Nhìn lại một cái 'Tết không men'

Tết là dịp để các thành viên trong gia đình sum vầy ấm cúng

Tín hiệu vui

Trước dịp Tết mọi năm, anh Ngô Đình Tân, nhân viên bất động sản, ngụ tại Tân Bình, TP HCM thường mua sẵn 2-3 thùng bia để trong nhà, chưa kể rượu các loại. Bạn bè, họ hàng đông, cứ mỗi người đến là vài lon, mỗi nhóm đến là cả thùng bia. Anh Tân chưa bao giờ hình dung Tết sẽ tiếp khách thế nào nếu không có rượu bia và những bữa nhậu.

Thế nhưng, năm nay, có vỏn vẹn một thùng bia mà hết Tết vẫn còn. Cánh đàn ông đến chúc Tết đa số từ chối uống vì sợ bị phạt. Có người thì nhâm nhi chút ít cho vui, trong khi người đi cùng làm nhiệm vụ tài xế chở về, không còn tình trạng chè chén say sưa như các năm trước.

"Ban đầu thấy cũng thiếu thiếu nhưng rồi cũng quen. Hóa ra cuối mỗi ngày Tết mà mình không say mèm, thấy ngày Tết dài hẳn, có nhiều thời gian bên gia đình hơn. Có lẽ, sang năm thay vì bia rượu tôi sẽ chuẩn bị... trà để tiếp khách, vừa lành mạnh vừa an tâm", anh Tân nói.

Còn gia đình anh Lê Đình Thủy, giáo viên tại một trung tâm ngoại ngữ, ngụ Gò Vấp, TP HCM thì cho biết, gia đình anh năm nay thích nghi nhanh với chuyện giảm bia rượu trong ngày Tết. Mọi năm thì anh em, con cháu sum vầy lúc nào cũng phải vài độ nhậu mới được. Năm nay, ai cũng lo bị phạt nên hạn chế uống mà chuyển sang các trò chơi khác vừa lành mạnh vừa vui khỏe.

Quả thực, khi chế tài xử lý người tham gia giao thông có rượu bia được áp dụng cách đây vài tháng (Nghị định 100), người dân cũng còn không ít phản ứng trái chiều. Nhưng số liệu về tiền xử lý vi phạm cùng với số liệu giảm tai nạn về rượu bia đã có sức thuyết phục đáng kể. Thời điểm Tết Nguyên đán chính là lúc người dân đã hầu như hoàn toàn chấp nhận việc quy định mới được áp dụng, một cách hợp tác.

Theo công bố của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, trong 7 ngày Tết Nguyên đán 2020, cả nước xảy ra 198 vụ tai nạn giao thông, làm chết 133 người, bị thương 174 người. So với cùng kì của năm 2019, có thể thấy rõ sự giảm xuống của các mặt. Số người bị thương giảm 38, tức 17,9%, số người chết giảm 7 người, tức 5% và tổng số vụ tai nạn 24 vụ, tức 10,8%. Xu hướng giảm này hầu như đi ngược với các năm, khi mà các vụ tai nạn tăng sau mỗi dịp lễ, Tết.

Thiệt nhỏ, lợi lớn

Tất nhiên, đi cùng với sự xử lý rốt ráo của cơ quan chức năng và đồng thuận của người dân là sự giảm sút doanh thu của ngành hàng bia rượu. Số liệu từ hãng tin Bloomberg cho biết doanh số bia của Việt Nam có thể đã giảm ít nhất 25% kể từ khi quy định chặt chẽ về nồng độ cồn có hiệu lực vào ngày 1/1/2020.

Dịp Tết vừa qua, sử dụng rượu bia đã giảm đáng kể

Không chỉ diễn ra tình trạng giảm sút, ế ẩm trong kinh doanh của các nhà hàng, quán nhậu, các cửa hàng, siêu thị cũng cho thấy sự giảm sút doanh số tiêu thụ rượu bia cuối năm khi không ít người dân thay thế rượu bia bằng trà, nước hoa quả và các loại nước bổ dưỡng khác để tặng và tiếp khách. Con số không chính thức được đưa ra là giảm đến 30% so với cùng kì. Ngay trong dịp Tết, nhiều quán nhậu các năm trước mở cửa, năm nay đã chấp nhận nghỉ bán vì đoán trước tình hình ế ẩm.

Hiệu ứng “dây chuyền” khi doanh thu các quán nhậu, đại lý bia rượu giảm sút là sự đi xuống trong kinh doanh của các nhà sản xuất, các “ông lớn” trong ngành bia rượu. Trong một báo cáo mới đây, Công ty Chứng khoán SSI (SSI Research) phân tích, do ảnh hưởng của Luật Phòng chống tác hại rượu bia, sản lượng tiêu thụ bia trong năm 2020 sẽ không đạt được mức tăng trưởng 2 con số như năm 2019 mà sẽ chỉ vào khoảng 6-7%.

Quay lại những con số tai nạn giao thông trong 7 ngày Tết vừa qua, Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết số vụ nhập viện do tai nạn giao thông đã giảm trên 17% so với cùng kỳ, giảm đáng kể các vụ tai nạn (cả về giao thông lẫn ngoài giao thông) liên quan tới nồng độ cồn.

Cạnh đó, số liệu thống kê tại các bệnh viện tuyến trên cho thấy các vụ tai nạn giao thông nhập viện có liên quan tới nồng độ cồn tại Bệnh viện Việt Đức, Chợ Rẫy chỉ ở khoảng 7-8%, giảm trên 60% so với số liệu dịp Tết 2019. Một con số phải nói là khá khả quan trong nỗ lực giảm tai nạn giao thông của Chính phủ và người dân.

Sự suy giảm kinh doanh tất nhiên là điều có thể thấy rõ, đối với hàng loạt doanh nghiệp lớn nhỏ. Nhưng, nếu so với sự an toàn, sức khỏe và hạnh phúc của người dân thì thiệt hại ấy quả là nhỏ bé.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Đặng Thuần Phong:

“Tôi tin rằng luật sẽ thay đổi nhận thức, hành vi của người Việt Nam trong vấn đề sử dụng rượu bia. Nhiều khi sử dụng một chút thì có lợi, lạm dụng lại có hại.

Luật có hiệu lực, bài toán an toàn cho cộng đồng, bài toán liên quan tới kinh tế, tính mệnh và sức khỏe con người được đảm bảo tốt hơn, giảm đi những đau đớn cho các gia đình có người thương tật hoặc mất đi do rượu bia.

Hiện nay con tôi đã học xong đại học, tôi hỏi đi chơi bạn bè có uống rượu bia không, nó nói "con không thích uống". Giới trẻ biến chuyển như vậy là rất đáng mừng. Tôi mong sự thay đổi sẽ diễn ra đồng bộ, những thói quen tốt sẽ được lan tỏa để uống rượu bia trở thành văn hóa chứ không bị lạm dụng”.

Chuyên gia tài chính Phan Lê Thành Long:

“Tác động của Nghị định mới đối với các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh rượu bia là khó tránh khỏi, thậm chí là rõ ràng nhưng mức độ ảnh hưởng còn phụ thuộc nhiều vào khâu thực thi pháp luật. Nếu thực thi không tốt thì sức ảnh hưởng không lớn. Để thích nghi xu thế, các doanh nghiệp bắt buộc phải chuyển mình, thay đổi từ kinh truyền thống sang kinh doanh bia không cồn, tích hợp thêm các dịch vụ đưa đón...”.

Ngọc Mai

Nguồn: Báo Pháp Luật VN