riêng bà Loan có khung cố định, 200.000 đồng trả 120.000 đồng, 500.000 đồng trả 300.000 đồng. Đồng thời, bà cũng không ngại thu những mệnh giá nhỏ như 5.000 đồng hay 10.000 đồng.

"Nguyên tắc của nghề này là không chê tiền, bao nhiêu cũng thu", bà Loan nói. Sau một tuần, bà tích được khoảng một đến 1,5 triệu đồng sẽ mang đến ngân hàng đổi.

Mỗi ngày, bà Loan thường chạy xe máy dạo qua các khu chung cư, khu vực nhiều quán ăn hoặc tiệm tạp hóa, những nơi thường có nhiều tiền hỏng do người ta vô tình thu vào trong lúc bán hàng. Ngoài ra, trong sinh hoạt hàng ngày, họ cũng có thể sơ ý làm rách tiền vì dây kéo ví, bị cháy tiền lúc nấu ăn.

Khác với bà Loan, anh Trần Lâm (31 tuổi) là người làm nghề thu đổi tiền rách thế hệ sau, chủ yếu dùng mạng xã hội để tiếp cận khách. Lâm thường nhờ khách hàng chụp ảnh tiền gửi qua Zalo hoặc Facebook để định giá thu vào.

"Tiền phải còn nguyên vẹn từ 60-70% mới dám mua lại", Lâm nói. Anh kể đã từng ôm lỗ trong ba tháng đầu theo nghề đổi tiền rách bởi thu nhầm tiền giả và tiền hư hỏng nặng, ngân hàng không nhận.

Sau vài lần bị lừa, Lâm đi học cách phân biệt tiền giả và rút kinh nghiệm quan sát người đi đổi tiền, bao gồm cách ăn mặc, loại xe họ đi, dáng vẻ. "Nếu họ ấp úng, không cho mình đến nhà thu thì khả năng cao là họ đưa tiền giả", Lâm giải thích.

Lâm là tài xế xe công nghệ, làm thêm công việc đổi tiền rách để tăng thu nhập khoảng 6 tháng nay. Lâm gắn thêm biển "Đổi tiền rách, tiền xưa" phía sau xe kèm số điện thoại. Chàng trai quê Quảng Nam cho rằng nghề tay trái này không quá vất vả, xem như là khoảng nghỉ giữa giờ, được ngồi điều hòa trong ngân hàng chờ đổi tiền.

Với những ca khó như tiền bị cháy biến dạng đến 1/3, rách gần đứt lìa, không chắc ngân hàng có nhận, Lâm thường để lại giấy tờ tùy thân của mình làm tin rồi cầm tiền ra ngân hàng đổi thay vì mua liều.

"Vì thế mà căn cước công dân, bằng lái ôtô và xe máy của tôi thường xuyên 'ở đợ' nhiều nơi", Lâm nói hài hước. Nếu ngân hàng đổi được, chủ nhân tờ tiền hỏng trả 30.000-50.000 đồng tiền công.

Lâm cho biết, khách hàng của anh khá rộng tay, ít trả giá bởi họ đều là những người bận rộn hoặc không rành việc đổi tiền tại ngân hàng. Với những khách ở xa, anh chủ động báo họ hỗ trợ thêm tiền xăng xe để thu tại nhà.

Công việc này đem đến cho Lâm 3-5 triệu đồng một tháng. Bù lại, mỗi tối anh mất 20-40 phút để xử lý tiền rách thu được trong ngày.

Anh Lê Nguyễn Tuấn Anh thu mua tiền rách bên cạnh việc bán tiền xưa ở quận Bình Thạnh, TP HCM, tháng 6/2023. Ảnh: Ngọc Ngân

Anh Lê Nguyễn Tuấn Anh thu mua tiền rách bên cạnh việc bán tiền xưa ở quận Bình Thạnh, TP HCM, tháng 6/2023. Ảnh: Ngọc Ngân

Lê Nguyễn Tuấn Anh (34 tuổi), người có gần 10 năm làm nghề thu mua tiền rách kể từng được một cặp vợ chồng năn nỉ đổi tờ tiền bị xé đôi sau trận cãi nhau. Anh thu vào 80% giá trị của tờ tiền, sau dùng băng keo dán lại. "Đó là trường hợp cứu được. Nếu tiền bạc màu, bay luôn số seri thì chỉ biết từ chối", Tuấn Anh kể.

Tuấn Anh nhớ cách đây 8 năm, một vụ cháy ở quận 1 khiến tài sản của nhiều nhà dân bị thiêu rụi, trong đó có tiền mặt. Chính quyền ban hành công văn để họ đem tiền đến ngân hàng đổi, riêng số tiền lẻ người dân mang bán lại cho người thu tiền rách nhằm vớt vát lại giá trị.

Nghề tiền rách không còn thịnh hành khoảng 10 năm trở lại bởi sự phổ biến của giao dịch trực tuyến. Công việc này chỉ còn là một nhánh nhỏ của những người buôn bán tiền cổ, tiền xưa. Tuấn Anh thường gom tiền rách khách nhờ đổi cho các người chuyên thu mua, lấy phí 100.000 đồng cho mỗi một triệu. Mức này không nhiều, đôi khi anh "lấy cho có lệ" nhưng vẫn phải nhận tiền rách để xử lý giúp khách hàng.

Theo quan sát của anh, nhu cầu đổi tiền rách giảm mạnh trong 5 năm qua, khi giao dịch chuyển khoản thâm nhập vào mọi ngóc ngách của đời sống. Dù vậy, một số tờ tiền rách không còn lưu hành vẫn được mua với giá cao bởi độ độc lạ, hiếm.

"Tiền rách nhưng vẫn có giá trị riêng", Tuấn Anh nói.

nguồn: Vnexpress