Quảng cáo phản cảm: Đừng đùa với văn hóa dân tộc

Trên thế giới, cũng đã nhiều thương hiệu lớn vấp phải chuyện này, nhưng không hiểu sao, có nhiều thương hiệu đi sau vẫn giẫm vào “vết xe đổ”.

Thời gian gần đây, cô Kim siêu vòng ba - Kim Kardashian West – ngôi sao truyền hình thực tế nổi tiếng tại Mỹ đang bị cộng đồng mạng, đặc biệt là người Nhật cáo buộc về hành vi bôi nhọ văn hóa sau khi ra mắt thương hiệu đồ lót định hình lấy tên là “Kimono Intimates”. Hồi cuối tháng 6 vừa qua, người đẹp này đàng hoàng xuất hiện trên các phương tiện truyền thông cho biết, nhãn hiệu này đã được đăng kí bản quyền và quảng cáo rằng các mẫu trang phục sẽ “tôn vinh và nâng tầm dáng vóc cũng như đường cong của phụ nữ” càng khiến người Nhật phẫn nộ. Vì họ cho rằng đây là một sự thiếu tôn trọng đối với văn hóa truyền thống của Nhật Bản.

Kim Kardashian West đã phải rút lại tên thương hiệu nội y vì bị người Nhật cho là đã xem thường văn hóa của họ. Ảnh tư liệu

Nhiều phụ nữ Nhật cho rằng, đồ lót đẹp đấy, nhưng với tư cách là một phụ nữ Nhật Bản thích mặc trang phục truyền thống kimono, việc cô Kim đặt tên cho các sản phẩm như vậy thật gây khó chịu. Vì nó không giống với kimono chút nào, nếu không muốn nói là hoàn toàn phản cảm về mặt văn hóa. Và nếu đó chỉ là một trò chơi chữ đối với tên của chính cô, thì mong cô xem xét lại. Trong tiếng Nhật từ kimono có nghĩa đen là “thứ đeo trên vai”. Trang phục này thường có độ dài đến mắt cá chân với cổ áo phẳng và hay được mặc trong những dịp trang trọng, bao gồm các ngày lễ và đám cưới.

Ngày 1-7, Kim Kardashian West cho biết, đã rút lại thương hiệu nội y “Kimono” sau khi việc đặt tên đồ lót theo tên gọi trang phục truyền thống của Nhật Bản vấp phải sự phản ứng. Tuy nhiên, trong một tuyên bố đăng trên Twitter hôm 2-7, Bộ trưởng Bộ Thương mại Nhật Bản Hiroshige Seko cho biết, dù Kardashian West từ bỏ thương hiệu “kimono” nhưng Nhật Bản vẫn sẽ cử các quan chức đến Văn phòng Thương hiệu và sáng chế Mỹ vào ngày 9-7 để kiểm tra cẩn thận và trao đổi quan điểm đúng đắn.

Đầu năm 2019, hãng thức ăn nhanh Burger King New Zealand cũng gặp phải sự phản ứng dữ dội của nhiều người châu Á. Sự việc bắt đầu khi tài khoản instagram của hãng này đăng tải một đoạn video quảng cáo món hamburger mới mang hương vị Việt Nam. Điều đáng nói những người mẫu quảng cáo lại sử dụng một đôi đũa lớn gắp hamburger lên ăn. Đoạn video ngay lập tức tạo nên một làn sóng phản đối lớn trên mạng xã hội khi nhiều người cho rằng Burger King đang có ý phân biệt chủng tộc và châm biếm cách dùng đũa của một số nước châu Á.

Nhiều người còn so sánh đoạn video của Burger King với video quảng cáo mà người mẫu cũng ăn bánh pizza bằng đũa của Dolce & Gabbana hồi năm 2018, khiến nhà mốt này bị tẩy chay trên diện rộng ở Trung Quốc. Sau đó, phía Burger King đã xóa đoạn video gây tranh cãi và lên tiếng xin lỗi về sự việc. Theo đó, một phát ngôn viên của Burger King nói với CNN rằng họ đã đã yêu cầu cửa hàng nhượng quyền của mình ở New Zealand loại bỏ quảng cáo ngay lập tức.

Cũng trong đầu năm 2019, hãng Nike đã tạo ra làn sóng phẫn nộ trong cộng đồng Hồi giáo. Thương hiệu bị nhắc tên điểm chỉ yêu cầu xóa bỏ thiết kế Air Max có logo tương đồng với chữ “Allah” trong tiếng Ả Rập. Hàng chục nghìn người đã yêu cầu thương hiệu này có câu trả lời cho việc xúc phạm này thông qua mạng xã hội. Theo như người tiêu dùng cho rằng, thương hiệu đã sử dụng font chữ “Air Max” đặt ở dưới đế giày gây phản cảm cho những người theo đạo Hồi. Đối với họ, từ “Allah” là một từ linh thiêng và không được phép đặt lên giày, đặc biệt là phần đế. Vị trí ấy gần với đất và dễ dàng dính bẩn.

Theo như thông tin từ website Change.org, đây là sự thiếu tôn trọng và cực kỳ xúc phạm người Hồi giáo. Theo đạo Hồi, mọi người sẽ được dạy về lòng trắc ẩn, tốt bụng và công bằng với tất cả mọi người. Họ yêu cầu thương hiệu thể thao này thu hồi lại đôi giày mang ý nghĩa báng bổ và tất cả sản phẩm có logo thiết kế giống chữ “Allah” trên thị trường một cách tức thời. Vào năm 1997, Nike đã từng phải thu hồi 38,000 đôi sneakers vì logo hình ngọn lửa được cho là thể hiện từ “Allah”.

Các mẫu quảng cáo ngoài tính độc đáo, mới lạ, hấp dẫn, muốn nhận được sự đồng cảm của người tiếp nhận cần phải gần gũi, thực tế như đời sống thực, phù hợp với các giá trị văn hóa cộng đồng, truyền thống dân tộc.

Người Việt Nam hay bất cứ dân tộc nào chắc chắn đều tự hào về đất nước mình, về dân tộc mình. Do đó, bất cứ ý tưởng và nội dung quảng cáo nào không có ý tôn trọng hình ảnh đất nước, con người chứ chưa nói đến việc xúc xiểm, bêu xấu, chắc chắn đều bị phản đối và phản ứng, cho dù mẫu quảng cáo đó xuất hiện ở bất cứ đâu.

Những mẫu quảng cáo biết tôn trọng hình ảnh nước Việt, tôn vinh lòng tự hào dân tộc của người Việt, rất dễ có được sự đồng cảm và gây cảm tình với công chúng. Có thể kể tới trường hợp của các Cty tận dụng những sự kiện thể thao lớn của Việt Nam, để tung ra các hình ảnh và câu hiệu “Cùng Việt Nam chiến thắng”, “Việt Nam vô địch”... Hay một Cty sản xuất ô tô, xe máy đã thành công trong một chiến dịch quảng cáo với slogan “Tôi yêu Việt Nam”. Tuy nhiên, thành công nhất có thể kể đến trường hợp một hãng giày của Việt Nam với hình ảnh các bước chân của người Việt lướt qua các thời đại và câu slogan “Nâng niu bàn chân Việt” đã tung hoành trên các phương tiện truyền thông trong nhiều năm. Quảng cáo rất đỉnh này cùng với chất lượng sản phẩm tốt nên đã khiến hãng giày được rất nhiều người Việt rất tin dùng.

Thái Phương

Nguồn: Báo PL&XH