Nghiên cứu 'kinh tế ban đêm': Hãy làm tốt 'ban ngày'

Vào tháng 7/2019, các bộ, UBND tỉnh, thành trực thuộc Trung ương nhận được yêu cầu chủ động nghiên cứu chính sách thúc đẩy kinh tế ban đêm của Trung Quốc.

Theo VTV, Trung Quốc đưa ra các biện pháp thúc đẩy nền kinh tế ban đêm trong bối cảnh kinh tế nước này tăng trưởng thấp do ảnh hưởng tiêu cực từ cuộc chiến thương mại với Mỹ.

10 con phố với các hàng ăn ban đêm, 16 chợ đêm và các cửa hàng tiện lợi mở 24/7 tại Bắc Kinh sẽ là những nơi đầu tiên nhận được trợ cấp để thúc đẩy hoạt động kinh doanh ban đêm.

Theo đó, các khu phố ban đêm sẽ nhận được khoảng hơn 700.000 USD dành cho việc phát triển kinh doanh, các hộ kinh doanh riêng lẻ sẽ có thể được hỗ trợ tới hơn 70.000 USD.

Ngoài ra, các dịch vụ giao thông công cộng như tàu điện cũng đã được tăng tuyến, tăng thời gian phục vụ trong đêm.

Nhiều ý kiến đánh giá, kinh tế ban đêm sẽ góp phần mang lại nguồn thu đáng kể cho người dân các địa phương và ngân sách của Việt Nam. Đồng thời, muốn phát triển kinh tế ban đêm Việt Nam cần có chiến lược, quy hoạch cụ thể, đặc biệt thời gian đầu chưa nên phát triển đại trà khi chưa có biện pháp quản lý chặt chẽ.

Chia sẻ với Đất Việt, chuyên gia kinh tế - TS Bùi Trinh thể hiện một quan điểm khác. Theo ông, du lịch Việt Nam không cần phải bắt chước ai bởi mỗi nước có một lợi thế riêng và Việt Nam phải tìm ra được thế mạnh và điểm yếu của mình là gì.

"Tôi nghĩ không nên đặt vấn đề "kinh tế ban ngày" hay "kinh tế ban đêm", "kinh tế ban đêm" thu được bao nhiêu tiền... Người dân đi du lịch không là để khám phá văn hóa, truyền thống của mỗi quốc gia, để tham quan, thư giãn, chứ không phải để chăm chăm chơi bời, sinh hoạt ban đêm.

Kinh tế ban đêm phát triển ở Trung Quốc

Việc phát triển du lịch ở Việt Nam còn chưa đâu vào đâu. Các bãi biển của Việt Nam rất đẹp nhưng bây giờ còn mấy nơi không bị bê tông hóa? Chưa kể, thái độ của người dân nhiều nơi đối với khách du lịch rất kém, không chỉ là chuyện "chặt chém".

Vì thế, khoan hãy vội nghĩ đến tiền, việc cần làm hiện nay là phải nâng cấp văn hóa nói chung, trong đó có văn hóa du lịch.

Chúng ta không cần phải chạy theo nước khác để tránh "đẽo cày giữa đường", TS Bùi Trinh bày tỏ quan điểm.

Cũng theo vị chuyên gia, cho đến nay khái niệm du lịch ở Việt Nam vẫn được hiểu một cách rất mù mờ. Theo phân ngành của Liên hợp quốc, du lịch chỉ là vấn đề lữ hành, nhưng ở Việt Nam, các cấp quản lý lại hiểu rằng khách du lịch đến Việt Nam sẽ đi vào vận tải, thương mại, khách sạn, nhà hàng, vui chơi giải trí.

"Tuy nhiên, mỗi cái đó lại đi vào ngành riêng của nó. Đã có cơ quan nào công bố chính thức giá trị sản xuất hay giá trị tăng thêm đóng góp vào GDP của ngành du lịch là bao nhiêu hay chưa? Khi có con số ấy thì du lịch ban đêm chiếm bao nhiêu %, du lịch ban ngày chiếm bao nhiêu %?

Phải biết được những con số ấy thì mới có thể đặt vấn đề phát triển "kinh tế ban ngày" hay "kinh tế ban đêm". Bây giờ mọi thứ vẫn đang tù mù, chưa cần đặt vấn đề đó ra", TS Bùi Trinh nhấn mạnh.

Một điểm khác khiến vị chuyên gia giữ quan điểm nói trên, đó là khi người lao động, khách du lịch hoạt động về đêm thì sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe, năng suất làm việc trong các hoạt động chính thống ban ngày. Liệu có ai làm thử phép tính đo đếm được - mất của "kinh tế ban đêm"?, TS Bùi Trinh đặt câu hỏi.

Bởi vậy, ông cho rằng, điều quan trọng nhất là phải biết được du khách muốn gì khi đến Việt Nam và để biết được điều này cần có cuộc điều tra tỉ mỉ, khoa học.

Sau tất cả, ông nhấn mạnh: "Trước khi phát triển "kinh tế ban đêm", Việt Nam hãy tập trung làm tốt "kinh tế ban ngày".

Thành Luân

Nguồn: Báo Đất Việt