Ồ ạt, đổ xô làm môi giới bất động sản: Phía sau giấc mộng đổi đời

Sau mỗi cơn 'sốt đất', một lượng lớn lao động đổ xô làm môi giới, nhưng khi cơn sốt qua đi, không ít người lâm cảnh thất nghiệp, kéo theo nhiều hệ lụy cho xã hội.

Khi thị trường “sốt nóng”, buôn bán bất động sản được cho là nghề “hái ra tiền”. Một đồn mười, mười đồn trăm, người nọ rủ rê người kia khiến xảy ra cảnh người người, nhà nhà đổ xô đi làm môi giới. Nhân sự nhiều ngành nghề sẵn sàng bỏ việc để đi làm “cò” đất.

Bỏ nghề để làm môi giới bất động sản

Những năm gần đây, thị trường bất động sản chứng kiến nhiều cơn sốt, mới nhất là cơn sốt đất hồi đầu năm 2021, khiến thị trường “nóng hầm hập”. Ngay cả môi giới bất động sản cũng trở thành nghề “hot” khi thu nhập có thể lên tới vài trăm triệu đồng/tháng. Chạy theo "hot trend" này, không ít người bỏ nghề chính để đi làm môi giới nhà đất. Trong số đó, không ít người đang có chuyên môn cao, nghề nghiệp ổn định.

Chị Trần Khánh An (Thanh Xuân, Hà Nội) tốt nghiệp Đại học Kiến trúc Hà Nội năm 2017, làm việc cho công ty xây dựng tại quận Ba Đình (Hà Nội). Làm được 3 năm, đến cuối năm 2020 thì chị Khánh An quyết định chuyển nghề môi giới bất động sản cho một dự án tại Bắc Giang.

Nhiều môi giới không chuyên nghiệp đã khiến thị trường bất động sản phát triển méo mó. (Ảnh minh họa).

Thời gian chị Khánh An làm môi giới cũng là lúc thị trường sôi động, nên chỉ sau 2 tháng làm vào nghề, chị An đã chốt được sản phẩm đầu tiên. Đó là 1 lô đất nền 90 m2 tại Bắc Giang. Trị giá lô đất là gần 2 tỷ đồng, hoa hồng 3% nên số tiền chị An nhận là khoảng 60 triệu đồng.

Tôi hài lòng với công việc mới ở sàn giao dịch địa ốc vì phí hoa hồng xứng đáng. Mỗi giao dịch thành công tôi được trả phí 2-3% giá trị sản phẩm, tương đương cả năm thu nhập trước đây”, chị An chia sẻ.

Cũng theo chị An, trong cơn sốt đầu năm 2021, khi lượng khách quan tâm đến thị trường Bắc Giang lớn, có tháng chị bán được 4 - 5 sản phẩm, tương đương với hàng trăm triệu tiền hoa hồng. Đây là số tiền mà nếu làm công việc cũ, không biết đến bao giờ chị An mới tích góp được.

Giống như chị An, anh Lê Anh Khải (Bắc Ninh) từng là chủ 1 cơ sở may mặc nhỏ, nhưng từ đầu năm 2021, anh đã chuyển sang nghề môi giới nhà đất.

Khi hỏi về động cơ "nhảy" việc, anh Khải giải thích, ở tuổi 36, làm may mặc cả chục năm vất vả nhưng thu nhập của anh chỉ tầm 20 - 30 triệu đồng/tháng. Từ khi dịch COVID-19 ập đến, doanh nghiệp của anh nhiều tháng không có thu nhập.

Vì vậy, anh Khải quyết định bỏ nghề, về làm môi giới địa ốc cho một sàn bất động sản ở Bắc Ninh.

"Điều khiến tôi mạnh dạn chuyển nghề là tôi có mối quan hệ rộng, kỹ năng bán hàng tốt, phù hợp với nghề môi giới địa ốc trong bối cảnh thanh khoản thị trường này tăng tốc mạnh", anh Khải nói.

Theo anh Khải, đợt sốt đất đầu năm nay, tuy chỉ diễn ra vài tháng, nhưng anh cũng tranh thủ "bỏ túi" cả tỷ đồng. Ngoài môi giới nhà đất, anh Khải còn tranh thủ bỏ vốn đầu tư, mua đi bán lại nên kiếm được một khoản tiền không hề nhỏ.

