Quà tặng cuộc sống - 12 chìa khóa chữa lành quá khứ tổn thương
Sau cuốn sách được hàng nghìn độc giả khắp thế giới phản hồi, Edith Eger đã ra mắt tiếp cuốn 'Quà tặng cuộc sống - 12 chìa khóa chữa lành quá khứ tổn thương'.
Sau cuốn sách đầu tiên - "Sự lựa chọn - Nơi ngục tối không thể ngăn hy vọng nở hoa", kể lại câu chuyện về hành trình sống sót trong các trại tập trung, cuộc chạy trốn, chữa bệnh và hành trình đến tự do của chính tác giả Edith Eger xuất bản, hàng nghìn độc giả trên khắp thế giới đã viết thư gửi tác giả.
Trong thư, họ kể cho Eger nghe "Sự lựa chọn" đã khiến họ xúc động như thế nào, truyền cảm hứng cho họ đối mặt với quá khứ của chính mình và cố gắng chữa lành nỗi đau của họ ra sao. Họ cũng yêu cầu bà viết một cuốn sách khác về phương pháp thiết thực để chữa lành quá khứ tổn thương.
Tác giả Edith Eger và hai cuốn sách của mình.
Eger tiết lộ, vì lý do đó, mà trong cuốn tiếp theo - "Quà tặng cuộc sống - 12 chìa khóa chữa lành quá khứ tổn thương", Eger chia sẻ về cách chữa lành. Đồng thời cung cấp một hướng dẫn thực hành nhẹ nhàng, khuyến khích chúng ta thay đổi những suy nghĩ và hành vi có thể khiến chúng ta bị quá khứ giam cầm trong những nhà tù do chính mình tạo ra.
Chứa đầy sự đồng cảm, sâu sắc và không kém hài hước, "Quà tặng cuộc sống" của Edith Eger có một cái nhìn thấu suốt về đặc tính dễ bị tổn thương cũng như những thách thức mà tất cả chúng ta từng phải đối mặt trong quá khứ. Cùng với đó, khuyến khích và đưa ra lời khuyên giúp bạn thoát ra khỏi nhà tù cá nhân để nhận ra sự chữa lành, tận hưởng cuộc sống một cách trọn vẹn nhất.
Cuốn sách "Quà tặng cuộc sống - 12 chìa khóa chữa lành quá khứ tổn thương" của Edith Eger khuyến khích chúng ta thay đổi những suy nghĩ và hành vi có thể khiến chúng ta bị quá khứ giam cầm trong những nhà tù do chính mình tạo ra.
Với việc chia sẻ tóm tắt câu chuyện về cuộc đời đầy sóng gió của mình cũng như những câu chuyện của những khách hàng mà bà từng tiếp xúc, làm việc trong nhiều năm qua, Edith Eger cung cấp cho độc giả 12 chìa khóa giúp giải phóng tâm trí khỏi 12 nhà tù do chính mình tạo ra.
Những nhà tù đó bao gồm:
1. Nạn nhân – nhận ra mọi thứ đã qua đều thuộc về quá khứ, và hiện tại bạn có quyền quyết định cuộc sống của mình sẽ ra sao.
2.Trốn tránh – cảm nhận được tình cảm để bạn có thể hàn gắn những tổn thương và biết rằng mọi nỗi đau chỉ là tạm thời.
3. Bỏ bê bản thân – bắt đầu chăm sóc bản thân và cân bằng giữa công việc, tình yêu và giải trí.
4. Bí mật – nói thật cảm xúc của bạn với chính mình và trước sự hiện diện của người mà bạn cảm thấy an toàn khi ở cạnh họ.
5. Tội lỗi và hổ thẹn – nhận ra rằng bạn xứng đáng được yêu thương và tha thứ.
6. Những nỗi đau không thể nguôi ngoai – nói chuyện với người thân đã qua đời của bạn; và hỏi họ muốn gì nơi bạn.
7. Sự cứng nhắc – gặp gỡ người khác ở nơi họ đang ở, hợp tác, và nhận ta khả năng thay đổi trong cách nhìn về khó khăn của chính mình.
8. Sự phẫn uất – thay đổi các kiểu hành vi giữa các cá nhân, tập trung vào việc cải thiện bản thân.
9. Sự sợ hãi dẫn đến tê liệt – thay đổi đồng nghĩa với tăng trưởng; thay đổi từ “Tôi không thể” thành “Tôi có thể”.
10. Sự phán xét – chúng ta sinh ra để yêu thương, không phải để phán xét nên hãy gạt qua một bên yếu tố “tốt – xấu” hoặc “đúng – sai”.
11. Sự tuyệt vọng – hy vọng là một khoản đầu tư cho sự tò mò; tò mò điều gì xảy ra tiếp theo
12. Không tha thứ – thừa nhận và giải phóng cơn thịnh nộ; tha thứ cho bản thân ngoài những người khác
Với mỗi chìa khóa kể trên, Edith Eger lại truyền những cảm hứng và sức sống mãnh liệt. Bà đã thay đổi hoàn toàn cuộc đời của những người mà bà gặp gỡ hay tiếp xúc bằng câu chuyện của chính mình. Từ tinh thần lạc quan, bà có khả năng làm sống dậy một con người tuyệt vời dù đã phải trải qua một trong những chương đen tối nhất trong lịch sử nhân loại.
“Cuộc sống cùng với tất cả những tổn thương, đau đớn, nỗi buồn, khốn khổ và cái chết, vốn là một món quà... Tận hưởng món quà của cuộc sống là tìm ra món quà trong mọi biến cố, ngay cảnhững biến cố đầy đau đớn mà chúng ta không chắc mình có thể vượt qua”, Eger nhắn nhủ.
Cũng qua tác phẩm, Eger khuyến khích mỗi người hãy tự đặt cho mình những câu hỏi, như: Chúng ta muốn trở thành ai? Chúng ta muốn được mọi người nhớ đến là người như thế nào? Bài học cuộc sống mà chúng ta học được trong sự khổ đau là gì?
Bà khuyên chúng ta nên làm công việc chữa bệnh của mình, chủ động lựa chọn một cuộc sống có hi vọng, tò mò, sáng tạo và biết thể hiện bản thân, kể cả trầm cảm. “Đối lập với trầm cảm là sự biểu lộ”, bà chia sẻ.
Bà hy vọng, mỗi chúng ta hãy học cách thể hiện bản thân, dấn thân vào cuộc sống mà chúng ta đang có, vì đó là một món quà.
Nguồn: https://kienthuc.net.vn/sach-hay/qua-tang-cuoc-song-12-chia-khoa-chua-lanh-qua-khu-ton-thuong-1700347.html