Chị Trần Ngọc Mai (Hoàng Mai, Hà Nội), tốt nghiệp đại học sư phạm, từng có 5 năm đứng trên bục giảng cũng đã chuyển nghề môi giới được gần 2 năm.

Chị Mai khoe, hồi mới vào nghề thì khá khó khăn nhưng từ cuối năm 2020, khi thị trường sôi động thì quyết định sang làm môi giới là quyết định đúng đắn.

Thời điểm thị trường sốt nóng, có lúc tôi bán được 5 sản phẩm trong 1 tháng. Tôi không làm cho công ty nào, chủ yếu là vào thị trường tốt, rồi môi giới mua đi bán lại cho khách. Mỗi giao dịch khách gửi tôi 50 - 70 triệu đồng”, chị Mai chia sẻ.

Không chỉ nhân viên văn phòng, doanh nghiệp, mà thời kỳ “sốt nóng” còn chứng kiến sự xuất hiện của hàng loạt các môi giới là người bán trà đá, nông dân, xe ôm…

Anh Trần Minh Tuấn (quê ở Hưng Yên) vốn làm nghề bán trà đá ở khu vực Quốc Oai (Hà Nội), nhưng khi thấy "đất sốt", anh đã quyết định chuyển sang làm môi giới nhà đất.

Anh Tuấn kể, khi thấy nhiều người vào uống nước hỏi thông tin về đất tại xã Phú Cát (Quốc Oai, Hà Nội), anh đã nghĩ ngay đến việc đi tìm nguồn hàng rồi giới thiệu cho khách. Mới bước vào nghề, anh Tuấn đã lăn lội khắp các ngõ hẻm tại khu vực xã Phú Cát. Bất cứ chỗ nào rao bán đất Tuấn đều ghi lại thông tin và dẫn khách đi xem.

Với mỗi giao dịch thành công, anh Tuấn đút túi từ 20 - 30 triệu đồng. Có tháng, anh Tuấn bán được 2 - 3 lô đất, tương đương với gần 100 triệu tiền hoa hồng. “Thị trường có lúc sốt lúc trầm, nên khi nào sốt thì tôi làm môi giới, còn lúc nào trầm tôi lại bán trà đá”, anh Tuấn chia sẻ.

Cũng tại Phù Cát, thời điểm sốt đất, nhiều người vốn làm nghề nông nghiệp cũng trở thành các môi giới, thường xuyên dẫn khách đi xem các lô đất.

Nhiều hệ lụy

Sức hấp dẫn về thu nhập của nghề môi giới đã khiến cho không ít người bỏ nghề chính, "cần câu cơm" của mình nhiều năm để đi làm môi giới. Dẫn chứng điều này, Giám đốc một sàn giao dịch bất động sản ở Hà Nội cho hay, trong vòng 4 tháng đầu năm 2021, toàn hệ thống sàn giao dịch của doanh nghiệp đón nhận gần 100 nhân sự mới ứng cử vị trí môi giới bất động sản. Đây là con số kỷ lục tại sàn này trong 5 năm trở lại đây.

Các nhân sự mới có đặc điểm là dịch chuyển từ ngành khác sang như: ngân hàng, bảo hiểm, công nghệ thông tin, kiến trúc...

Lý giải về sự dịch chuyển này, vị giám đốc sàn cho rằng có 3 nguyên nhân chính.

Đầu tiên là thanh khoản bất động sản đang trên đà tăng, số lượng giao dịch thành công vượt xa hơn kỳ vọng, xuất phát từ tâm lý thị trường địa ốc tốt dần lên.

Ngoài ra, dịch COVID-19 khiến nhiều ngành nghề bị ảnh hưởng trầm trọng, số lượng người thất nghiệp gia tăng. Vì vậy, họ làm môi giới như một nghề kiếm sống lúc khó khăn.

Đặc biệt, môi giới cũng là một nghề hấp dẫn khi có mức thu nhập cao, tiền hoa hồng từ 2-4%, tương đương với vài chục đến cả trăm triệu đồng/tháng.

Tuy nhiên, vị giám đốc này cho biết, nghề môi giới người ngoài trông có vẻ rất dễ dàng nhưng sự thật bên trong lại vô cùng khắc nghiệt. Nhiều nhân sự môi giới "đầu hàng" chỉ sau một năm làm việc.

Bên cạnh đó, khi sốt đất qua đi, thị trường trầm lắng, không có giao dịch, cũng là lúc các môi giới tự động giã từ nghề.

"Nghề cũ đã bỏ, trong khi nghề mới cũng chỉ làm được một thời gian ngắn, lực lượng lao động này sẽ rơi vào tình trạng thất nghiệp, gây lãng phí nguồn lao động và nhiều hệ lụy xã hội", vị giám đốc nhận định.

Ông Phạm Đức Toản, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Bất động sản EZ (EZ Property) cũng cho hay, nghề môi giới nhà đất là nghề mà gần như ai cũng có thể tham gia, từ bà bán nước chè, ông bà già về hưu, sinh viên ra trường đến công chức nhà nước.

Thị trường càng nóng thì nhân sự gia tăng chuyển từ các nghề khác sang càng đông. Sức hấp dẫn là do nghề này có thu nhập cao, thời gian chủ động, cơ hội kiếm được một khoản tiền lớn trong một thời gian ngắn khá cao, ngoài ra còn có những cơ hội tiếp xúc với những người có tiền, có vị trí cao trong xã hội.

Trong bối cảnh tất cả các mảng khác đều bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, không có thu nhập, thậm chí thất nghiệp thì việc nhân sự nhảy vào lĩnh vực bất động sản không có gì khó hiểu”, ông Toản nhận định.

Tuy nhiên, theo ông Toản, hiện tượng này cũng chỉ xảy ra trong ngắn hạn và 80% lượng nhân sự làm nghề môi giới sẽ bị đào thải trong 1 năm.

Trường hợp thị trường gặp khó khăn thì ai lại về nhà nấy, nhân sự lại quay về với những công việc cũ. Nếu trụ lại được với nghề từ 2 năm trở lên thì đại đa số sẽ gắn bó lâu năm.

Vấn đề đáng tiếc là hiện tượng này gây lãng phí nguồn khi nhân lực, kỹ sư làm môi giới, giáo viên làm môi giới, thạc sỹ văn hóa cũng làm môi giới…”, ông Toản chia sẻ.

Còn theo các chuyên gia bất động sản, với những môi giới bất động sản không chuyên nghiệp, vấn đề đạo đức nghề nghiệp sẽ luôn được đặt sau lợi nhu���n.

Vì thế, không ít người sẵn sàng dùng các chiêu trò, ví như tung tin đồn thổi, tự mua đi bán lại bất động sản với nhau, lôi kéo người dân tham gia theo tâm lý đám đông vào các giao dịch, gây nhiễu loạn thông tin, nhằm đẩy giá bất động sản lên cao để trục lợi. Điều này gây nguy hiểm cho xã hội, cho sự phát triển kinh tế cần phải chấn chỉnh, ngăn chặn.

Bên cạnh đó, môi giới bất động sản là lĩnh vực mang lại nhiều thu nhập nhất so với các ngành nghề khác trong xã hội. Tuy nhiên, phần lớn các nhà môi giới hiện nay vẫn chưa thực hiện việc kê khai, đóng thuế thu nhập cá nhân theo đúng quy định của pháp luật. Điều này cũng gây bất bình đẳng trong xã hội, thất thoát nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước.

Rào cản gia nhập ngành môi giới hầu như không có nên khi thị trường tăng trưởng, sốt nóng thì một lực lượng lớn lao động từ ngành nghề khác bỏ việc, gia nhập vào đội ngũ môi giới hoặc xem môi giới như nghề tay trái, gây nên tình trạng bất cân xứng về lao động trong toàn xã hội, nhiều ngành nghề khó tuyển dụng được lao động hoặc chi phí lao động tăng cao. Từ đó kéo theo năng suất lao động của toàn xã hội giảm sút do sự thiếu tập trung phát triển chuyên môn ở các ngành nghề chính.

Nguồn: vtc.vn